Tết nói chuyện hoa mai vàng, dưa hấu đỏ

Thứ năm - 31/01/2019 22:42
Miền Nam nước Việt, về dịp Tết, tiết trời nóng nực, khác với miền Bắc khí hậu mát mẻ. Hoa quả dạo ấy cũng khác. Không đóa hoa thủy tiên:
Tết nói chuyện hoa mai vàng, dưa hấu đỏ

 

Tết nói chuyện hoa mai vàng, dưa hấu đỏ

Miền Nam nước Việt, về dịp Tết, tiết trời nóng nực, khác với miền Bắc khí hậu mát mẻ. Hoa quả dạo ấy cũng khác. Không đóa hoa thủy tiên:

Nhị vàng cánh trắng hương thơm nức,
Lá biếc thân trong vẻ nõn nà.

Không thấy bông hoa đào tươi thắm của làng Nhật Tân, Yên Phụ, rung rinh hai bên lề đường nhộn nhịp phố Hàng Lược để ta nhớ tới câu:

Liễu yếu cùng chung phận má hồng,
Phấn son tô điểm cảnh non bồng,
Trải bao mưa nắng còn tươi thắm,
Xuân đến vẫn cười với gió đông.

Nhưng trái lại, Tết Nam Việt không có hoa đào đỏ thì đã có bông mai vàng. Bông mai vàng mọc ở cành lá xanh tươi, cắm lọ độc bình Biên Hòa chẳng phải là không thi vị, và khiến lòng ta:

Thẩn thơ vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

Và Tết chơi hoa mai khiến ta nhớ tới câu thơ cổ chỉ có mười chữ mà đọc xuôi đọc ngược thành bài thơ tứ tuyệt mỗi câu 7 chữ:

Vị tình lai ký nhất chi mai hữu biệt hoài

Vị tình lai ký nhất chi mai,
Ký nhất chi mai hữu biệt hoài.
Hoài biệt hữu mai chi nhất ký,
Mai chi nhất ký vị tình lai.

Tạm dịch là:

Vị tình gửi lại một cành mai,
Gửi một cành mai có biệt hoài.
Hoài biệt cành mai xin gửi lại,
Vị tình xin lại với cành mai.

Ăn Tết trong Nam làm ta nhớ tới cảnh nơi đất Bắc.

Đâu là cảnh ba mươi Tết mà từ tờ mờ sáng đã thấy tiếng lợn làm thịt kêu eng éc, trong làng xóm lác đác đã có mấy nhà dựng cành nêu. Cành nêu là một cây tre to và cao, đủ cành đủ lá, cành còn tươi lá vẫn còn xanh, trên ngọn cây tre có treo ba trăm nén vàng giấy. Ấy là cái tục cổ truyền của ta, dựng cành nêu tin tưởng để giữ cho lũi quỉ nhà trời không xâm chiếm đất đai của mình về dịp đầu xuân. Cành nêu đánh dấu bề cao, còn bề rộng là những hình vẽ bằng vôi như cót chứa thóc, cái cung cái nỏ ở trên sân, ngoài ngõ, đề phòng quân trộm cướp gian phi khỏi xâm nhập vào địa phận nhà…

Tết nói chuyện hoa mai vàng, dưa hấu đỏ
Tết Bắc Việt có bánh chưng bánh giầy… (Tranh “Sự tích bánh chưng bánh giầy” của họa sĩ Bùi Hoài Mai, sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

Tuy xa nơi quê cha, nhưng đến Tết chơi mai vàng cũng làm ta tưởng đến câu hát ví von trong ruộng lúa xanh tươi của mấy cô đang làm cỏ nơi đồng ruộng Bắc Ninh hay Hưng Yên Phố Hiến:

Ai đi đâu đấy hỡi ai?
Hay là Trúc đã nhớ Mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim,
Chim ăn bể Bắc, đi tìm bể… Nam.

Đấy là hoa mai vàng, một hương vị của Tết miền Nam. Nhưng còn hương vị thứ hai nữa, ấy là trái dưa hấu. Vì cứ tới Tết Nguyên Đán thì có nhiều dưa hấu để làm cho mát lòng người khi trời nóng gắt.

Tết nói chuyện hoa mai vàng, dưa hấu đỏ
(Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

Trái dưa hấu vỏ xanh hay trắng, ruột vàng hay đỏ, cứ đến Tết thì xuất hiện khắp các chợ từ chốn thôn quê tới thành thị.

Đất đai và khí hậu ở đây rất hợp cho nên dưa hấu mọc khỏe, quả rất sai và ăn ngon ngọt. Hầu hết các tỉnh như Bến Tre, Gò Công, Chợ Lớn, Tây Ninh, Gia Định và miền Nam Trung Việt như Bình Thuận, Phan Thiết, đều trồng nhiều.

Trong quá dưa hấu có tới 90 phần trăm nước bổ, bốn phần trăm đường, 0,01 phần trăm vôi, 0,02 phần trăm dương-long-hoàn và 0,25 phần trăm hóa chất như ốc-xa-lát bồ-tạt. Nhờ có các chất ấy cho nên ăn dưa hấu ta thấy mát ruột, và dù trong ba ngày tết có ăn nhiều thịt mỡ thì đã có ốc-xa-lát tính chất “cầm” nên không sợ khó tiêu.

Đồng bào di cư ăn Tết ở phương Nam, giải nồng bằng dưa hấu, ngắm bông mai vàng hẳn nhớ đến lịch sử của quả ấy. Thì đây là sự tích “trái vỏ xanh ruột đỏ”:

Tục truyền đời vua Hùng Nghi Vương nuôi được ngườỉ con trai lên 7, 8 tuổi. Thấy đứa trẻ mặt mũi khôi ngô tuấn tú, nhà vua đặt tên là Mai Yến hiệu An Tiêm, cho học rồi lấy cho một người vợ, sau lại phong quan tước. Từ khi làm quan, An Tiêm được bổng lộc đầy nhà, ăn sung mặt sướng, nhưng thường nói với vợ và gia nhân rằng: “Những của cải bổng lộc mà ta hưởng ngày nay tức là những công quả của ta ở đời trước cả; vậy đời này ta cần phải tu nhân tích đức thì kiếp sau ta sẽ được hưởng nhiều sự hay.”

Có người thóc mách đến tai vua. Vua cho là An Tiêm vong ân bội nghĩa, giận mà nghĩ rằng: “Đã thế thì đẩy nó ra ngoài bãi biển không ai lai vãng, thử xem nó còn được hưởng công quả của đời trước nó không?” Thế rồi vua sai đem vợ chồng An Tiêm ra bãi cát hoang vu ngoài cửa biển Nga Sơn, thuộc Thanh Hóa bây giờ; chỗ ấy quanh năm chỉ có nước với trời, không một bóng người qua lại. Vua chỉ cấp cho lương thực đủ bốn năm tháng, hễ hết là chết đói. Vợ An Tiêm sợ hãi, khóc lóc, nhưng An Tiêm cười mà nói:

“Trời đã sinh ra ta, tất trời sẽ nuôi ta, việc gì phải lo!”

Tết nói chuyện hoa mai vàng, dưa hấu đỏ
Tết Nam Việt có quả dưa hấu (Tranh “Sự tích dưa hấu” của họa sĩ Bùi Hoài Mai, sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

An Tiêm ở hoang đảo, hàng ngày thường đi vơ vẩn khắp mọi nơi, bỗng một hôm thấy đàn chim nhạn ở phía Tây bay lại, đánh rơi mấy hột cây xuống đất. An Tiêm để ý xem xét thấy ít lâu hạt ấy nẩy mầm mọc ra cây leo xanh tốt rồi khai hoa kết quả. An Tiêm hái một trái bẻ ra ăn thử, thấy vị ngọt và mát, mừng rỡ mà rằng: “Thật là trời cứu ta, nên cho ta thứ dưa này!”

Vì không rõ quả dưa ấy tên là gì, An Tiêm bèn đặt tên là Tây Qua tức là dưa ở phương Tây do đàn chim mang hạt giống lại. Từ đấy vợ chồng An Tiêm lấy hạt để giồng, trồng thêm ra nhiều. Trồng được nhiều rồi, An Tiêm nghĩ cách viết chữ vào vỏ quả dưa thả xuống biển, các thuyền đánh cá vớt được, ăn thấy ngon ngọt nên theo địa chỉ kéo tới bãi cát Nga Sơn, mang gạo đổi lấy dưa về bán. Chẳng bao lâu giống dưa ấy được trồng khắp nơi, và đổi tên là “dưa hấu” theo chữ là dưa hảo (tốt) vì ăn bổ, ngon ngọt, lại mát ruột. Nhờ có trao đổi dưa lấy gạo mà vợ chồng An Tiêm không lo chết đói nữa, trái lại, chàng đã thành một nhà buôn lớn.

Mấy năm sau, vua Hùng Nghi Vương sực nhớ đến vợ chồng An Tiêm, sai người ra bãi biển xem còn sống không, thì lạ thay, chẳng những An Tiêm chưa chết mà trái lại còn buôn bán tấp nập với khách thương qua lại bằng nguồn lợi dưa hấu.

Vua lấy làm khen ngợi và nói rằng: “An Tiêm nó nói phải, bổng lộc là của kiếp trước thực chẳng sai.”

Vua bèn vời vợ chồng An Tiêm về cho phục chức cũ trong Triều. Từ đấy, bãi biển Nga Sơn được gọi là An Tiêm bãi và trái dưa nuôi sống được người gọi là dưa hấu. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, nên nhân ngày Tết, khi ta thưởng thức trái dưa đỏ, nghe truyện xưa không phải là vô vị, và câu đối Tết của đất Bắc được một bạn đọc Văn Hóa Nguyệt San đổi ra như sau đây có lẽ đúng với hương vị Tết miền Nam:

“Thịt mỡ mai vàng dưa hấu đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.”

Duy Việt N. C. HUÂN

Nguồn tin: trithucvn.net:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây