Bức thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ của mình viết:
“Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.
Kính chúc Thày Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".
Bên trên chữ ký, tên người viết chỉ đề giản dị “Học trò cũ của cô” mà không một chữ đề cập tới những trọng trách mà ông đang đảm nhiệm.
Bức thư viết tay của Tổng bí thư Chủ tịch nước chúc tết cô giáo Đặng Thị Phúc
Điều khiến cô Phúc cảm động hơn cả khi cuối bức thư, người “học trò cũ” không quên gửi lời tri ân: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.
Cô Đặng Thị Phúc là giáo viên dạy toán năm lớp 4 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng học tiểu học xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Ông là một trong những học trò đầu tiên của cô Phúc trong quãng đời gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học.
Dù vẫn biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước là người sống rất ân tình nhưng khi nhận được bức thư tay của ông với những lời lẽ chân thành, giản dị như vậy vẫn khiến cô vô cùng cảm động.
Cách đây khoảng 15 năm, vào năm 2005, một hôm cô Phúc bất ngờ nhận được điện thoại của học trò Nguyễn Phú Trọng năm nào. Dù lúc này đã là Chủ tịch Quốc hội nhưng khi nói chuyện với cô, người học trò cũ vẫn tình cảm, lễ phép thưa: "Cô ơi, gần 50 năm rồi em mới được nghe tiếng nói của cô, em vẫn còn giữ học bạ có chữ viết của cô đấy ạ, em xin phép được đến thăm cô...".
Lúc đó cô Phúc ngạc nhiên đến sững sờ và rất vui vì lời đề nghị đến thăm của trò Nguyễn Phú Trọng nhưng vì nghĩ người giữ vị trí trọng đại, bận nhiều việc nước nên nói: "Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi, anh bận nên không phải đến thăm cô đâu".
Mặc dù vậy, mấy ngày sau ông vẫn giữ lời hẹn và tìm đến nhà thăm cô khiến cả cô và trò đều xúc động. Ông quan tâm hỏi thăm tới cuộc sống của thầy cô và từng thành viên trong gia đình.
Sau đó ít hôm, thư ký của ông mang ảnh cô trò chụp chung đến tận nhà để tặng cô. Từ đó đến nay, dịp lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và tết Nguyên đán năm nào ông cũng gọi điện hoặc gửi hoa, quà chúc mừng tới cô Phúc.
Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo
Trao đổi với Tiền Phong, cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết cô chính là người đã đưa bức thư này lên facebook cá nhân của mình.
Cô vốn là đồng nghiệp với chị Trần Thị Xuân Phương, con gái cô giáo Đặng Thị Phúc.
Khi nhận được bức thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, gia đình chị Phương vô cùng xúc động. Chị Phương đã chia sẻ với cô bạn đồng nghiệp của mình. Sau đó, cô Nguyệt Anh đã xin phép chị Phương để đưa bức thư này lên trang cá nhân. Vì cô muốn nhân lên niềm vui của nhà giáo Đặng Thị Phúc, muốn tấm lòng kính thương thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo được lan toả trong cộng đồng.
Cô Nguyệt Anh cho rằng, bản thân mình là một nhà giáo với 28 năm đứng lớp, chị thực sự xúc động trước tấm lòng của người học trò cũ dành cho cô giáo của mình.
Theo cô Nguyệt Anh, ở trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, học sinh, cựu học sinh của trường dù rất bận rộn nhưng cứ dịp 20/11 và Tết nguyên đán đều đến trường tự tay viết thiếp tặng thầy cô.
Cô Nguyệt Anh cho biết, cách chúc mừng thày cô giáo mỗi thời một khác, nhưng vẫn có chung một tấm lòng của những học trò dành cho thầy cô của mình. Một bức thư giản dị, một tấm thiệp học sinh cũ tự tay viết hay một tấm bưu thiếp tự làm rất công phu tỉ mỉ nhưng đều là tình cảm chân thành.
Cô Nguyệt Anh chia sẻ: Hôm nay, mình thực sự cảm động khi nghe chị Xuân Phương kể việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư thăm hỏi cô giáo hồi tiểu học (cô giáo ấy chính là mẹ của chị ). Chị Phương cứ tấm tắc: “ Chữ bác ấy đẹp nhỉ! Bận trăm công ngàn việc mà bác Trọng vẫn tự tay viết thư và nhờ thư ký gửi đến bà nhà chị.”
Mình cũng kể với chị Phương là chú Nguyễn Phú Trọng cùng học trường Nguyễn Gia Thiều với mẹ mình. Mình rất trân quý lối sống giản dị, coi trọng tình cảm của ông. Mình không phải là Đảng viên, nhưng mình mong được một lần gặp ông để trò chuyện với ông về cô giáo Phúc mà ông kính quý.
Hôm nay, khi dạy học sinh lớp 10 bài “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, mình đã nói với học sinh: “Các con đã đỗ vào trường Chuyên Hà Nội- Ams là các con học giỏi, thế nên có quyền “tự hào, kiêu hãnh” nhưng cần phấn đấu để giữ mãi được niềm tự hào ấy, để xứng đáng với những gì các con được hưởng từ chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Hơn nữa, trước khi thành nhân tài, các con phải là người nhân đức đã. Hiền tài là người có đủ cả đức và tài chứ giỏi thôi chưa đủ.”
Rồi mình kể cho các con nghe, cho các con xem thư bác Trọng gửi cô giáo cũ. Một số học sinh của mình gật gù và ánh mắt nói lên niềm xúc động. Mình thấy mừng vì điều đó”.