Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường mới được công bố cho thấy khung mức thuế đối với hầu hết các mặt hàng hiện đang chịu thuế bảo vệ môi trường đều tăng mức khá mạnh.
Đáng chú ý, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 - 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 - 7.200 đồng/lít và 2.500 - 6.800 đồng/lít…
Theo đánh giá của ban soạn thảo, tác động tích cực của đề xuất nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế…. Trong khi, tác động tiêu cực được ban soạn thảo cho rằng “không có”.
Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái là rất cần trong hiện tại và tương lai, hiện có nhiều công cụ như quá trình đầu tư, thanh lọc dự án, thanh tra kiểm tra, chế tài xử phạt và cuối cùng là công cụ thuế hỗ trợ.
“Đối với những sản phẩm độc hại, xăng dầu đánh thuế là cần thiết nhưng nhiều nước cũng không đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ở Việt Nam, khung cũ 1.000 - 4.000 đồng/lít đã là khung cao, với lý do đưa ra, mức áp thuế hiện tại 3.000 đồng/lít sát khung thuế và do giảm thuế nhập khẩu nên cuối cùng buộc phải tăng thuế bảo vệ môi trường là cách lý giải chưa thoả đáng”, ông Long nói.
Vị chuyên gia cũng cho biết, ngay khi tăng thuế từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, nhiều đại biểu Quốc hội đã từng băn khoăn, đặt câu hỏi việc tăng thuế bảo vệ môi trường có làm giá tăng lên hay không, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói không tăng nhưng thực tế tăng.
“3.000 đồng/lít đã là mức cao chiếm khoảng 40% giá nhập khẩu, giá nhập khẩu chỉ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/lít. Nâng từ 3.000 - 8.000 đồng/lít gây sự ngỡ ngàng, người ta cảm nhận đây gần như là cú sốc”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, khung thuế 1.000 - 3.000 đồng/lít, đánh con số tuyệt đối là không đúng, thường chỉ đánh số tương đối, số %, lần, ví dụ thuế nhập khẩu, thuế VAT.
Ông Long cũng cho biết, thuế là công cụ khuyến khích, hạn chế sản xuất, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan chức năng luôn nghĩ tận thu trong điều kiện, khả năng cạnh tranh của mình kém, năng suất, quản trị yếu… xăng là vật tư đầu vào quan trong đối với sản xuất, đời sống nên khả năng cạnh tranh bị kéo xuống.
“Nâng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên từ 3.000 -8.000 đồng/lít, mặc dù không phải nâng đến 8.000 đồng/lít nhưng đây là khả năng có thể xảy ra. Dư luận chắc chắn không đồng thuận. Tôi kiến nghị giữ nguyên mức như hiện nay”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng cho biết, việc điều chỉnh khung thuế, điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ở góc độ sản xuất thì sức cạnh tranh của hàng hóa bị ảnh hưởng, trực tiếp từng người tiêu dùng bị thiệt.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2011 đến 2016, chiếm tỷ trọng từ 1,5% đến 4,1% trong tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng từ 0,3%-0,9% trên GDP hàng năm.
Thời điểm thu thuế bảo vệ môi trường năm 2015 tăng lên đáng kể so với thu năm 2014, đưa tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường/tổng thu nội địa chiếm 3,65% cũng được lý giải do từ tháng 5/2015 thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất đối với xăng dầu.
Ông Long đặt vấn đề, hiện tính minh bạch trong việc sử dụng thu thuế bảo vệ môi trường vào việc bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề Bộ Tài chính cần làm rõ.
Nguồn tin: BizLIVE
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn