Báo chí – “Cầu nối” chính sách pháp luật và cuộc sống

Thứ tư - 20/06/2018 03:45
(Pháp lý) – Cứ mỗi dịp tháng 6 hàng năm, những người làm báo chúng tôi vui chung niềm tự hào, nhưng cũng luôn nhắc nhở mình về sứ mệnh phục vụ xã hội. Trong rất nhiều những lĩnh vực mà báo chí phản ánh, thì lĩnh vực thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật là lĩnh vực “khô khan”, khó thể hiện, luôn thử thách trí tuệ và tâm huyết của những nhà báo.
Báo chí – “Cầu nối” chính sách pháp luật và cuộc sống

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, Tạp chí Pháp lý phát hành Chuyên đề nội dung đặc biệt: Báo chí – “Cầu nối” chính sách pháp luật và cuộc sống nhằm ghi lại ý kiến tâm huyết của Đại biểu Quốc hội, Luật gia, chuyên gia và người dân gửi đến những người làm báo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật với kỳ vọng báo chí nước nhà thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này để cùng hướng tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, công bằng, dân chủ và văn minh.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia VN, TS. Nguyễn Văn Quyền: 
Báo chí là “kênh” tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả nhất

Báo chí không chỉ là “cây cầu” đặc biệt nối chính sách pháp luật vào cuộc sống, mà báo chí còn là “cầu nối” quan trọng ĐBQH với cử tri. Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, báo chí (đặc biệt là báo chí khối các cơ quan Lập pháp, Nội chính, Tư pháp…) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, giải thích đưa pháp luật vào cuộc sống … Báo chí còn là kênh hiệu quả phản ánh việc thực thi pháp luật, phản ánh những bất cập trong thực thi pháp luật. Đặc biệt, thông qua báo chí, giúp ĐBQH hiểu tâm tư ý nguyện của cử tri, từ đó hỗ trợ ĐBQH thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Văn Quyền (ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam) khi trả lời phỏng vấn Phóng viên nhân dịp Tạp chí Pháp lý làm số chuyên đề nội dung đặc biệt: Báo chí – “cầu nối”chính sách pháp luật và cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia VN, TS. Nguyễn Văn Quyền
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia VN, TS. Nguyễn Văn Quyền

“Cầu nối” quan trọng đại biểu Quốc hội với cử tri

Phóng viên: Là một trong những đại biểu của giới Luật gia Việt Nam trong Quốc hội và là người luôn cởi mở, gần gũi với báo chí, với nhân dân, ông đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của báo chí trong các hoạt động của đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Văn Quyền: Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và mạng xã hội. Báo chí chính thống đã và đang hỗ trợ rất đắc lực cho ĐBQH, vì thông tin khách quan, chân thực, toàn diện, đa chiều. Đặc biệt những thông tin được phân tích, phản biện từ các nhà khoa học pháp lý, từ các chuyên gia đăng tải trên báo chí là nguồn quan trọng giúp các ĐBQH tham khảo để tham gia góp ý và thông qua các dự án Luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…

Thông tin trên báo chí còn có ý nghĩa quan trọng giúp đại biểu nhận thức đầy đủ và khách quan về những vấn đề đang đặt ra của cuộc sống từ đó phục vụ tốt cho hoạt động của đại biểu. Chẳng hạn, giữa những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, báo chí là kênh cung cấp thêm thông tin từ cuộc sống giúp đại biểu có thêm kiến thức thực tiễn, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn. Báo chí cũng giúp đại biểu nắm bắt “hơi thở” cuộc sống một cách toàn diện hơn, có thêm lập luận để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật “chuẩn” hơn, có thực tiễn hơn.
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia VN, TS. Nguyễn Văn Quyền

 ĐBQH Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Cọ sát thực tiễn, thường xuyên “nằm vùng” trong đời sống nhân dân, báo chí là cơ quan sát thực tiễn nhất, hiểu thực tiễn nhất, từ đó “chất vấn” các ngành, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Chính phủ cũng sắc sảo hơn. ĐBQH cần dựa vào báo chí để tham gia xây dựng chính sách pháp luật sát cuộc sống là vì những lý do đó.

Theo tôi, báo chí không chỉ giúp và hỗ trợ đắc lực cho ĐBQH hiểu đầy đủ về cuộc sống, về ý nguyện cử tri, báo chí còn có ý nghĩa quan trọng – cầu nối đặc biệt tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà Quốc hội đã thông qua, tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật quan trọng do Chính phủ, các bộ, ban, ngành ban hành đến đông đảo người dân.

Xin ông chia sẻ một vài kỉ niệm hay sự hỗ trợ tích cực của báo chí đối với cá nhân ông, giúp ông hoàn thành tốt hơn vai trò ĐBQH?

Là ĐBQH tỉnh Cần Thơ, nơi địa đầu của Tổ quốc, đồng thời tôi còn cùng gần 150 Luật gia khác đại diện cho giới Luật gia cả nước tham gia Quốc hội, để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà cử tri giao, bên cạnh các cuộc tiếp xúc trực tiếp với cử tri, tiếp xúc với hàng nghìn Luật gia trên cả nước để lắng nghe tâm nguyện của họ, tôi phải đọc rất nhiều tin tức trên báo chí. Với cá nhân tôi, sự hỗ trợ của báo chí là rất lớn. Thông qua kênh báo chí, tôi nắm được việc thực thi pháp luật, nắm được những bất cập của chính sách pháp luật, những vấn đề bức xúc của nhân dân nói chung, nhân dân ở Cần Thơ nói riêng. Cụ thể như những khiếu nại, tố cáo của người dân địa phương thông qua báo chí; những vi phạm về đất đai nổi cộm ở địa phương; tình trạng sạt lở và những ảnh hưởng tiêu cực của sạt lở đối với đời sống người dân; hoạt động quy hoạch các khu dân cư, nhà ở xã hội tại địa phương; các bất cập về thị trường bất động sản và ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch và phát triển của địa phương; tiến trình của các chương trình xây dựng nông thôn mới… Qua báo chí, tôi có được rất nhiều thông tin của cử tri. Thông tin trên báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc để tôi nắm bắt và lắng nghe ý kiến của cử tri nơi mình đại diện, từ đó có chính kiến tại Quốc hội.

Do đó, hằng ngày, dù bận đến đâu tôi cũng thường đọc các trang báo chính luận phản ánh thông tin về các vấn đề chính trị – xã hội – pháp luật, giúp tôi có thông tin đầy đủ, từ đó có thể có những suy nghĩ, quan điểm, có kế hoạch chương trình phục vụ cho nhiệm vụ ĐBQH của tôi tốt hơn.

Báo chí với sứ mệnh cầu nối đặc biệt chính sách pháp luật và cuộc sống

Thước đo chất lượng một văn bản chính sách pháp luật đó chính là sự tiếp nhận và việc thực thi chính sách pháp luật trong cuộc sống. Có rất nhiều cách, kênh và giải pháp để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và phản hồi “hơi thở” cuộc sống tới người ban hành chính sách pháp luật. Với cương vị ĐBQH, ông đánh giá thế nào về “kênh” TTPBGDPL qua báo chí ?

Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật được Hội Luật gia Việt Nam xác định là một nhiệm vụ chính trị pháp lý quan trọng. Thời gian qua, Hội và các cơ quan trực thuộc Hội đã tiến hành các hoạt động gì để các văn bản Luật mà Quốc hội ban hành đi vào cuộc sống?

Cá nhân tôi và tôi nghĩ rất nhiều ĐBQH, Luật gia chắc cũng chung nhận định giống tôi: TTPBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống qua “kênh” báo chí là vô cùng hiệu quả. Báo chí không chỉ là “cây cầu” đặc biệt nối chính sách pháp luật vào cuộc sống, mà báo chí còn là “cầu nối” quan trọng ĐBQH với cử tri. Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, báo chí (đặc biệt là báo chí khối các cơ quan Lập pháp, Nội chính, Tư pháp…) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, giải thích đưa pháp luật vào cuộc sống … Báo chí còn là kênh hiệu quả phản ánh việc thực thi pháp luật, phản ánh những bất cập trong thực thi pháp luật. Đặc biệt, thông qua báo chí, giúp ĐBQH hiểu tâm tư ý nguyện của cử tri, từ đó hỗ trợ ĐBQH thực hiện các nhiệm vụ như chất vấn tại Nghị trường, xây dựng pháp luật, truyền tải “hơi thở” cuộc sống tới quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự và nhận trọng trách chủ trì xây dựng 2 Luật quan trọng: Luật Trọng tài thương mại và Luật Trưng cầu ý dân. Cả 2 Luật đều đã được Quốc hội thông qua và đã đi vào cuộc sống. Bên cạnh sự nỗ lực của giới Luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng thành công hai Luật trên thì có vai trò rất lớn của các cơ quan báo chí nói chung, báo chí khối cơ quan Lập pháp, Nội chính và đặc biệt là các cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam.

Riêng Tạp chí Pháp lý đã dành nhiều thời lượng, nhiều kỳ phát hành đặc biệt tuyên truyền sâu từ giai đoạn Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo Luật đến giai đoạn trình Quốc hội cho ý kiến thông qua và giai đoạn tuyên truyền Luật vào cuộc sống.

Là thành viên của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào các cuộc họp của Hội đồng. Chúng tôi cũng chủ động thực hiện hiệu quả “Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý các giai đoạn 2013 – 2017 và giai đoạn 2017-2021”. Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các cấp Hội và đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm.

Không chỉ ở Trung ương Hội, các cấp hội địa phương cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo báo cáo của 60 tỉnh, chỉ tính năm 2017, Hội Luật gia các tỉnh/ thành phố đã phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được gần 127.000 cuộc cho hơn 7.000.000 lượt người tham dự; cấp, phát gần 2.180.000 tài liệu tuyên truyền. Nhiều tỉnh, thành Hội tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và đạt được kết quả cao như: Hội luật gia Tây Ninh, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hà Nội…

Đặc biệt, vai trò các cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác này là rất lớn. Các cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam không có nguồn kinh phí nào từ Nhà nước nhưng đã thường xuyên mở chuyên trang chuyên mục, các chuyên đề chuyên sâu phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Ví dụ như Tạp chí Pháp lý, tôi nhận thấy gần như tuyên truyền rất đầy đủ, sinh động các Luật mới ban hành, Luật sửa đổi bổ sung và rất nhiều văn bản chính sách pháp luật của Chính phủ, các Bộ, Ngành.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan báo chí thuộc Hội Luật gia Việt Nam trong thực thi nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân và các thành phần kinh tế thời gian qua?

Các cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam có những đặc trưng rất chuyên biệt, thực hiện tôn chỉ về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Hiện Hội Luật gia Việt Nam có Báo Đời sống & Pháp luật; Tạp chí Pháp lý; Tạp chí Pháp luật & Phát triển (song ngữ). Những cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị pháp lý tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến 64.000 Luật gia trong cả nước, các thành phần kinh tế và nhân dân. Tôi cho rằng, các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội thời gian qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực , hiệu quả vào việc tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân và các thành phần kinh tế.

Riêng với Tạp chí Pháp lý, nhiều năm trở lại đây, tôi rất ấn tượng. Nhiều Luật gia, Đại biểu Quốc hội cũng ấn tượng. Tạp chí Pháp lý đã thực hiện rất nghiêm, trúng và đúng tôn chỉ mục đích hoạt động. Tạp chí Pháp lý đã có bản sắc riêng trong công tác thông tin tuyên truyền pháp luật. Đa số các bài viết Tạp chí Pháp lý đăng tải đều có hàm lượng khoa học lý luận gắn với thực tiễn cao, thể hiện chính kiến của ĐBQH, các Luật gia, chuyên gia góp ý về các bất cập của chính sách pháp luật, góp ý về việc thực thi chính sách pháp luật trong cuộc sống. Những thông tin mà Tạp chí Pháp lý đăng tải còn là nguồn tư liệu, cẩm nang quý cho các Luật gia, ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật… Những nhiệm vụ chính trị pháp lý quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí điện tử Pháp lý với chức năng cơ quan ngôn luận đã truyền tải kịp thời và chuyên sâu. 90% các chuyên mục nội dung, các bài viết hiện nay của Tạp chí Pháp lý đều phục vụ nhiệm vụ chính trị pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam tập trung góp phần cho công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phản biện những bất cập của chính sách pháp luật, trong đó có chính sách pháp luật kinh tế, hình sự, dân sự, phản ánh những kinh nghiệm pháp luật các nước trên thế giới…

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng và đánh giá cao việc đổi mới cách thức tuyên truyền phổ biến đưa pháp luật vào cuộc sống thời gian gần đây của Tạp chí Pháp lý. Đó là khi có một Luật mới có hiệu lực, Tạp chí Pháp lý giới thiệu những nội dung quan trọng, đồng thời còn ghi nhận ý kiến phân tích, bình luận góp ý của ĐBQH, chuyên gia pháp luật về những lưu ý khi đưa Luật vào cuộc sống, góp ý với cơ quan soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật, lưu ý những vấn đề phát sinh từ cuộc sống… để đảm bảo văn bản hướng dẫn Luật đúng tinh thần của Luật, sát cuộc sống, dễ cho người thực thi… Tạp chí Pháp lý đã có nhiều tuyến bài chuyên sâu từ đặt vấn đề, phân tích vấn đề và đề xuất các giải pháp để Luật…sớm vào cuộc sống. Tới đây, tôi đề nghị Tạp chí Pháp lý cần tiếp tục phát huy cách tuyên truyền phổ biến pháp luật này.

Hội Luật gia Việt Nam cùng các tổ chức Hội có những giải pháp nào để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật trong thời gian tới, thưa ông?

Chúng tôi đã và đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp Trang thông tin điện tử của Hội; tổ chức thực hiện các chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin, đại chúng, đặc biệt là trên các Báo, Tạp chí điện tử của Hội (như Báo điện tử Người đưa tin; Tạp chí điện tử Pháp lý..); hệ thống hoá và cung cấp kịp thời các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các văn bản pháp luật mới ban hành để Hội Luật gia các cấp làm cơ sở thực hiện TTPBGDPL.

Chúng tôi cũng tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác TTPBGDPL được tổng kết từ việc thực hiện Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trước đó; phát hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành để gửi các cơ quan có liên quan.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có nhắn nhủ gì đến đội ngũ những người làm báo đang công tác trong các cơ quan báo chí của Hội để họ làm tốt hơn nữa cầu nối đại biểu và cử tri, cũng như làm tốt hơn vai trò tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật vào cuộc sống?

Để làm tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa đại biểu và cử tri, thì báo chí cần thông tin đầy đủ, chân thực, khách quan. Bên cạnh nhiệm vụ TTPBGDPL, báo chí của Hội đã làm rất tốt, tôi mong báo chí tăng cường phản ánh tấm gương tốt của những cá nhân, tập thể làm theo lời Bác, có thành tích sáng kiến trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mỗi Nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí của Hội phấn đấu là những Nhà báo vì công lý, vì nhân dân phụng sự.

Tuyên truyền chính sách pháp luật là nhiệm vụ chính trị mà không phải phương tiện truyền thông nào cũng làm hiệu quả. Việc tuyên truyền này vừa là nhiệm vụ song cũng là hoạt động mà các tờ báo phải tự vận động “xã hội hóa” nên cũng là thách thức với báo chí trong giai đoạn hiện nay. Tôi rất chia sẻ điều này. Cách thức tuyên truyền để chính sách đi vào cuộc sống cũng là điều cần bàn. Nếu không có các cách thức mới mẻ, sinh động, e rằng khó đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả. Tôi mong báo chí, nhất là các tờ báo trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy những cách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hay, hiệu quả thời gian qua, song cần không ngừng vận động để thay đổi nội dung, cách thức truyền tải chính sách pháp luật vào cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn Ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TCPL.

Nhóm PV Nội chính (thực hiện)

Nguồn tin: phaply.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây