Tranh luận về mở rộng chống tham nhũng ra khu vực tư

Thứ tư - 13/06/2018 21:09
Việc mở rộng hay không phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trở thành nội dung tranh luận khá gay gắt của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi diễn ra cả ngày 13.6.
Tranh luận về mở rộng chống tham nhũng ra khu vực tư
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) /// Ảnh: Gia Hân
“Sân sau, gửi giá, lại quả” xuất hiện ngày càng nhiều

Là một trong những đại biểu (ĐB) ủng hộ việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư như đề xuất của dự thảo, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho hay nhiều vụ án thời gian qua cho thấy tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực nhà nước, mà các hiện tượng “sân sau, gửi giá, lại quả” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước. Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng các quy định cụ thể trong dự thảo chưa khả thi, thậm chí gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). 
 
 
Tranh luận về mở rộng chống tham nhũng ra khu vực tư - ảnh 1 Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai, dẫn đến chỗ nhà nước ta có lỗi hơn với người dân, với cử tri  
 
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
 


Cụ thể, theo dự thảo, sẽ có 1.800 công ty đại chúng và 128 tổ chức tín dụng ngoài nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó rất nhiều công ty đại chúng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, 57 ngân hàng và chi nhánh là 100% vốn của nước ngoài. “Vấn đề đặt ra là khi các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu kê khai không trung thực thì liệu DN có phải ra nước ngoài để xác minh tài sản của họ hay không? Việc xác minh tài sản của vợ, con họ tại nước ngoài liệu có được pháp luật quốc gia đó cho phép hay không? Nếu DN không ra nước ngoài để xác minh tài sản thì trách nhiệm của DN trước pháp luật sẽ như thế nào đều chưa được dự thảo làm rõ”, ĐB Thủy đặt vấn đề.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại cho rằng, một số ĐB bị nhầm lẫn trong việc góp ý cho nội dung mở rộng phòng, chống tham nhũng khu vực tư. Theo ông Nhưỡng, tham nhũng được quy định là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn, do đó không thể quy hành vi của người không có chức vụ quyền hạn là tham nhũng được. Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Bến Tre cũng cho rằng hiện nay khu vực nhà nước còn chưa thể chống tham nhũng được, nếu mở ra khu vực ngoài nhà nước thì không đủ nguồn lực để làm. “Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai, dẫn đến chỗ nhà nước ta có lỗi hơn với người dân, với cử tri”, ĐB Nhưỡng băn khoăn. 
 
 
Tranh luận về mở rộng chống tham nhũng ra khu vực tư - ảnh 3 Tôi nghĩ việc để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi và ở đâu cũng phải chống tham nhũng  
 
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
 


Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn cho rằng nhận định ĐB Nhưỡng mới là nhầm lẫn. “Tại sao ĐB lại có thể suy nghĩ như vậy khi không có tội phạm cụ thể nào gọi là tội tham nhũng mà chỉ có nhóm tội phạm về tham nhũng gồm 7 tội, trong đó có tội hối lộ?”, ông Cương phản biện. Ông Cương cũng không đồng tình với quan điểm của ĐB Nhưỡng khi cho rằng mở rộng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước dẫn đến xao nhãng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước là có lỗi với dân. “Tôi nghĩ việc để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi và ở đâu cũng phải chống tham nhũng”, ông Cương bày tỏ quan điểm và cho rằng việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư là xuất phát từ thực tiễn.

'Để tham nhũng xảy ra ở khu vực nào cũng đều có lỗi với dân'

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư là cần thiết, nhưng đề nghị phải có bước đi cụ thể, trước mắt mở rộng song tập trung phòng, chống tham nhũng tại các DN mà nhà nước đang sở hữu trên 35% vốn. “Tôi nghĩ chúng ta giới hạn đối với các công ty đại chúng. Công ty đại chúng tức là công ty có huy động vốn trên thị trường nhưng trong công ty đó có vốn nhà nước và đặc biệt siết chặt công ty là các tổ chức tín dụng. Vừa qua, chúng ta thấy các tổ chức tín dụng yếu kém đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, cần phải quản lý việc này”, ông Ngân đề xuất.
Đánh thuế hay xử phạt hành chính với tài sản bất minh?
Một nội dung khác thu hút sự tham gia thảo luận của các ĐB là điều 59 dự thảo đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý sẽ áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch. Cả 2 phương án này đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan chức năng chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có. Chính phủ lựa chọn phương án áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định được tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại.
Nhiều ĐB đồng tình cao với việc dự thảo luật đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý. Tuy nhiên, về cách xử lý thì ý kiến lại rất khác nhau. Nhiều ĐB đồng tình với lựa chọn của Chính phủ vì cho rằng, khi không chứng minh được đây là tài sản tham nhũng thì coi như thu nhập vãng lai và đánh thuế, nhưng không ít ĐB cho rằng cả 2 phương án đưa ra đều không ổn.

'4-5 cái nhà của quan chức, có cái nào đứng tên mình hay vợ đâu?'

Theo ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), cả 2 phương án dù là đánh thuế hay xử phạt hành chính thì về bản chất chỉ xoay quanh 1 phương án là thu hồi 45% tài sản, còn lại 55%. “Như vậy sẽ xảy ra tình trạng: nếu là tài sản tham nhũng thì việc xử lý này hợp thức hóa cho 55% tài sản tham nhũng. Ngược lại, chúng ta có thể thu oan vì nếu đó là những tài sản hợp pháp nhưng vì lý do này hay lý do khác không thể giải trình”, ĐB Bình nói, đồng thời đề xuất các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải chứng minh và nếu đây là tài sản tham nhũng thì tịch thu.
ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đề nghị cần phải làm rõ và tách ra 2 tình huống: tài sản kê khai không trung thực và tài sản thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được một cách hợp lý. Với tình huống thứ nhất, kê khai không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật phòng chống tham nhũng và đã có hình thức xử lý. Đối với tình huống thứ 2, theo ĐB Trang cần phải xác định thế nào là “hợp lý” bởi nếu không thì các phương án đưa ra sẽ không phù hợp với thực tiễn, non về cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu vấn đề: “Tại sao 90 triệu dân VN thì gần 90 triệu người nhớ được nguồn gốc tài sản của mình, trong khi số trên dưới 4 triệu cán bộ lại có trường hợp không nhớ được nguồn gốc tài sản của mình. Điều này mà hỏi nhân dân chắc không ai chấp nhận. Vì vậy, cần phải có quy định để xử lý tài sản này”. Tuy nhiên, theo ông Bộ, tài sản này không phải là đối tượng của xử phạt hành chính mà cũng không phải thu thuế. “Quan điểm của tôi là phải thực hiện theo con đường tố tụng tư pháp dân sự”, ông Bộ nói.
 
Quan chức 4, 5 cái nhà nhưng có bao giờ lấy tên mình hay vợ đâu?
Trao đổi bên hành lang QH sáng 13.6, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng việc kê khai tài sản chỉ nên tập trung vào một số đối tượng là người thân của những người kê khai, đó là con, bố mẹ, anh chị em ruột kể cả bên chồng, bên vợ và con nuôi cũng là người thân. Nhưng dự luật lần này không đưa những điều này vào. “Ban đầu, ban soạn thảo có đề nghị như vậy, nhưng nhiều cơ quan không đồng ý, nên hiện nay chỉ còn quy định con chưa thành niên và vợ hoặc chồng”, ông Đạt nói và nêu quan điểm: "Theo tôi, nếu thật sự muốn kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả những người thân quan chức. Bây giờ quan chức có 4, 5 cái nhà nhưng có bao giờ lấy tên mình hay vợ mình đâu. Họ sẽ lấy tên những người thân mà nếu người thân làm DN thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai. Đây chính là kẽ hở để quan chức chuyển tài sản cho người khác".
Nhiều ĐB trong phần thảo luận tại hội trường QH cũng chỉ ra bất cập này. ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu: nhiều cô gái mới chỉ 19 tuổi, nhiều người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông, mà người dân bình thường cũng biết tài sản đó từ đâu mà có. "Nhiều trường hợp báo chí viết nhiều nhưng không làm gì được, vì theo luật định thì con thành niên không phải kê khai tài sản, thu nhập. Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý", ĐB Trí nói và đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để khắc phục được bất cập này trong thực tiễn.
Hết năm này qua năm khác không thấy Bộ trưởng chịu trách nhiệm
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng dự thảo luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng đã rõ ràng, nhưng lại rất thiếu tính khả thi. Theo bà Thúy, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ thiếu đi sự tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi người đứng đầu chịu trách nhiệm về những việc người đó không có quyền quyết định. “Khi QH chất vấn bê bối xảy ra trong một bộ nào đó thì vị bộ trưởng có liên quan trả lời xin nhận trách nhiệm và các vị ĐB có vẻ như hài lòng với câu trả lời này. Nhưng hết năm này sang năm khác, vẫn không thấy vị bộ trưởng ấy chịu trách nhiệm gì cả!”, ĐB Thúy dẫn ví dụ và đề nghị cần phải xác lập rõ trách nhiệm, quyền hạn và hành vi của người đứng đầu cơ quan nếu để xảy ra tham nhũng.

 

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây