Nghĩ từ chia sẻ của Thủ tướng với nhà giáo

Thứ sáu - 21/07/2017 09:38
(Phapluat News) - Chia sẻ của Thủ tướng với Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của thầy cô giáo. Nhân đây tôi xin được đề xuất mấy vấn đề liên quan đến nội dung chia sẻ của Thủ tướng với hội.
Một tiết dạy môn địa lý của cô Huỳnh Ngọc Sao Ly cùng học sinh Trường THPT Diên Hồng, Q.10. TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Một tiết dạy môn địa lý của cô Huỳnh Ngọc Sao Ly cùng học sinh Trường THPT Diên Hồng, Q.10. TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

 

Trước đó, bản tin của Tuổi Trẻ ngày 19-7 cho biết trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, ông đã chia sẻ: “Không quan tâm nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công”.
 

 
Không quan tâm nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công” - đó không chỉ là chia sẻ của Thủ tướng mà còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ đối với GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan; cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Triết lý này thật ra có từ lâu, chỉ tiếc là trong thực tế chưa được chú trọng đúng mức, nay được hâm nóng trở lại qua chia sẻ của Thủ tướng


1. Tư tưởng chỉ đạo này của người đứng đầu Chính phủ cần được các bộ, ngành liên quan và Bộ GD-ĐT thể hiện bằng chiến lược hành động. Con người - nguồn lực quan trọng hàng đầu cho tất cả các lĩnh vực của xã hội, con người - sản phẩm của GD-ĐT. Quá trình này mà có lỗi thì sản phẩm sẽ khuyết tật, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, cản trở hoạt động của cơ quan công quyền, làm chậm quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Ai cũng biết tăng lương cho giáo viên hiện nay là cần thiết nhưng đó là bài toán khó khi ngân sách có đến hàng chục, hàng trăm nội dung cần kíp phải chi ngoài việc phải chi cho GD-ĐT. Vì thế, cần xã hội hóa để thu hút nguồn lực nhằm thực hiện tốt chia sẻ của Thủ tướng “quan tâm đến nhà giáo”. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được sớm và tạo được những thay đổi tích cực cho GD-ĐT.

Hãy bớt đi những tranh luận, tăng cường đi thực tế cơ sở, nắm bắt tình hình, lắng nghe nguyện vọng của thầy cô, thấu hiểu khó khăn giáo viên đang đối mặt và cả những áp lực đang đè lên “đôi vai gầy” của người thầy mà nhanh chóng chung tay hành động. Những ưu tiên về chính sách tín dụng, miễn giảm học phí cho con em giáo viên, các chính sách về đào tạo - bồi dưỡng - tham quan - nghỉ dưỡng, những ưu tiên về an sinh xã hội... - thể hiện đầy đủ sự quan tâm đến nhà giáo - cần sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ 
xem xét, quyết định.

2. Đổi mới quản lý lâu nay đề cập nhiều nhưng chưa thể hiện rõ, nhất là đối với cấp trên cơ sở giáo dục. Bộ, sở, phòng GD-ĐT cần có biện pháp quản lý đặc thù, duy trì tốt kỷ cương, nề nếp trong học đường nhưng cùng với đó là những biện pháp giúp giáo viên gắn bó với nghề. Đây cần phải coi là một nội dung thiết thực quan tâm đến nhà giáo; đó là những biện pháp thực hiện dân chủ, công khai, tận tâm giúp giáo viên có niềm tin vào chính đội ngũ lãnh đạo của mình. Hiện nay không ít nhà giáo đang đơn độc, bươn chải trên bục giảng - thực trạng này thì giáo dục khó mà 
đổi mới thành công.

3. Những quyết định cứng nhắc, vội vàng về bồi dưỡng; những yêu cầu về chứng chỉ này, bằng cấp kia cần thay đổi; cởi trói cho người thầy về thành tích, chỉ tiêu; giảm công việc sự vụ hành chính mà thật ra “hành là chính” nên thầy cô lăn lộn chỉ với mục đích đối phó. Khi mà chữ tâm của người thầy nằm ngoài trang giáo án thì con đường đổi mới giáo dục e cứ mãi gập ghềnh, quanh co, khúc khuỷu? Những dự án hoành tráng của giáo dục sẽ không mang lại sự thay đổi như mong muốn, có khi còn bị đánh giá chưa đạt mục đích, lãng 
phí và cả tiêu cực.

4. Quan tâm đến nhà giáo thì hãy giúp họ nhận thức đúng, đầy đủ về việc dạy học sinh cái gì, dạy như thế nào? Hiện nay nếu cứ chăm vào dạy chữ để đạt mục đích kiểm tra - thi thì người thầy là “thợ dạy” và đơn giản như thế thì chỉ cần một người có trình độ văn hóa 12/12, chịu khó đọc sách giáo khoa, giải các đề kiểm tra, đề thi minh họa là có thể làm được “thợ dạy”. Hình ảnh người thầy vì thế mờ nhạt trong mắt ai, bao mỹ từ dành cho nghề giáo chỉ là sáo rỗng. Dạy kỹ năng để giúp học sinh ứng phó với biến đổi khí hậu, thoát hiểm, hợp tác, khởi nghiệp...

Hãy nhìn lại sách giáo khoa hiện hành, chuẩn kiến thức kỹ năng, nội dung thi cử, kiểm tra: chúng ta đã thay đổi chưa? Và khi những điều ấy chưa được thể hiện thì niềm tin vào giáo dục, vào người thầy chỉ là danh từ. Điều đó làm người thầy chịu áp lực nặng nề, xóa bỏ được áp lực này chính là quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Tất nhiên đổi mới phương pháp, nội dung dạy học là từ nhà quản lý và giáo viên nhưng trách nhiệm chính thuộc về hệ thống quản 
lý vĩ mô GD-ĐT.

5. Cần sắp xếp lại các trường phổ thông vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, vừa đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, phù hợp, tiết kiệm. Có tình trạng mở nhiều trường phổ thông công lập do thiếu tầm nhìn nên chưa thu hút người học, ngân sách phải đầu tư dàn trải. Mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông công lập, phát triển mô hình trường THPT công lập tự chủ về tài chính. Nếu làm tốt, chất lượng giáo dục sẽ thay đổi, đời sống giáo viên được cải thiện, giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.

Sẽ có những quyết sách đúng đắn

Giờ đây có chuyên gia, nhà giáo hay bất cứ người tâm huyết nào nói về đổi mới giáo dục dù hay dù đúng đến mấy cũng không nhiều người tin và hi vọng, thậm chí còn nhận lấy cái lắc đầu ngao ngán với câu cảm thán “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Thế nhưng, có một người quan tâm nói về công cuộc đổi mới giáo dục đã mang lại niềm tin và hi vọng cho không chỉ giáo giới mà toàn xã hội, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mới đây, trong buổi làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ rằng: “Không quan tâm nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công”.

Khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn xã hội phát triển thì “một yếu tố rất quan trọng là nhờ vào giáo dục”.

Giáo giới và toàn thể xã hội hoàn toàn đồng tình với Thủ tướng. Công cuộc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục thì giáo viên đóng vai trò then chốt, do đó “không quan tâm đến nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công”.

Thế nên, giáo giới chúng tôi tin rằng Thủ tướng sẽ có những quyết sách đúng đắn cho ngành giáo dục, đặc biệt là để cho giáo viên sống được bằng lương làm đòn bẩy cho công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà.

Tác giả bài viết: PHẠM ĐƯỢC

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây