Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Sơn La hôm 17.7 vừa rồi được tổ chức tại huyện Mộc Châu có nhiều chuyện đáng bàn. Đây là một tỉnh miền núi nghèo ở miền Tây Bắc. Mỗi năm, tỉnh thu ngân sách được có trên ngàn tỉ. Ấy thế nhưng hôm rồi, tỉnh đã ký thỏa thuận với các đối tác đầu tư vào đây được 6.700 tỷ thì quả là rất mừng. Một điều chưa từng có ở nơi đây. Tuy nhiên, khi phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ: “Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta”.
Theo Thủ tướng, chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung...
Thủ tướng cũng chia sẻ rất chân tình, "trong khi đó, chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hy sinh với những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường. Họ luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào".
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo không chỉ ở Hà Nội, mà phải ở tất cả các cấp, các ngành,địa phương trong hệ thống. Trước hết, kiến tạo phải bằng hành động và hành động đó phải có kết quả cụ thể, đặc biệt là cấp cơ sở.
Nhà một lãnh đạo sở ở Yên Bái mà xây như biệt phủ trong khi tỉnh này còn đến 400 ngàn người nghèo và luôn phải xin cứu trợ thì thật phản cảm.
Thủ tướng trăn trở trước một biểu hiện về lối sống phô trương, xa hoa của một bộ phận cán bộ địa phương cũng là xác đáng. Thực tế này, theo tôi, cũng không phải chỉ mới xuất hiện ở vài tỉnh miền núi phía Bắc mà chúng ta đều hiểu, ở rất nhiều tỉnh, khác trong cả nước. Nó đã và đang diễn ra mà hình như họ không cần giữ ý tứ nữa (?).
Nhiều tỉnh miền núi vốn rất nghèo nhưng lại muốn trung ương cho phép xây quảng trường, xây tượng đài hoành tráng bằng vốn ngân sách, rất lãng phí mà thiếu đi sự chia sẻ đối với Đảng, Chính phủ khi nguồn thu còn gặp muôn vàn khó khăn. Người dân thì xì xào bàn tán rằng, nếu họ không vẽ ra dự án thì mấy vị quan chức nọ có sống nổi bằng lương không? Đó là chưa kể hàng năm, ngoài việc trả nợ ngân hàng trong nước, khi đến hạn chúng ta còn phải trả nợ nước ngoài và như vậy, gánh nặng trên vai Chính phủ là rất lớn.
Tôi có cảm giác ở nhiều địa phương, khi xin ngân sách trung ương hay xin vay vốn ODA, các vị lãnh đạo có vẻ quá “vô tư” mà không hề mảy may “thương” Chính phủ trong khi Chính phủ thì đang như ngồi trên đống lửa.
Họ đâu cần biết rằng lâu nay, ngân sách nhà nước sống nhờ vào nguồn thu từ một số ngành kinh tế mũi nhọn. Do giá xăng dầu giảm mạnh, nó trở thành mối lo cho đất nước vì chi thì vẫn cứ chi... Họ cũng đâu cần biết, chỉ riêng tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang gánh khoản nợ khủng lên tới 87.000 tỷ. PVN mới đây đã công bố báo cáo tài chính riêng năm 2016, được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam, theo đó năm 2016 PVN đạt hơn 14.447 tỉ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 5.000 tỉ đồng so với năm 2015. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp về bán hàng của tập đoàn còn 3.343 tỉ đồng.
Trong các mảng kinh doanh, PVN chịu tác động nặng nề nhất là hoạt động khai thác dầu thô. Rồi chi phí thì có thứ tăng gần gấp đôi như chi phí tài chính lên xấp xỉ 5.197 tỉ đồng (chủ yếu do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá). Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 của PVN chỉ còn hơn 26.000 tỉ đồng. Đây được xem là mức lợi nhuận tương đối thấp của PVN trong nhiều năm trở lại đây. Vậy Thủ tướng không trăn trở sao được ?
Một "quả đấm thép" năm nào của đất nước là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Sau tái cơ cấu, giờ vẫn đang là con nợ khủng dù đã "thoát xác" với tên gọi mới: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Họ (tất nhiên là cả Chính phủ cũng khó tránh phải gánh thay) có nguy cơ sẽ phải trả thay khoản nợ 63.000 tỉ từ thời Vinashin. Được biết, tất cả các khoản nợ trước đây của Vinashin, giờ Bộ Tài chính về cơ bản vẫn đang phải đứng ra xử lý. Thực tế, việc tái cơ cấu khoản nợ lên đến 86.000 tỉ từ thời Vinashin là một gánh nặng không hề nhỏ cho Việt Nam...
Vì thế, trước những hiện tượng tiêu pha lãng phí, phô trương hình thức ở các địa phương, Thủ tướng không trăn trở sao được! Nhất là khi ông đang là người phải đứng mũi chịu sào giải quyết hậu quả thay cho các nhiệm kỳ Chính phủ trước.
Đó là chưa nói tới hiện tượng thất thu thuế hiện nay, dù đã có nhiều đổi mới nhất định cũng góp phần khiến cho ngân sách gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5.2017, tổng số tiền nợ thuế ở mức 75.534 tỉ đồng, tăng tới 1.390 tỉ đồng so với cuối năm 2016.
Đáng chú ý, số nợ mà chúng ta không có khả năng thu hồi, nay đã lên đến hơn 27.300 tỉ đồng, tăng hơn 1.800 tỉ đồng so với cuối năm 2016. Nguyên nhân khó thu hồi là từ những người nộp thuế đã mất tích, do liên quan đến trách nhiệm hình sự, do doanh nghiệp tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh...
Dân kinh doanh gặp khó, phá sản, tự giải thể và trốn nộp thuế... đã gây khó cho ngân sách nhà nước. Vậy mà cán bộ thì vẫn sống phô trương, xa hoa thì thử hỏi làm sao Thủ tướng không trăn trở? Tôi tin rằng các vị lãnh đạo địa phương không ai không biết nợ công hiện tại của quốc gia chia cho đầu người dân hiện đã là 1.290 đô la. Đây là con số đáng lo khi mà khả năng trả nợ sẽ chậm, rất khó đúng tiến độ nếu còn tiếp tục đầu tư với tốc độ như bây giờ. Mà thực ra, đầu tư cho phát triển kinh tế thì cũng đâu mất. Mất là chi khác kia. Song cũng không thể chi cho đầu tư lớn khi còn tính trả nợ đã đến kỳ .
Ngoài ra, còn luôn phát sinh nhiều khoản chi khác mà không thể đừng. Nó có thể nằm ngoài kế hoạch chi kiểu như khắc phục thiên tai hạn hán và ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hay ở Nam Trung bộ... Ngay như chuyện đối phó với mực nước biển dâng, đang đe doạ hàng chục triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng canh cánh nỗi lo. Vì thế, trong chuyến đi vừa rồi sang thăm Hà Lan, ông đã đặt vấn đề hợp tác với bạn để nghiên cứu, khắc phục giúp Việt Nam. Nếu như kế hoạch này được thực hiện, tôi nghĩ đây cũng là khoản vay cực lớn khiến cho nợ công càng ngày càng cao chứ không giảm (nợ công của Việt Nam đang ở mức 62,2% GDP, mức cao so với các quốc gia trong khu vực).
Trước những việc đại sự như vậy, giá như cấp lãnh đạo địa phương, bộ ngành mỗi khi đề xuất với Trung ương làm bất cứ việc gì thì cũng nên nghĩ đến cái "túi" ngân sách nhà nước hiện ra sao. Một quốc gia, một nền kinh tế dù khá giả hay nghèo khó thì điều này vẫn cần thiết, vẫn cần phải tiết kiệm từng đồng thuế mà dân đóng. Đồng thời phải có trách nhiệm trước các văn bản, các đề án mà địa phương mình, bộ mình đề nghị bởi nợ công của nước nhà đã chạm trần cho phép nếu không muốn nói là đã chớm vượt ngưỡng báo động. Bên cạnh đó, ở khía cạnh đạo đức, cán bộ hơn ai hết lẽ ra phải biết "lo trước cái lo của thiên hạ và chỉ vui sau cái vui của thiên hạ”...
Tác giả bài viết: Quốc Phong
Nguồn tin: Theo Một thế giới:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn