Những quy định mới về kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng

Thứ năm - 14/12/2017 20:38
Kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ cấp cao; hướng dẫn khung để đấu tranh ngăn chặn suy thoái trong nội bộ..., là những quy định mới được ban hành.
Những quy định mới về kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng

Từ tháng 5 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng viên vi phạm. 

1.000 cán bộ cấp cao trong diện kiểm tra, giám sát tài sản

Ngày 23/5, Bộ Chính trị ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

"Chủ thể của công việc kiểm tra, giám sát này là Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương. Số lượng cán bộ chịu tác động của quy định khoảng 1.000 người", bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói và giải thích thêm, không phải tất cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý đều sẽ được kiểm tra, giám sát.

Công việc nêu trên chỉ tiến hành nếu có 3 yếu tố. Đầu tiên, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Tiếp theo, trường hợp xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ. Và cuối cùng, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các quy định hiện hành về kê khai tài sản, thu nhập và kiểm tra, giám sát vẫn triển khai bình thường, "không phải vì có quy định 85 mà thay đổi". Điều này được hiểu là quy định 85 chỉ áp dụng với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý và được áp dụng khi có 3 yếu tố cần thiết để cơ quan chức năng vào cuộc. Quá trình kiểm tra, giám sát sẽ xem xét tài sản của cán bộ và vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

nhung-quy-dinh-moi-ve-kiem-tra-giam-sat-va-ky-luat-trong-dang

Bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTCP

Mở rộng nội dung giám sát đối với tổ chức đảng

Ngày 1/6, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 86 về giám sát trong Đảng, thay thế quy chế 68 được ban hành năm 2012.

Nhìn chung, Quy định 86 kế thừa hầu hết những nội dung cơ bản của quy chế 68. Tuy nhiên, có một số nhóm nội dung mới hoàn toàn hoặc đã được sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, Quy định 86 mở rộng nội dung giám sát đối với tổ chức đảng, như: Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ...

Quy định 86 cũng bổ sung phương pháp giám sát trực tiếp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cơ sở trở lên bằng cách chất vấn tại các kỳ hội nghị của cấp ủy, góp ý với đối tượng giám sát.

Ngoài ra, Quy định này còn bổ sung phương pháp giám sát gián tiếp thông qua: Xem xét các văn bản báo cáo; thông qua các kiến nghị phản ánh của các tổ chức, cá nhân đối với tổ chức đảng, đảng viên...

Công khai 27 biểu hiện suy thoái

Ngày 3/10, Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Theo hướng dẫn, nội dung công khai gồm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI, khoá XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp...

Hướng dẫn cũng đề cập đến việc công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

Nội dung khác được công khai là bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.

Theo hướng dẫn, có nhiều hình thức công khai, gồm: Trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.

nhung-quy-dinh-moi-ve-kiem-tra-giam-sat-va-ky-luat-trong-dang-1

Ông Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Lan Hạ

"Cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái trong nội bộ" 

Ngày 15/11, Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên, thay thế quy định năm 2013.

Theo ông Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về mặt bố cục, quy định 102 giữ nguyên 5 chương, nhưng tăng thêm một điều thành 37 điều. Mỗi điều có bổ sung, sửa đổi với trọng tâm là cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 xác định.

Ngoài ra, Quy định 102 cũng bổ sung nội dung thời hiệu xử lý kỷ luật, khoảng thời gian mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có vi phạm không bị xử lý kỷ luật.

Các quy định trước đây đều không đặt ra vấn đề thời hiệu, tuy nhiên trong thực tế nhiều trường hợp sai phạm diễn ra đã lâu, nếu cứ để kỷ luật thì cũng không còn nhiều ý nghĩa răn đe, chưa kể khả năng khắc phục hậu quả thấp. Hơn nữa, pháp luật của Nhà nước cũng có quy định về thời hiệu kỷ luật nên phải sửa để đồng bộ.

Quy định mới nêu vi phạm đến mức khiển trách thì thời hiệu 5 năm; cảnh cáo, cách chức là 10 năm; còn khai trừ ra khỏi Đảng thì không có thời hạn, đặc biệt là các lỗi phạm về an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ. Như vậy so với yêu cầu xử lý kỷ luật công dân (24 tháng) thì kỷ luật của Đảng có thời hiệu lâu hơn, vì đảng viên có yêu cầu cao hơn.

Một điểm mới nữa là quy định không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang được tổ chức Đảng xem xét thi hành kỷ luật...

Quy định 102 đã sửa đổi, bổ sung các trường hợp vi phạm bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có hai trường hợp sau:

- Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".

- Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thùy

Nguồn tin: vnexpress.net:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây