TP Sầm Sơn đề xuất dâng Vua Hùng bánh dày "khủng" nặng hơn 3 tấn |
Mới đây, UBND thành phố Sầm Sơn đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa về việc dâng bánh dầy kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018. Theo dự kiến, chiếc bánh sẽ có trọng lượng hơn 3 tấn được làm tại thành phố Sầm
Nêu lý do đưa ra đề xuất này trên báo chí, lãnh đạo TP Sầm Sơn cho rằng, Sầm Sơn là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, có truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện rõ nét qua các lễ hội. Đặc biệt, lễ hội bánh chưng - bánh dày đền Độc Cước là lễ hội truyền thống của người dân địa phương đang được tỉnh Thanh Hóa đăng ký, làm hồ sơ công nhận là Lễ hội phi vật thể cấp Quốc gia.
Do đó, nhằm gìn giữ, quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2017, thành phố Sầm Sơn đã tiến hành làm bánh dày “khổng lồ” dâng tại lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân và du khách.
GS Trần Lâm Biền cho rằng gần đây có hiện tượng "chạy đua lòng thành kính" |
Đề xuất dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương, ngày 10/3/2018 âm lịch cũng đã được Thành ủy TP Sầm Sơn chấp nhận. Từ đó, UBND thành phố Sầm Sơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép địa phương này chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức làm bánh dày kỷ lục Sầm Sơn dâng lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2018.
UBND thành phố Sầm Sơn dự kiến làm chiếc bánh dày có trọng lượng hơn 3 tấn. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, sản phẩm của địa phương.
Được biết hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của UBND TP Sầm Sơn dựa trên căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và truyền thống văn hóa, đề xuất ý kiến, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 8/3/2018.
Không tỏ ra bất ngờ với đề xuất này, GS Trần Lâm Biền cho rằng, gần đây có hiện tượng “chạy đua lòng thành kính” với các vị thần linh trong đó có Vua Hùng.
Theo đó, nào là bánh chưng khủng, bánh Tét khủng và giờ thì đến bánh dày khủng … được các tỉnh, thành, tổ chức, cá nhân dâng Vua Hùng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu di sản cho rằng, lòng thành kính không thể cân đong đo đếm bằng vật chất được.
“Khi vật chất càng nặng bao nhiêu thì tính thế gian càng níu kéo bấy nhiêu, không có thể từ bỏ vật chất mà đi đến siêu thoát được.Vật chất càng nặng thì càng khó đi vào chỗ siêu thoát và càng xa với chân lý cao đẹp mà tổ tiên đã để lại.
Ngoài ra, nếu nói về mặt tốt đẹp là biểu hiện sự kính trọng của con người qua thần linh để xác nhận thành tâm của mình nhưng cái "tâm" mà không có cái "tuệ" làm bệ đỡ cho cái "tâm" thì dễ đi đến chỗ sa đà vào cái mẽ, cái sĩ chứ không phải đi vào chỗ kính trọng”- GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
Ông cũng đưa ra dẫn giải, các vị thần linh không nhận vật chất của bất kể ai. Không bao giờ tổ tiên thần linh nhận vật chất của bất kể ai. Bằng chứng là bao nhiêu đồ lễ người dân dâng lên khi hạ xuống vẫn không suy chuyển.
“Nếu mà thần linh ăn thật thì tôi không tin người ta lại đem lễ dâng lên. Do đó, vật chất đồ cúng chỉ đưa lên để biểu hiện lòng thành kính thôi chứ không cần cái to, cái nhỏ mà cái quan trọng nhất là cái tâm của anh có thành thực hay không chứ không phải anh làm to để anh tìm cái vinh quang trong đời này.
Thần linh không cần cái ấy, thần linh cần nhất sự thành tâm của anh. Có người chỉ đi chùa, đến với một nén hương thôi với lòng thành tâm… thì họ vẫn nhận được quả phúc cao hơn những người mâm cao cỗ đầy như có tính chất đặt cược với thần linh vậy.
Hiện tượng dùng vật chất để đặt cược với thần linh không bao giờ người đó hưởng được quả phúc đâu. Đi đến các chùa, các đền tâm thành mới là cao quý nhất”- GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
Ông cũng kể một bài học mà tổ tiên đã dựng lại với câu chuyện cái chuông ở chùa Cổ Lễ. Khi tất cả mọi người quây quần đóng góp để đúc chuông thì một cậu ăn mày đi ngang qua định vào xin ăn.
Khi vào thấy mọi người đang góp công, góp của để đúc chuông thì cậu ấy cũng phát tâm là một đồng xu xin được. Dù cậu ấy rất thành tâm và tha thiết được bỏ đồng xu ấy vào lò đúc chuông nhưng đã không được cộng đồng ở đó chấp nhận.
Trước hoàn cảnh này, cậu ăn mày bèn liệng đồng xu đi vì cho rằng đem cung tiến không được chấp nhận thì cũng không còn là của mình nữa. Lạ kỳ, khi quả chuông đúc xong nhưng đánh không kêu. Tìm hiểu ra mới phát hiện một chúng sinh muốn công đức một đồng xu nhưng đã không được chấp nhận chứng tỏ quả chuông chưa được vẹn nguyên.
“Mọi người mới tá hỏa đi tìm đồng xu nhưng cũng không thấy. Cuối cùng quả chuông đã không được treo lên mà chỉ để dưới làm bài học nhắc nhở về triết lý không phải “tốt lễ” là “dễ kêu” mà thành tâm với sự hiểu biết về đạo một cách sâu sắc thì mới có thể đi tới chính quả, mới có thể đi đến hạnh phúc cao đẹp được”- GS Trần Lâm Biền nhắc nhở.
Tác giả bài viết: N. Huyền
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn