Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn?

Thứ bảy - 03/11/2018 23:26
Hà Nội đang thanh tra để đốc thúc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, giám sát.
Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn?

 

 
Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn?

TIN LIÊN QUAN


Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay, 3-11, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết một số nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc “xẻ thịt” rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội) hồi năm 2006 đến nay vẫn chưa được Hà Nội xử lý triệt để. Hiện Hà Nội đang thanh tra để đốc thúc thực hiện kết luận này và Thanh tra Chính phủ sẽ có trách nhiệm đôn đốc giám sát.

Đang chờ Hà Nội thanh tra

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi đối với vụ việc “xẻ thịt” rừng ở Sóc Sơn. Cụ thể năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và có kết luận về các sai phạm trong quản lý đất rừng ở Sóc Sơn. Tuy nhiên, sau đó kết luận này đã không được thực hiện nghiêm túc, quan điểm của Chính phủ về nội dung này như thế nào?

Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn? - ảnh 1
Ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho hay nội dung này đã được báo chí đưa tin rất nhiều trong những ngày qua. Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006, Hà Nội đã triển khai thực hiện một số nội dung.

“Tuy nhiên, từ đó đến nay có một số nội dung Hà Nội chưa xử lý triệt để. Đặc biệt là việc xử lý các nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Chính vì vậy, vừa qua Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra thành phố kiểm tra.

Hiện Thanh tra TP Hà Nội đã có quyết định thanh tra đất rừng Sóc Sơn để chấn chỉnh vi phạm, đồng thời kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Về phía Thanh tra Chính phủ, chúng tôi có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc này” - ông Lam nói.

Bộ GTVT đang truy trách nhiệm vụ cao tốc 34.000 tỉ

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận được câu hỏi làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng.

Ông Đông cho biết đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ GTVT có trách nhiệm là cơ quan chủ quản, chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc VEC. Theo ông Đông, trách nhiệm của đơn vị liên quan dự án này đã được quy định rõ trong pháp luật.

Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn? - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

“Trách nhiệm cơ quan chủ quản, chúng tôi có giao cho Cục Quản lý xây dựng tham mưu quản lý về tiến độ, chất lượng chung của các dự án, trong đó có dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chúng tôi đã chỉ đạo Cục rà soát kiểm điểm việc này và sẽ có kết quả, thông tin sớm nhất”- ông Đông nói.

Liên quan đến trách nhiệm của Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc VEC, ông Đông cho hay từ ngày 29-9, cơ quan này đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên Bộ GTVT sẽ phối hợp với ủy ban này làm rõ những vấn đề liên quan.

“Thực tế trong quá trình thực hiện dự án có những tồn tại, khiếm khuyết, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư khắc phục kịp thời, kiểm điểm trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ chủ đầu tư mà còn cả cơ quan bên dưới như tư vấn giám sát nhà thầu và từng cá nhân” - ông Đông nói thêm.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT phải rà soát, kiểm tra và công bố chính thức về kết quả kiểm tra để báo cáo Thủ tướng.

"Ngày 18-10, Bộ GTVT đã chính thức tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện đối với vụ việc này. Hiện nay Bộ GTVT vẫn đang tiến hành làm, chưa có kết quả cụ thể. Sau này khi chính thức có kết quả của Bộ GTVT, chúng tôi sẽ công bố".

Bộ Công an nói về Luật An ninh mạng

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc quy định lưu trữ thông tin khi đặt văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng có trái với cam kết quốc tế Việt Nam tham gia hay không, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, khẳng định “quy định này không trái với các cam kết quốc tế”.

Theo ông Quang, hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới có yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc…

Ngày 25-5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu.

Quy định này cũng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì hiện Google đã đặt 70 văn phòng đại diện, Facebook đã đặt 80 văn phòng đại diện trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Google và Facebook đã mở văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia...

Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn? - ảnh 3
Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Ông Quang cũng cho hay quy định trên phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh các văn bản này... Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp như Google, Facebook phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Ông Quang khẳng định các quy định này không trái cam kết quốc tế gồm các điều ước liên quan WTO, CPTPP, cụ thể Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994; Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ... và Bộ Công an đã đăng công khai dự thảo này lên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến người dân nhằm hoàn thiện dự thảo.

Thanh tra Chính phủ nói gì về vụ rừng Sóc Sơn? - ảnh 4
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Cùng nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã nhận được ý kiến của một số tổ chức nước ngoài, ngoại giao. Ông khẳng định lại việc ban hành Luật An ninh mạng rất cần thiết và Quốc hội thông qua dự luật này. Hiện Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn để trình Chính phủ ban hành.

“Vấn đề bảo toàn an ninh mạng và an ninh truyền thông là rất cần thiết như trong tổng thể các vấn đề an ninh lương thực, an ninh trật tự xã hội... Nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường tốt để thu hút đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Dũng nói.

Ông nói tiếp, việc xây dựng nghị định này là hết sức thận trọng và cân nhắc. Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói sẽ xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản và đăng tải lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an 60 ngày.

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây