Đã đến lúc phải đổi mới công tác cán bộ; đã đến lúc cán bộ phải hội đủ mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đã đến lúc không còn chỗ cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đã đến lúc “con ông, cháu cha” không có năng lực phải tự đào thải; đã đến lúc người dân tin tưởng thực sự đội ngũ cán bộ của Đảng. Nhưng muốn vậy, điều kiện tiên quyết phải có Nghị quyết mới, khắc phục những yếu kém lâu nay trong công tác cán bộ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 7, khóa 12.
Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ảnh minh họa |
Chính vì vậy, nhiều năm qua, phần lớn đội ngũ cán bộ là tốt, là “cái gốc”, và là nhân tố quyết định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới của đất nước. Nhưng vì sao, đến thời điểm này, Đảng ta lo lắng về đội ngũ cán bộ đến thế? Vì sao niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ của Đảng ngày một hao hụt đi như thế? Vì sao giữa “cán bộ” với “dân” ngày càng có khoảng cách, khó có tiếng nói chung trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội?
Có sự lo lắng ấy là bởi “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Bởi,“Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm”. Bởi,“Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”, như nhận định tại các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII.
Có sự lo lắng ấy là bởi, chưa có đột phá lớn trong đổi mới công tác cán bộ, và “đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”. Vì thế, mới có tình trạng đánh giá cán bộ theo kiểu “vuốt ve”, nịnh nọt nhau; tạo nên một nền công vụ “thương nhau”; tạo nên một bộ phận cán bộ vì lợi ích nhóm, lũng đoạn chính sách, coi thường pháp luật.
Có sự lo lắng ấy là bởi, dường như ở đâu các vị trí chủ chốt cũng đã được “cài cắm” cho cán bộ được bổ nhiệm theo kiểu “siêu thần tốc”, thiếu trong sáng; theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” được giấu dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy định”.
Có sự lo lắng ấy là bởi chưa bao giờ việc kiểm soát quyền lực, giám sát người có quyền lực lại khó khăn đến thế; chưa bao giờ những sai phạm của cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao của Đảng lại đặc biệt nghiêm trọng đến thế; gây thiệt hại lớn cho dân cho nước đến thế.
Có sự lo lắng ấy còn là bởi những “thói hư, tật xấu”, sự tha hóa tột cùng của một số cán bộ, đảng viên đã làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng; giảm sút niềm tin của nhân dân; tạo nên nhiều dư luận không tốt về đội ngũ cán bộ; gây bất ổn trong xã hội.
Thực tế ấy, những bài học còn nóng hổi khi kiên quyết không có vùng cấm cho “giặc nội xâm”, khi quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng và Chính phủ thời gian qua, cho thấy tính cấp thiết, sự đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, phải xây dựng một đội ngũ cán bộ thực tâm, thực tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” được thảo luận, quyết định tại Hội nghị Trung ương 7 lần này, với những đột phá, với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với sự định lượng cụ thể, nếu như được thông qua sẽ khắc phục được những yếu kém của công tác cán bộ lâu nay. Cùng với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy, Nghị quyết này sẽ là chỉ dấu quan trọng cho công tác cán bộ của Đảng, xây dựng một đội ngũ cán bộ xứng với sự tin tưởng của Đảng, sự giao phó của nhân dân; xứng là “gốc của mọi công việc” trong nhiệm kỳ này và nhiều năm sau nữa./.
Nguồn tin: Đàm Hoa/VOV1
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn