Phân loại cán bộ, công chức, trả lương theo vị trí việc làm
- Tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024. Đây là một trong những nội dung được cử tri và người dân rất trông đợi. Ông có thể thông tin về lộ trình, cách thức thực hiện trong thời gian tới?
+ Như chúng ta biết, Hội nghị lần 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nghị quyết, giao Chính phủ trình Quốc hội về tiến độ cải cách tiền lương. Qua đó, lộ trình thực hiện cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ 1/7/2024, với 6 nội dung cơ bản.
Trong đó, lần cải cách này sẽ xây dựng bảng lương mới, bao gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang; sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp…
Về nguồn kinh phí cải cách tiền lương, Chính phủ đã báo cáo hội nghị Trung ương là đã được chuẩn bị cho giai đoạn 2024 - 2026. Sau năm 2024 sẽ thực hiện tăng theo lộ trình 5-7%, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27.
- Cùng với việc cải cách chính sách tiền lương, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao phải đảm bảo tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, thưa ông?
+ Tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế vừa giúp tiết kiệm nguồn lực, vừa giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước một cách phù hợp là điều quan trọng, đã và đang được triển khai. Vấn đề tiền lương tuy không phải tất cả, nhưng nó là yếu tố khá căn bản tác động đến tâm lý cán bộ, công chức trong việc thực hiện chức trách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là câu chuyện về vấn đề môi trường làm việc, năng lực thực tế, cách thức sử dụng và bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị. Rồi cơ chế tuyển dụng, cơ chế sử dụng, phát huy năng lực của người lao động thế nào… Và một yếu tố rất quan trọng đối với nhóm cán bộ, công chức mà chúng ta không thể không kể đến, đó là trách nhiệm công vụ, đạo đức công vụ và sự cống hiến, hi sinh của cán bộ, công chức.
Tất nhiên, không thể nói suông để có được điều đó mà cần phải có những quyết sách cụ thể đi kèm chính sách tiền lương và các cơ chế đãi ngộ khác.
- Cho ý kiến cụ thể hơn về vấn đề này, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, có biện pháp xử lý với những người làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Theo ông, cần có cơ chế gì để cụ thể hoá được điều này?
+ Vấn đề này chúng ta đang làm, đang phân tách giữa đơn vị sự nghiệp công lập, nhóm cán bộ công chức làm sao cho rành mạch hơn. Đặc biệt phải sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, để tạo ra động lực, tinh gọn bộ máy, và tạo ra được nguồn để cải cách chính sách tiền lương.
Trong cơ chế quản lý, cần trao những thẩm quyền nhất định cho những người có quyền trả lương, để họ có cơ chế sử dụng và đánh giá cán bộ như Nghị định của Chính phủ vừa ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, Đảng ta đã ban hành những hướng dẫn, đánh giá đối với cán bộ, đảng viên, làm sao cho rõ hơn về mặt tiêu chí, định lượng được rõ ràng và phân loại cụ thể được cán bộ, đảng viên, làm sao cho tương xứng với việc trả lương theo vị trí việc làm.
Nhiều cái khó, nhưng nếu quyết tâm sẽ làm được
- Liên quan đến việc hướng tới trả lương theo vị trí việc làm, theo ông, làm sao để có thể mang lại được kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn này?
+ Chắc chắn là khó, nhưng nếu quyết tâm làm thì tôi tin sẽ làm được. Các nước làm được, mình cũng có thể làm được, nhưng điều quan trọng cần phải có sự quyết tâm. Có nhiều cái khó chứ, cải cách mà, đã là cải cách thì sẽ phải đối mặt với nhiều cái khó, nhiều cái mới không giống với cái cũ. Tất nhiên, để làm được điều này thì không chỉ dựa vào một cá nhân người đứng đầu mà có thể giải quyết được vấn đề, mà cần phải dựa vào nhiều yếu tố mới giải quyết được vấn đề và mang lại hiệu quả.
- Về nguồn lực, mặc dù trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như miễn giảm thuế, phí, nhưng nguồn ngân sách đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Ông thấy sao về vấn đề này?
+ Về nguồn lực đã được chuẩn bị từ ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 27, đã có lộ trình để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương . Chúng ta đều biết, lẽ ra vấn đề này phải thực hiện từ năm 2021, nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là tác động bởi đại dịch COVID-19, nên chủ trương này đã phải lùi lại. Trong bối cảnh đó, Trung ương cho phép, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết về việc lùi thời hạn cải cách tiền lương.
Đến thời điểm này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo với Trung ương với con số rất thực tế, trên cơ sở có sự chuẩn bị của cả Trung ương lẫn địa phương chứ không phải chỉ riêng nguồn của Trung ương. Và trong lần cải cách tiền lương này bao gồm cả điều chỉnh lương hưu trí, cũng như người có công nữa, chứ không phải chỉ riêng khu vực công.
“Đã là cải cách thì sẽ phải đối mặt với nhiều cái khó, nhiều cái mới không giống với cái cũ, nhưng nếu quyết tâm, tôi tin sẽ làm được. Các nước làm được, mình cũng có thể làm được”.
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Quý
- Một vấn đề thường xuyên xảy ra, luôn được nhắc tới trong mỗi lần điều chỉnh tiền lương là giá cả các mặt hàng lại được “té nước theo mưa”. Theo ông, cần làm gì để hạn chế thấp nhất tình trạng này trong lần điều chỉnh chính sách tiền lương sắp tới?
+ Đó là một thực tế diễn ra không chỉ ở lần điều chỉnh này. Việc tăng giá các mặt hàng do tác động bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng việc tăng lương. Nhưng yếu tố tác động tăng lương có không? Chắc chắn là có! Điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải cố gắng làm sao để giảm thiểu tác động nhất có thể.
Trước thực tế đó, các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các địa phương cần có giải pháp căn cơ, làm sao để có thể kiểm soát được tác động ở mức thấp nhất có thể, đặc biệt là giá cả các loại hàng hoá thiết yếu liên quan trực tiếp đến sinh hoạt và đời sống của người dân.
Cảm ơn ông !
Theo https://tienphong.vn/cai-cach-chinh-sach-tien-luong-trao-quyen-cho-nguoi-co-quyen-tra-luong-post1580469.tpo
5 bảng lương
Theo Nghị quyết 27 của Trung ương, chế độ tiền lương mới sẽ có 5 bảng lương: Một là, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; hai là, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Ba là, bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); bốn là, bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; năm là, bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn