Theo Sina, phiên bản nâng cấp mạnh hơn 30% so với DF-21D nhưng không cung cấp thông số kỹ thuật, hoặc kết quả các thử nghiệm. Một số nguồn tin cho biết phiên bản mới có khả năng cơ động cao và độc lập hơn so với phiên bản trước. Phiên bản gốc của DF-21D đòi hỏi phải có xe hỗ trợ và hậu cần trước khi khởi động.
Người ta cũng không thể xác định phiên bản nâng cấp được cải thiện về phạm vi hay khả năng tấn công. DF-21D hiện là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới. Nó được thiết kế để nhắm mục tiêu tàu sân bay đang di chuyển với tầm bắn tối đa khoảng 1.450 km.
Tên lửa này có thể buộc Washington phải cân nhắc trước những quyết định chiến lược đối với khu vực, đặc biệt là vấn đề đảo Đài Loan. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995, Lầu Năm Góc đã điều động tàu sân bay USS Nimitz di chuyển qua eo biển trong lúc Trung Quốc đang tập trận.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D trong cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào năm 2015. Ảnh: Getty. |
Sự xuất hiện của DF-21D có thể buộc Mỹ phải từ bỏ ý định điều động tàu sân bay vào eo biển Đài Loan trong một tình huống tương tự. Một báo cáo của Viện Hải quân Mỹ vào năm 2009 xác nhận mối đe dọa đáng kể của tên lửa này. Đầu đạn của DF-21D đủ lớn để phá hủy tàu sân bay trong một lần tấn công và theo lý thuyết không có biện pháp chống lại nó.
Tên lửa DF-21D được cho là đã triển khai dọc theo các tỉnh ven biển gần eo biển Đài Loan để chặn đứng các toan tính của hạm đội tàu sân bay Mỹ đối với đảo Đài Loan.
Sự phát triển của tên lửa này gây nhiều tranh cãi trong giới phân tích quân sự thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng tên lửa này sẽ khiến các siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ trở nên lỗi thời. Các lãnh đạo Hải quân Mỹ lại cho rằng vũ khí này chưa đủ khả năng để vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ.
Năng lực thực sự của DF-21D là một ẩn số. Ảnh: Sino Defence. |
Để một tên lửa có thể nhắm mục tiêu đang di chuyển, đầu đạn của nó phải được trang bị cảm biến như radar, hồng ngoại hoặc quang học. Tham số mục tiêu phải được cập nhật liên tục để hiệu chỉnh đường bay. Hiện tại, các loại vũ khí có khả năng bám theo mục tiêu di chuyển đều hoạt động bên trong bầu khí quyển và có tầm bắn khá hạn chế.
Lịch sử quân sự thế giới chưa từng ghi nhận loại tên lửa đạn đạo nào có thể bám theo mục tiêu đang di chuyển. Những năm 1970, Liên Xô từng nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ tàu ngầm R-27K / SS-NX-13 nhưng không thành công.
Việc dẫn hướng cho đầu đạn được xem là thách thức lớn nhất của DF-21D. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng máy bay, tàu ngầm di chuyển gần tàu sân bay Mỹ và vệ tinh để cung cấp tọa độ dẫn hướng.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là các phương tiện hỗ trợ dẫn hướng cho DF-21D liệu có thể tồn tại, khi xung quanh tàu sân bay Mỹ luôn có đội chiến hạm hộ tống hùng hậu. DF-21D được cho là đã tiến hành một số thử nghiệm ở sa mạc Gobi nhưng mục tiêu là cố định. Chưa có thử nghiệm trên biển nào của DF-21D được ghi nhận nên năng lực của tên lửa này thực sự là một ẩn số.
Có nguồn tin nói rằng DF-21D có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 300 kiloton. Đầu đạn này có thể phá hủy cả một hạm đội mà không cần phải nhắm trúng tàu chiến cụ thể nào cả.
Tác giả bài viết: Trung Hiếu
Nguồn tin: news.zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn