Việt Nam vượt Thái Lan, Canada: Trông chờ điều kỳ diệu?

Thứ năm - 09/02/2017 04:25
Việt Nam vượt Thái Lan, Canada: Trông chờ điều kỳ diệu?

 

(PL News) - Đến năm 2050, quy mô kinh tế Việt Nam là 3.176 tỷ USD, lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, vượt Thái Lan, Canada, Italia... Nhưng đó chỉ là một cách tính toán ít được sử dụng. Thực tế, đó chỉ là khát vọng của Việt Nam mà thôi. Nếu nỗ lực, chúng ta chỉ có thể cải thiện được nhiều so với chính mình.

Việt Nam vượt Thái Lan, Canada: Trông chờ điều kỳ diệu?

Ảnh minh họa.

Sự thực sau dự báo ấn tượng

Với tựa đề “Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?”, báo cáo của hãng kiểm toán PwC vừa công bố hôm 7/2 đã đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất, đang chiếm tổng cộng khoảng 85% GDP thế giới.

Với Việt Nam, báo cáo nhận định: Xét về tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050, với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 5%.

Báo cáo cho rằng, đến năm 2030, quy mô GDP theo ngang giá sức mua (PPP) của Việt Nam sẽ đứng thứ 29 thế giới, với 1.303 tỷ USD. Và đến năm 2050 là 3.176 tỷ USD có thể kéo nền kinh tế lên top 20, vượt Thái Lan, Canada, Italia,...

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, cho biết: “Hai năm trước, báo cáo khảo sát của PwC dự báo rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 22 thế giới vào năm 2050. Theo báo cáo cập nhật năm nay thì Việt Nam có thể sẽ lên tăng lên hạng thứ 20. Khi mà thế giới đang đối mặt với một số sự kiện chính trị nổi bật như việc Anh rời khỏi EU hay kết quả bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm những biến động lớn nữa từ nay đến năm 2050”.

Tương lai quy mô kinh tế Việt Nam vượt vượt Thái Lan, Malaysia; vượt các cường quốc Canada, Úc (Australia), Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan; chỉ kém Hàn Quốc đúng 2 bậc là thông tin khiến nhiều người tự hào.

Tuy nhiên, phải lưu ý một điều, báo cáo của PwC là tính toán GDP theo PPP (“ngang giá sức mua” hay “sức mua tương đương”) - một chỉ số đo lường độ lớn của nền kinh tế ít được sử dụng. Xưa nay, rất ít người dựa vào GDP ngang giá sức mua làm cơ sở đánh giá chính thức độ lớn của một nền kinh tế mà chỉ để so sánh một cách tương đối.

Ví dụ, 1 bát phở ở Việt Nam giá 2 USD thì Nhật Bản bán 10 USD. Nhưng khi quy ra ngang giá, người ta sẽ lấy giá bát phở ở Nhật Bản làm chuẩn, lúc đó 1 bát phở ở Việt Nam được nâng lên 5 bát phở.

Có nghĩa, năm 2016, GDP Việt Nam chỉ ở mức 200 tỷ USD. Nhưng nếu tính theo GDP ngang giá sức mua thì GDP của Việt Nam được lên gần 600 tỷ USD, giống như tính theo giá của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Việc dân số Việt Nam đông, đứng thứ 13 thế giới cũng chính là yếu tố khiến cho GDP theo ngang giá sức mua theo cách PwC sử dụng cao vọt lên.

Hồi năm 2013, Ngân hàng Thế giới khi so sánh độ lớn của một nền kinh tế theo “sức mua tương đương” cũng ghi nhận quy mô kinh tế Việt Nam đứng thứ 42 trên thế giới, dù rằng khi đó GDP thực tế của Việt Nam chỉ khoảng 120 tỷ USD.

Thường thì người ta ít sử dụng GDP ngang giá sức mua để đánh giá một nền kinh tế, mà hay dựa vào GDP thực tế hoặc GDP danh nghĩa. GDP danh nghĩa được nhiều người sử dụng hơn vì nó sát với thực tế đất nước hơn.


Việt Nam vượt Thái Lan, Canada: Trông chờ điều kỳ diệu?
Việt Nam 2035 chỉ mong đuổi kịp Indonesia, Philippines.

Việt Nam có làm nên câu chuyện thần kỳ?

Báo cáo của PwC mang tính khuyến khích nhiều hơn, nhưng trên thực tế, bắt kịp các cường quốc là một khát vọng có thật của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ “cất cánh” nếu biết cách lăn bánh trên đường băng, dù rằng sự “thần tốc” sẽ không đến dễ dàng.

Một báo cáo của Ngân hàng ANZ năm 2014 từng dự báo sự cất cánh kinh tế của châu Á sẽ chịu sự chi phối của 10 nền kinh tế chính tại khu vực. Việt Nam cùng với  Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan có thể sẽ là 10 nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến cả châu Á lẫn nền kinh tế toàn cầu.

“Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ, được Bộ KH-ĐT cùng Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 2/2016, đưa ra dự báo: Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và Philippines.

Đuổi kịp Indonesia, Philippines, song vẫn thua xa Malaysia, là những dự báo được đánh giá “sát thực tế” hơn, cho dù để đạt được mức này cũng không dễ dàng gì.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS. Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam, cho rằng: Năm 2050, Việt Nam không dễ  vượt được Thái Lan. Nếu nỗ lực thì chúng ta có thể cải thiện hơn nhiều so với chính Việt Nam thôi. Cần phải thẳng thắn với nhau điều đó.

Nhìn lại GDP của Việt Nam, ông Định đánh giá nguồn lực làm GDP của chúng ta tăng trưởng là dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, thậm chí có tài nguyên khai thác đến mức đe dọa đến môi trường sống, đến đời sống thế hệ tương lai. Nhật Bản hay Hàn Quốc ít tài nguyên nhưng nhờ sức người họ đã làm nên kì tích. Đó mới là sự phát triển mang tính bền vững.

TS Đỗ Đức Định chia sẻ: Chúng ta mới bước qua cửa nước nghèo để vào “phòng” cận nghèo, vẫn phải đấu tranh để chống tái nghèo. Nếu làm ăn kiểu có 1 đồng tiêu đồng 5 thì rất dễ tái nghèo. Cha ông ta đã nói không gì bằng tiết kiệm. Nếu tiết kiệm, làm được 10 đồng nhưng ta chỉ tiêu 3 đồng. Từ 3 đồng đó, ta tiếp tục làm ra được 10 đồng. Cứ tích cóp dần dần như vậy thì chúng ta sẽ giàu được.

“Một nền kinh tế thiếu tích lũy thì rất dễ tái nghèo. Cho nên, chúng ta không nên tiêu xài hoang phí các nguồn lực vốn rất có hạn của mình”, TS. Định khuyến nghị.

Nguồn tin: Theo Vietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây