Theo quy định của pháp luật thì điều kiện để xây dựng nhà chung cư mini bao gồm: Mảnh đất đó không thuộc diện tranh chấp; Nhà phải có từ tầng hai trở lên mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế hoặc xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng riêng, có khu bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) và diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở (khoản 3 Điều 43 NĐ số 71/2010/NĐ-CP ngày 27-6-2010);
Tiêu chuẩn quy định về chung cư được quy định tại khoản 3 Điều 3 - Luật Nhà ở năm 2014 như sau: “Nhà chung cư là nhà có hai tầng trở lên, có lối đi, cầu thang và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nhà chung cư có phần sở hữu riêng của từng hộ gia đình, cá nhân và phần sở hữu chung của tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà chung cư”.
Ngoài ra, để xây dựng nhà chung cư mini, chủ đầu tư còn phải tiến hành một số thủ tục như sau: Nộp hồ sơ xin phép xây dựng tại quận, huyện; Xin thông tin quy hoạch, xin chỉ giới tại Sở Kế hoạch - Đầu tư; Lập hồ sơ thiết kế, thẩm quyền, thẩm định hồ sơ thiết kế; Tập hợp các giấy tờ quy định trong hồ sơ nộp cho các cơ quan chức năng để xin phép xây dựng.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư nếu công trình được cấp phép xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng và các bên liên quan phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng an toàn lao động,… theo quy định của Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở và các văn bản có liên quan.
Đặc biệt, Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt dự án và thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Công trình chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn PCCC đã được duyệt. Trong quá trình thi công, nếu có thay đổi thiết kế, chủ đầu tư phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại. Đồng thời, chủ đầu tư cũng có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy chung cư mini gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Theo quy định của luật Xây dựng hiện hành, Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, còn cấp phép xây dựng phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Thông thường, cấp tỉnh sẽ phân cấp lại cho cấp Sở Xây dựng.
Trường hợp đặc biệt như Hà Nội là thủ đô thì phân cấp tiếp xuống cho chủ tịch UBND quận chịu trách nhiệm cấp phép xây dựng đối với công trình dưới 6 tầng. Thông thường, chủ tịch UBND quận sẽ phân công phó chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị cấp phép xây dựng.
Theo phân cấp của luật Xây dựng hiện hành, cấp quận chỉ được cấp phép xây dựng công trình từ 6 tầng trở xuống.
Những năm gần đây, loại hình chung cư mini xuất hiện “nở rộ” vì phù hợp với người có thu nhập trung bình như giá cả hợp lý, diện tích nhỏ gọn... Tuy nhiên, loại hình này cũng tồn tại nhiều vấn đề rủi ro bởi tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị; không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là vi phạm các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công và quản lý chất lượng đối với nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ kiểu khép kín, ngày 18-6-2020, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản 2937/BXD-QLN về việc tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với loại nhà ở này.
Trong đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo sở xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương Tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP , Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP , Thông tư số 15/2016/TT-BXD , Thông tư số 03/2018/TT-BXD …về các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, Giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng để chính quyền địa phương (UBND các Quận, huyện, xã, phường) và người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở riêng lẻ trong đó có nhà ở có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ kiểu khép kín hiểu rõ được các quy định của pháp luật trong việc quản lý các hoạt động xây dựng nhà ở này theo đúng quy hoạch, Giấp phép xây dựng, việc thi công và quản lý chất lượng công trình nhà ở thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.
Đồng thời, căn cứ quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật xây dựng để ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng của địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc cấp Giấy phép xây dựng, triển khai thi công, quản lý chất lượng xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo đúng quy hoạch được duyệt và nội dung Giấy phép xây dựng đã được cấp đặc biệt là đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở kiểu khép kín.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở nhưng: xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng...
Trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với công tác phòng cháy chữa cháy
Theo quy định pháp luật, cơ quan phê duyệt dự án, công trình thuộc danh mục do cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi phê duyệt thì tùy từng dự án, công trình phải có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng, văn bản về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; Kiểm định thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng; Kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
Hậu quả vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân Hà Nội đêm 12/9/2023 vô cùng lớn, số người tử vong là 56 người
Những trách nhiệm pháp lý đặt ra ?
Có thể thấy, pháp luật đã quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến hoạt động xây dựng, cấp phép, quản lý, giám sát chung cư mini. Trong đó đặc biệt là trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra không ít vụ cháy chung cư mini gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cá nhân tổ chức liên quan công tác cấp phép xây dựng, quản lý, giám sát phòng cháy chữa chữa đối với loại hình nhà ở này.
Một số vụ cháy chung cư mini xảy ra thời gian gần đây
- Vụ cháy chung cư mini tại số 315 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân hồi tháng 3/2023, khiến hơn 170 người đang sinh sống tại tòa nhà này phải tháo chạy trong hoảng loạn; vụ cháy chung cư mini trong ngách 20, ngõ 426 Đường Láng (quận Đống Đa) hồi tháng 5/2023.
- Trước đó hồi cuối tháng 10/ 2022, vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người…
- Mới nhất vụ là hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) ngày 12/9/2023 khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Nhận định về trách nhiệm pháp lý liên quan, nhiều chuyên gia cho rằng, hậu quả của các vụ cháy chung cư mini thường sẽ đặc biệt nghiêm trọng. Bởi, thực tế, do ham lợi nhuận nên các chủ đầu tư phần lớn đều cho xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, không đảm bảo điều kiện PCCC…
Do đó, đối với các vụ việc này, cần điều tra làm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Theo đó, trách nhiệm đầu tiên là chủ nhà trong việc xây dựng, đưa vào hoạt động công trình. Tiếp đó, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào? Trách nhiệm giám sát của chính quyền ở đâu? Có hay không sự buông lỏng quản lý?
Đồng thời cần làm rõ vấn đề công trình đưa vào khai thác sử dụng thì công an phòng cháy, chữa cháy, công an khu vực, cơ quan chức năng liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Những trường hợp không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy có được báo cáo, ngăn chặn việc sử dụng không?
Vụ cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) điều tra từ khâu cấp phép xây dựng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đã thống nhất với Bộ Công an chỉ đạo điều tra, từ khâu cấp phép xây dựng. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ vào cuộc kiểm tra trách nhiệm lãnh đạo, quản lý liên quan…
Tối 13/9, liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.
Tác giả bài viết: https://phaply.net.vn/qui-dinh-phap-luat-dieu-chinh-hoat-dong-xay-dung-cap-phep-quan-ly-chung-cu-mini-a257370.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn