Đặc biệt trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigui tới các quốc gia Đông Nam Á, Moscow đã không che giấu mong muốn được cung cấp tổ hợp S-400 tới hàng loạt quốc gia trong khu vực.
Động thái trên của Nga cho thấy rằng, S-400 hiện tại đã không còn được coi là "của gia bảo" của Moscow và việc xuất khẩu nó là cần thiết để tái đầu tư phát triển các tổ hợp vũ khí phòng không thế hệ mới, trong đó có S-500 Prometheus.
Tầm nhìn của Moscow
Trước tiên, việc Nga đang ngỏ ý cung cấp S-400 cho một loạt quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều quốc gia Đông Nam Á đã minh chứng một điều rõ rõ ràng Moscow đã hoàn thiện phiên bản S-400 xuất khẩu.
Biến thể S-400 xuất khẩu với nhiều tính năng được cắt giảm được phát triển từ phiên bản tiêu chuẩn trang bị cho Quân đội Nga. Moscow không còn phải lo lắng việc rò rỉ các công nghệ lõi đặc biệt áp dụng trên S-400 rơi vào tay đối thủ tiềm năng hoặc bị sao chép trái phép. Đây là điều hoàn toàn hợp logis với truyền thống xuất khẩu vũ khí từ trước tới nay của Moscow.
Mặt khác, hiện tại là thời điểm Nga phải tính tới kế hoạch sản xuất quốc phòng tới năm 2020 và những năm sau đó. Dây chuyền lắp ráp các thành phần của tổ hợp S-400 và các loại đạn tên lửa dành cho chúng của Tập đoàn Almaz Antey đã cơ bản hoàn thiện và nhu cầu cung cấp S-400 cho Quân đội Nga giảm dần trong vài năm tới.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga chế tạo.
Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu dòng vũ khí phòng không hiện đại này không chỉ giúp dây chuyền lắp ráp của S-400 của Almaz Antey hoạt động "trơn tru" trong nhiều năm tới, sau khi Quân đội Nga đã có đủ số lượng S-400 cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.
Việc xuất khẩu S-400 cũng như một hình thức tái đầu tư. Ngoài việc duy trì hoạt động của dây chuyền lắp ráp tổ hợp tên lửa phòng không này, nguồn lợi thu được từ các đơn hàng xuất khẩu sẽ được trích ra để phát triển các biến thể nâng cấp và các tổ hợp phòng không thế hệ mới trong tương lai.
Cần phải hiểu rõ ràng rằng, công nghiệp quốc phòng có đặc thù rất đặc biệt. Nó cần nguồn đầu tư rất lớn, nhưng sản phẩm tạo ra lại hầu như không có sinh lợi. Nguồn sinh lợi duy nhất đó là phải tìm cách xuất khẩu chúng ra thị trường thế giới.
Việc Nga đẩy mạnh xuất khẩu S-400 còn bao hàm một chiến lược lớn nữa là "kích cầu". Xét về mặt kỹ thuật, S-400 được xếp vào dòng vũ khí phòng thủ, ít bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế khi xuất khẩu, nhưng với tầm bắn xa tới 400km, tầm giám sát lên tới 600km, S-400 tạo ra lợi thế rõ ràng đối với quốc gia sở hữu.
Điều này sẽ buộc các đối thủ tiềm năng của quốc gia sở hữu S-400 phải tìm kiếm loại vũ khí có tính năng tương đương để đảm bảo cân bằng chiến lược và rõ ràng S-400 có thể được lựa chọn. Điều này trực tiếp hay gián tiếp đều mang lại cơ hội xuất khẩu vũ khí cho Moscow.
Ngoài các yếu tố trên, nhu cầu đối với tổ hợp S-400 trên thế giới hiện rất lớn và việc nó vụt trở thành món "hàng nóng" là điều dễ hiểu. Cố vấn Tổng thống Nga, Vladimir Kozhin khẳng định, nhiều quốc gia trên thế giới đang xếp hàng chờ tới lượt đặt mua S-400, trong đó thị trường trọng điểm chính là Trung Đông và có thể là Đông Nam Á.
Ngoài Trung Quốc, Nga đã đạt thỏa thuận cung cấp S-400 ở các mức độ khác nhau cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Saudi Arabia.
"S-400 đã khẳng định được tính năng vượt trội so với các đối thủ cùng phân khúc. Nó thực sự là tổ hợp tên lửa phòng không tốt nhất hiện nay", Giám đốc Cơ quan phụ trách Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga, Dmitry Shugaev nhấn mạnh.
Tên lửa S-400 của Nga triển khai ở Syria.
Cơ hội cho những nước nghèo sở hữu S-400
Cản trở lớn nhất hiện nay đối với việc xuất khẩu tổ hợp S-400 chính là giá thành của chúng. Với giá thành của mỗi tổ hợp có thể lên tới 500 triệu USD, thì đối với các quốc gia có "hầu bao quốc phòng" rủng rỉnh, đây không phải là vấn đề lớn, nhưng đối với các quốc gia có nguồn tài chính quốc phòng hạn chế, có nhu cầu với S-400, thì đây thực sự là rào cản khó thể vượt qua.
Vậy để có thể sở hữu tổ hợp S-400, những quốc gia có nguồn tài chính quốc phòng hạn chế có những cơ hội nào?
Trước hết, họ có thể sở hữu S-400 thông qua các khoản tín dụng do Moscow cung cấp. Điều này từng có tiền lệ từ thời Liên Xô và Liên bang Nga hiện nay.
Moscow từng cung cấp tín dụng cho Venezuela để mua sắm vũ khí trang, trang bị hiện đại từ Nga như: S-300VM Antey-2500, Buk-M2E…, và hiện tại là khả năng cung cấp khoản vay giá trị tới 55% hợp đồng cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề để có được các khoản tín dụng sẽ là sự nhượng bộ và thỏa hiệp giữa bên bán và bên mua.
Một hướng khác có thể giúp các quốc gia nghèo, có nguồn tài chính mua sắm quốc phòng hạn chế có thể sở hữu S-400, là thanh toán một phần hoặc toàn bộ giá trị hợp đồng bằng các sản phẩm sản xuất nội địa. Điều này từng có tiền lệ khi Malaysia đã thanh toán hợp đồng mua sắm máy bay Su-30MKM bằng dầu cọ.
Như vậy, các quốc gia có nguồn tài chính quốc phòng hạn chế vẫn có cơ hội sở hữu S-400. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán của quốc gia sở tại, cũng như "sự hào phóng" của Moscow.
Nguồn tin: Thời đại/soha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn