Chất vấn về dự án thua lỗ, thông tin bôi nhọ trên mạng

Thứ năm - 01/11/2018 22:50
Cơ quan chức năng đang hoàn thiện hành lang pháp lý để xử những hành vi xúc phạm, làm nhục, vu khống trên không gian mạng.
Chất vấn về dự án thua lỗ, thông tin bôi nhọ trên mạng

 

Chất vấn về dự án thua lỗ, thông tin bôi nhọ trên mạng

TIN LIÊN QUAN

Hôm qua, 1-11, phiên chất vấn-trả lời chất vấn bước vào ngày cuối cùng. Các đại biểu (ĐB) tiếp tục truy các thành viên Chính phủ về việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉxử lý thông tin bôi xấu trên mạng

Chuyển bốn vụ sang cơ quan điều tra

Tại phiên chất vấn sáng 1-11, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tiếp tục đề cập đến việc xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương.

“Tôi đề nghị Chủ tịch Quốc hội dành thời gian để bộ trưởng Công an, tổng Thanh tra Chính phủ trả lời thêm về tiến độ xử lý sai phạm xảy ra tại 12 dự án cho ĐB và nhân dân tham gia giám sát…” - ĐB Sinh đặt vấn đề.

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay: Trong 12 dự án thua lỗ, Thanh tra Chính phủ thanh tra trực tiếp sáu dự án. Đến nay đã thông báo kết luận bốn dự án gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi; dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ; dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước; dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. “Trong số này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển cơ quan điều tra bốn dự án vì trong quá trình thanh tra đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng” - ông nói.

“Còn dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án Đạm Hà Bắc đã có dự thảo kết luận thanh tra, đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” - ông Khái nói và cho biết khi các dự thảo này được thống nhất, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận.

Cũng theo ông Khái, đối với sáu dự án khác, Chính phủ giao Thanh tra Bộ Công Thương thanh tra năm dự án và Thanh tra tỉnh Lào Cai thanh tra dự án còn lại. Sáu dự án này đã có kết luận. “Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm sẽ rà soát cùng với bộ và tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi thấy kết luận của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh là đúng quy định của pháp luật” - ông cho biết.

Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thanh tra, cơ quan này đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuyển hồ sơ bốn dự án sang cơ quan điều tra gồm dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi; dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Chất vấn về dự án thua lỗ, thông tin bôi nhọ trên mạng - ảnh 1
Đại biểu  Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn việc xử lý 12 dự án thua lỗ. Ảnh: QH


Sẽ xử hành vi làm nhục trên Internet

Trả lời chất vấn về những giải pháp xử lý, ngăn chặn thông tin có nội dung bôi nhọ, xúc phạm cá nhân trên mạng Internet, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin: Bộ đã phối hợp với Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng xử một số vụ việc và một số người nhưng công nghệ hiện nay chưa ngăn chặn được, còn một số khó khăn.

Ông cho hay hiện trên mạng có nhiều thông tin nặc danh, không chỉ Việt Nam mà các nước cũng gặp vấn đề này. “Một số quy định về giám định, chứng cứ phạm tội, chứng cứ số đang được hoàn thiện để xử lý” - ông nói.

Về các giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong đấu tranh xử lý những hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. “Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng các quy định của pháp luật, trong đó quy định các biện pháp xử lý hành vi phạm pháp trên không gian mạng” - ông cho hay.

Cùng với đó, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc trên không gian mạng. “Thực hiện công tác quản lý nhà nước, an ninh thông tin, phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài phối hợp thực hiện các yêu cầu hợp tác xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam” - Bộ trưởng Tô Lâm nói. Ông cho hay sẽ tiếp tục thu thập, củng cố chứng cứ với những người hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng để xử lý.

Sẽ có quy định về từ chức

Về vấn đề từ chức, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo: Đây là vấn đề mới, là việc làm tự nguyện khi người được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khỏe, uy tín, vi phạm... và pháp luật hiện chưa quy định rõ về từ chức. Đây là một vấn đề khá rộng, cần nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện…

Chậm xử lý cơ sở ô nhiễm do thiếu tiền

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường: Hiện toàn quốc có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm, trong đó có những cơ sở từ trước năm 1993. Trong số này Nhà nước chỉ bỏ kinh phí xử lý đơn vị công ích, còn các cơ sở do doanh nghiệp đầu tư sẽ phải tự chịu trách nhiệm, nếu vi phạm ô nhiễm nghiêm trọng thì đóng cửa. Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này cần khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng đến giờ mới cân đối được 500 tỉ đồng nên gặp khó.

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây