Về xác định biện pháp xử lý hành chính tiếp theo đối với hành vi vi phạm hành lang ATĐB khi đã hết thời hiệu

Thứ sáu - 03/02/2023 04:54
(Phản biện) – Tại buổi làm việc với PV Tạp chí Pháp lý mới đây về nội dung đơn phản ánh của bà Tống Thị Thanh Thủy về việc chính quyền địa phương chậm xử lý đối với gia đình bà Tống Thị Kim Phương có hành vi lấn chiếm hành lang an toàn QL1A, ông Trần Công Tòng – Chủ tịch UBND xã Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) xác nhận, hiện trên địa bàn xã quản lý có tới hàng chục hộ gia đình có hành vi vi phạm tương tự như bà Phương, nhưng địa phương vẫn lay hoay với biện pháp giải quyết dứt điểm. Riêng trường hợp bà Phương, ông Tòng cho biết, UBND xã đã phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ III.2 kiểm tra và lập biên bản vi phạm nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở bước vận động gia đình tháo dỡ công trình vi phạm. Ông Tòng có nguyện vọng mong được các chuyên gia luật giải thích các quy định pháp luật để giúp địa phương mạnh dạn tháo gỡ tồn tại này ?
Luật gia Lê Công Tâm
Luật gia Lê Công Tâm
Về đề nghị của ông Trần Công Tòng - Chủ tịch UBND xã Cát Tân, Luật gia Lê Công Tâm  (Hội Luật gia tỉnh Bình Định), CTV Văn phòng đại diện Tạp chí Pháp lý khu vực các tỉnh MT&TN tại Bình Định, giải đáp như sau:

Thực trạng lấn chiếm hành lang đường bộ để xây dựng lều quán, xây dựng tường rào cổng ngõ bao chiếm, thậm chí xây dựng nhà ở trái phép diễn ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Đó là một thực trạng nhức nhối làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường bộ, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh TNGT mà lâu nay báo chí đề cập rất nhiều, do đó cần phải lên án và kiên quyết xử lý nghiêm khắc.

Hành vi xây dựng xây dựng công trình (tường rào, lều quán) trên đất thuộc hành lang bảo vệ đường Quốc lộ 1A của các hộ gia đình ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát, trong đó có gia đình bà Tống Thị Kim Phương là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Do đó cần phải vận dụng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để điều chỉnh hành vi.

Trong vụ việc này, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho biết, vào ngày 9/7/2021, UBND xã Cát Tân đã phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ là Hạt QLĐB Tây Sơn thuộc Công ty CP QL&XD đường bộ tỉnh Bình Định tiến hành lập Biên bản đối với bà Tống Thị Kim Phương về hành vi đang xây dựng lều quán tạm trên phạm vi đất dành cho đường bộ, với diện tích chiếm dụng 29,92m2. Đến ngày 14/10/2021, UBND xã Cát Tân phối hợp với công chức Thanh tra Chi cục Quản lý đường bộ III.2 tiếp tục lập biên bản về hành vi vi phạm hành lang ATĐB đối với bà Tống Thị Kim Phương và yêu cầu gia đình bà Phương phải tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng đất được xác định nằm trong hành lang ATĐB. Tuy nhiên cả 2 lần bà Phương đều bất hợp tác, không ký vào biên bản.

Trong trường hợp này, trong vòng 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản VPHC, theo quy định tại khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020 (Điều 66 Luật Xử lý VPHC năm 2012), Chủ tịch UBND xã Cát Tân phải ban hành quyết định xử phạt VPHC gửi đến bà Tống Thị Kim Phương với mức xử phạt theo quy định tại khoản 5 và khoản 9 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời yêu cầu bà Phương phải phải tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Nếu trong vòng 10 ngày (theo quy định tại Điều 73, Điều 85, 86, 87, 88 Luật Xử lý VPHC 2012) mà bà Phương vẫn không chấp hành quyết định xử phạt VPHC thì Chủ tịch UBND xã Cát Tân phải ban hành quyết định cưỡng chế quyết định xử phạt VPHC. Việc tổ chức cưỡng chế được thực hiện bỡi UBND xã Cát Tân, lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cùng cấp. Mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế, bà Phương phải chịu trách nhiệm chi trả.

Việc Chủ tịch UBND xã Cát Tân để quá thời hạn quy định không ban hành quyết định xử phạt VPHC là có lỗi. Theo quy định tại điều khoản khoản 2 Điều 66 Luật Xử lý VPHC năm 2012, Chủ tịch UBND xã Cát Tân không được ra quyết định xử phạt VPHC (vì đã quá thời gian quy định) nhưng vẫn có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý VPHC và quy định tại điểm đ, khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Nội dung quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là, yêu cầu gia đình bà Tống Thị Kim Phương phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Quy trình xử lý áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cũng được áp dụng đối với 10 hộ gia đình đã có hành vi vi phạm xảy ra nhưng đã xảy ra quá thời hiệu xử lý VPHC. Ngoài ra đối với riêng hành vi vi phạm của bà Phương còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 10 Luật Xử phạt VPHC (vì hành vi vi phạm của bà Phượng đã được công chức địa chính xã yêu cầu dừng lại theo Biên bản vi phạm xác lập vào ngày 9/7/2021, nhưng sau đó bà Phương vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thành).

Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (theo quy định tại Điều 85 và Điều 28 Luật Xử lý VPHC 2012) không áp dụng quy định về thời hiệu thi hành và không bị giới hạn thời gian cụ thể thi hành quyết định. Các đối tượng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có trách nhiệm phải thi hành biện pháp khắc phục hậu quả ghi trong quyết định cho đến khi thi hành xong. Trường hợp các hộ gia đình vi phạm hành lang ATĐB nói trên (tức đối tượng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả) không tự nguyện chấp hành, thì Chủ tịch UBND xã Cát Tân (tức người có thẩm quyền) phải ban hành quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (theo quy định tại Điều 73, Điều 86, 87, 88 Luật Xử lý VPHC 2012) và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế cho đến khi thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định cưỡng chế.

Trân trọng !
                                                                                     
Nhà báo Minh Trung (thực hiện)

 

 Khoản 5 và khoản 9 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm, như dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ); phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm, như chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở. Thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC đối với các hộ gia đình vi phạm trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được xác định là Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.


Dưới đây là một số hình ảnh vi phạm của gia đình bà Tống Thị Kim Phương, do PV chụp vào ngày 01/02/2023:
                 
IMG 0112

                     
IMG 0113

           
IMG 0114
                                                                   
IMG 0115



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây