'Về đây, đồng đội ơi!' (*)

Thứ tư - 26/07/2017 00:03
(Phapluat News) - Con không về, không về nữa mẹ ơi! / Đồng đội con còn mải mê đâu đó... Những vần thơ vang lên bằng giọng rưng rưng của người đại tá đang cầm lái chiếc xe chở đồng đội về lại quê nhà.
Người dân đến viếng các anh trở về tại nghĩa trang liệt sĩ Đại Lộc (Quảng Nam) - Ảnh: UYÊN TRINH
Người dân đến viếng các anh trở về tại nghĩa trang liệt sĩ Đại Lộc (Quảng Nam) - Ảnh: UYÊN TRINH


Giọng thơ ấy bao lần phải ngừng lại để ghìm những giọt nước mắt sắp chực trào mỗi khi nhắc về chiến trường, về sự hi sinh. Những ám ảnh, day dứt đó cứ thôi thúc họ - các cựu chiến binh mải miết trên hành trình lo cho đồng đội được trở về quê cha đất mẹ.

Cho người nằm xuống

Khi đoàn xe chở hài cốt liệt sĩ bắt đầu lăn bánh rời TP.HCM về lại Quảng Nam, chính tay đại tá Nguyễn Quang Ngọc - ủy viên Ban liên lạc trung đoàn 96 Quảng Nam, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Duy Xuyên, trưởng đoàn di dời - cầm lái chiếc ôtô chở đồng đội là liệt sĩ Võ Hữu Triết về quê nhà.

Điện thoại đại tá Ngọc dường như không bao giờ ngơi nghỉ. Ông thuộc vanh vách số điện thoại, họ tên từng thân nhân, liệt sĩ, từng lãnh đạo của các phòng, sở lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, tỉnh.

Một tay đại tá lo hồ sơ, giấy tờ, thủ tục cho các liệt sĩ suốt sáu tháng để đảm bảo tính pháp lý cho việc di dời, trường hợp nào ông cũng nói như thuộc lòng.

Nhắc đến hoàn cảnh liệt sĩ Trần Văn Vĩ, đại tá Ngọc kể chi tiết, cặn kẽ. Đây là trường hợp mà gia đình liên tục vào Nam ra Bắc suốt 5 năm trời để tìm kiếm. Niềm hi vọng gần như lịm tắt.

May mắn thay, khi đại tá Ngọc bắt tay cùng các thành viên của Ban liên lạc trung đoàn 96 Quảng Nam chuẩn bị cho một cuộc di dời thì ông sực nhớ ra “báu vật” là giấy báo tử của cả trung đoàn.

Đem ra đối chiếu mới phát hiện liệt sĩ Trần Văn Vĩ đang chôn cất tại nghĩa trang tỉnh Đồng Nai nhưng tại đây khắc nhầm tên anh là Trần Trọng Vỹ.

Cuộc chiến hồ sơ

Để một hài cốt được di dời về lại quê nhà, giấy tờ một liệt sĩ phải thể hiện đầy đủ và chặt chẽ sáu tiêu chí: tên cha mẹ, tên liệt sĩ, ngày hi sinh, ngày nhập ngũ, đơn vị và quê quán.

Mấy chục năm qua, ông Võ Đình Tuấn, anh trai liệt sĩ Võ Đình Diêu, năm nào cũng lặn lội vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành (Tây Ninh) để thăm viếng, nhang khói.

Nhưng ở đây có đến hai mộ tên Võ Đình Diêu, thế là ông cứ nhang khói cho cả hai. Sau khi mày mò, đối chiếu hồ sơ, đại tá Ngọc đi đến kết luận, ngôi mộ ghi năm hi sinh 1979 là của liệt sĩ Võ Đình Diêu quê Quảng Nam.

Còn ngôi mộ Võ Đình Diêu, hi sinh 1978 là của một liệt sĩ ở Khánh Hòa. Niềm xúc động vỡ òa với gia đình ông Tuấn.

Cuộc chiến mang tên hồ sơ chưa bao giờ là điều dễ dàng. 64 tên liệt sĩ, 64 tên thân nhân, 64 hoàn cảnh nhưng đến hàng nghìn chuyện phải xác minh, xử lý.

Đầu tiên, đại tá Nguyễn Quang Ngọc phải vào các nghĩa trang ở phía Nam để xin danh sách tất cả các liệt sĩ được chôn cất ở đây.

Về lại Quảng Nam, đại tá đến từng phòng LĐ-TB&XH của từng huyện để xin danh sách liệt sĩ. Rồi mới lọc ra danh sách những liệt sĩ quê Quảng Nam đang được ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam quản lý mà có mộ ở các nghĩa trang phía Nam.

Trường hợp liệt sĩ nào còn chưa trùng khớp thông tin, đại tá Ngọc đi đính chính. Mục đích ban đầu là 70 liệt sĩ được đưa về đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ năm nay.

Thế nhưng cuối cùng những trục trặc hồ sơ giấy tờ, những cái lắc đầu của chính quyền địa phương sở tại, cho nên chỉ có 64 liệt sĩ được trở về.

Đây là kết quả của những đêm thức trắng mày mò hồ sơ, đối chiếu danh sách giấy tờ của đại tá Ngọc.

Đây cũng là kết quả cho những trưa nắng, ngược hết huyện miền núi này đến huyện miền núi kia trên chiếc ôtô cũ kỹ, đến từng cơ quan chức năng, từng nhà thân nhân liệt sĩ để hướng dẫn thủ tục, giấy tờ.

Trong quá trình hoàn tất hồ sơ để di chuyển hài cốt liệt sĩ, Ban liên lạc trung đoàn 96 Quảng Nam còn gặp không ít trường hợp thân nhân liệt sĩ mấy chục năm không được hưởng chế độ thờ cúng. Rồi cũng chính ban liên lạc hỗ trợ hoàn tất thủ tục để thân nhân liệt sĩ được nhận hỗ trợ.

'Về đây, đồng đội ơi!' (*)
Đại tá Nguyễn Quang Ngọc cùng đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ lên xe để trở về quê nhà ở Quảng Nam - Ảnh: UYÊN TRINH


Tất cả vì đồng đội

Ai có gì góp nấy, có công góp công, có của góp của. Tất cả vì đồng đội là tâm nguyện của những người cựu binh.

“Cái tâm mình tới đâu thì mình cố gắng làm tốt nhất cho bà con thân nhân. Mình không làm gì hổ thẹn với lương tâm, với đồng đội thì mình cứ làm” - đại tá Ngọc tâm sự.

10h đêm trước ngày tiễn đưa các anh về đất mẹ, một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi lọ mọ tìm đường dẫn về ngôi chùa quy tụ 64 liệt sĩ.

Con đường đêm vắng vẻ và heo hút, chiếc xe ông vẫn bon bon chở thùng nước sâm mà vợ nấu sẵn đến cho kịp lúc đoàn quy tập liệt sĩ Quảng Nam rời TP.HCM.

Chuyến di dời nào cũng vậy, chưa bao giờ thiếu vắng những chai nước, những hộp cơm nấu sẵn của vợ ông.

Cùng một tấm lòng, những cựu chiến binh ở Ninh Thuận đợi sẵn đoàn xe để mời đoàn bữa cơm tối khi đoàn đến nơi gần 10h đêm.

Giới thiệu những món ngon, chỉ dẫn tận tình, chu đáo, tay bắt mặt mừng, họ xem đó là những việc họ cần làm cho đồng đội của mình.

Những cựu chiến binh quây quần bên mâm cơm tối. Những câu chuyện ký ức dội về miền nhớ để rồi bật thành những câu thơ: Chiến tranh đã hết mà răng / Bảy mươi tám đứa nỏ về đứa mô / Mẹ ơi! Vì nước vì non / Mất con nhưng Tổ quốc còn hôm nay!

Ngày về, Quảng Nam tiếp đón các anh trang nghiêm, xúc động trong sự chờ đợi suốt mấy chục năm trời của gia đình, của đồng đội.

Những đôi tay ve vuốt tìm lại dáng hình cũ, nghẹn ngào. Nắng trưa ráng vàng trên những lá cờ Tổ quốc quấn quanh di hài các anh, rọi tỏ gương mặt những người vợ đầm đìa nước mắt.

Ánh nắng làm rạng rỡ khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị của những người cựu chiến binh già. Bỗng trong tôi nghe vang vọng lời bài hát: Về đây, đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào...

Học việc

Để thực hiện những chuyến di dời liệt sĩ quy mô, đại tá Ngọc phải xin theo phụ những đoàn di dời liệt sĩ dày dạn kinh nghiệm để học hỏi cách làm.

Đây cũng là dịp để ông lại lặng lẽ đi tìm và ghi lại hết tất cả những liệt sĩ quê Quảng Nam ở các nghĩa trang mà ông được ghé đến.

(*) Tên của bài hát do Trương Quý Hải (chiến sĩ sư đoàn 356) sáng tác và trình bày tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) để tưởng nhớ đồng đội hi sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

Tác giả bài viết: UYÊN TRINH

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây