Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thế nước ngày càng đi lên

Thứ bảy - 24/02/2018 03:20
(Dân Việt) - Trao đổi với báo chí nhân dịp đầu Xuân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời kỳ phát triển mới, nhưng thế nước vẫn đang ngày càng đi lên. Bức tranh sức khỏe doanh nghiệp đã khá hơn rất nhiều. Trong điều hành cả nền kinh tế, đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng, ngày càng ăn khớp, kịp thời hơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thế nước ngày càng đi lên

 


Thưa Phó Thủ tướng, có thể nói điểm nhấn quan trọng trong điều hành kinh tế của Chính phủ năm 2017 là đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,81% và lần đầu tiên trong 10 năm qua, bội chi ngân sách được giữ đúng kế hoạch, nợ công trong giới hạn được Quốc hội cho phép và có xu hướng giảm, lạm phát cơ bản được giữ vững, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn cảnh “đồng sàng, dị mộng”, cùng với đó là những kỳ tích trong tăng trưởng xuất nhập khẩu… Phó Thủ tướng lý giải thế nào về hiện tượng này?

- Với sự quyết tâm hành động của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao, trong đó có 5/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần đưa tốc độ tăng bình quân 10 năm 2008-2017 lên 6%. Sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế năm 2017 là nhờ sự đồng lòng, nhất trí từ chủ trương của Đảng, giải pháp thực hiện của Nhà nước và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân và nhân dân cả nước.

 pho thu tuong vuong dinh hue: the nuoc ngay cang di len hinh anh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Thành quả này đến từ việc chúng ta đảm bảo tốt ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô; hệ thống thể chế thị trường ngày càng được hoàn thiện theo các nghị quyết Trung ương 4 và Trung ương 5 (khóa XII); vai trò của Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được phát huy; chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, bảo đảm cân đối tài chính, an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng… Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực theo từng quý. Các bộ, ngành cũng đã chủ động rà soát, đốc thúc các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, đặc biệt là cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, giảm được 24 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để giảm chi phí cho doanh nghiệp; cơ cấu lại hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý tốt nợ công, siết chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công... Vì vậy, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dưới 4%; bội chi ngân sách được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao (giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay), số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục (đạt trên 126.000 doanh nghiệp).

Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng vượt mốc 420 tỷ USD, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Như vậy, sau 10 năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.

Các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực và tăng trưởng khá cao, đóng góp vào thành quả tăng trưởng chung. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017 đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam là 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với năm trước. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước.

Những kết quả này cho thấy, Chính phủ đã tập trung làm tốt chức năng kiến tạo, phát triển như: Xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân và đóng góp cho xã hội; bảo đảm và phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản hồi của người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Chính phủ sát gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn hơn.

Nhìn về những gam màu sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 2017, Phó Thủ tướng từng nhiều lần đề cập, tăng trưởng không dựa vào dầu thô, khai khoáng hay các doanh nghiệp Samsung, Formosa. Vậy đâu là mấu chốt của chỉ số tăng trưởng GDP trong năm qua, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Với mức tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra và các giải pháp thực hiện cân đối vĩ mô khác, Chính phủ đã bảo đảm được khả năng chi trả và an toàn nợ công cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả này là sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực, thể hiện ở mức tăng cao, đồng thời ở cả 3 khu vực. Nổi lên là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (8%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 14,4%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, nhiều dự án lớn đi vào hoạt động làm tăng mạnh sản lượng của một số ngành điện tử, điện thoại... Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,44%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 10,9%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,9 triệu lượt khách, tăng 29,1%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,54%.

Một số mặt hàng lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế. Đây là những cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Cần lưu ý mức dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2017 khoảng 20-21% chỉ là chỉ tiêu định mức. Thực tế, năm 2017, tín dụng chỉ tăng thấp hơn nhiều so với dự kiến. Vì vậy, không thể nói Chính phủ chủ trương tăng tín dụng để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cơ cấu và chất lượng tín dụng cũng được cải thiện rất tích cực.

Vừa qua, tín dụng “chảy” vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực “kinh tế thực” chiếm hơn 80% tổng dư nợ và phần lớn vào đúng chỗ như công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, du lịch... góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng khi chỉ số ICOR của năm 2016 là 5,3 thì năm 2017 là từ 4,7-5 điểm; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP đạt 45,2%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011-2015 (33,6%).

Những kết quả và thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước năm 2017 sẽ tiếp tục được Chính phủ phát huy hiệu quả hơn trong năm 2018 - năm có tính chất bản lề để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Những kết quả đạt được trong năm 2017 là rất quan trọng, tạo động lực cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược trong giai đoạn tới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động của năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng và cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng dẫn tổ chức thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn. Cùng với đó, nỗ lực phát triển văn hóa, xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của người dân; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phó Thủ tướng nhìn nhận như thế nào về con số tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7% mà Quốc hội đã ấn định cho năm 2018? Có phải chúng ta đi “thụt lùi”?

- Mức tăng trưởng GDP của năm 2017 là kết quả tốt cho kinh tế Việt Nam và làm nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2018. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện ở ngưỡng cao, nền kinh tế trong nước đang bị phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới. Tuy được dự báo có chiều hướng tích cực trong năm tới nhưng kinh tế thế giới năm 2018 dự kiến còn gặp rủi ro do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chưa được đẩy lùi. Do độ mở lớn của nền kinh tế, các tác động của khu vực và thế giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và khá nhanh đối với Việt Nam cả về thương mại, đầu tư, tài chính và tiền tệ.

Bên cạnh đó, những thách thức trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: hiện trạng công nghệ thấp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế; nợ công cao; xử lý nợ xấu còn khó khăn; năng suất lao động thấp; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây nhưng vẫn còn yếu… là những khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta vừa phải tạo ra các năng lực sản xuất mới có chất lượng, hiệu quả cao hơn, vừa phải tập trung giải quyết, cắt giảm các năng lực sản xuất đang bị lãng phí, đó là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ, trong khi nguồn lực của đất nước còn rất hạn hẹp.

Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 là hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang ở ngưỡng phát triển cao, khả năng vượt trội trong năm 2018 là khó xảy ra khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hầu như đã được khai thác ở mức cao, trong khi hoạt động khai khoáng dự báo tiếp tục tăng trưởng âm... Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước được cơ cấu lại, ứng dụng công nghệ cao cho phát triển... nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành cần độ trễ để phát huy hiệu quả; các ngành dịch vụ có thể duy trì hoặc tăng trưởng không nhiều so với năm 2017.

Với tình hình như vậy, khả năng năm 2018 tăng trưởng cao hơn năm 2017 là một nhiệm vụ rất khó khăn. Mặt khác, ngoài con số tăng trưởng, Chính phủ vẫn phải quan tâm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, tôi cho rằng với mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 khoảng 6,7% là khả thi và phù hợp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức để đề ra những giải pháp thực hiện tạo ra những động lực tăng trưởng mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng của Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 1.1.2018.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây