Anh hùng phi công tiết lộ lý do hạ gục 'pháo đài bay bất khả xâm phạm' đầu tiên của Mỹ

Thứ năm - 14/12/2017 02:11
(VTC News) - Người phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 tiết lộ lý do thú vị để quân ta hạ gục hàng chục “pháo đài bay bất khả xâm phạm” làm nên chiến thắng lẫy lừng.
Anh hùng phi công tiết lộ lý do hạ gục 'pháo đài bay bất khả xâm phạm' đầu tiên của Mỹ

Dù đã qua 45 năm nhưng rất nhiều người Việt và bạn bè quốc tế vẫn chưa thể mường tượng về trận đánh​ oanh liệt năm xưa của quân dân Việt Nam trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972. Nhiều người tò mò không hiểu vì sao một lực lượng nhỏ bé với những vũ khí, máy bay thô sơ lại có thể hạ gục được hàng chục "pháo đài bay bất khả xâm phạm" của Mỹ thời ấy.

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1946) - người phi công từng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã dành thời gian kể lại cho PV VTC Newsnhững câu chuyện hào hùng của những người phi công tài giỏi.

"Gọi là bất khả xâm phạm vì đội hình của B52 khi đi vào các mục tiêu của Việt Nam để đánh phá thì được bảo vệ rất vững chắc,” ông Nghĩa kể.

“Pháo đài này được trang bị các loại nhiễu tiêu cực và tích cực, để che mắt radar của mặt đất là MiG máy bay. Thêm vào đó là đội hình bảo vệ cho B52 bay gồm đội hình tiêm kích bảo vệ khu vực và trực tiếp, cho nên rất khó để cho máy bay tiêm kích cũng như tên lửa của ta tiếp cận tới mục tiêu B52," ông Nghĩa lý giải.

Anh hung phi cong tiet lo ly do ha guc 'phao dai bay bat kha xam pham' dau tien cua My hinh anh 1

B52 bay cao trên 10km, đánh đêm là chính, sử dụng rất nhiều loại nhiễu điện từ phức tạp. Trong chiến dịch 12 ngày đêm không quân Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 đánh phá miền Bắc. (Ảnh tư liệu)

“Vì thế, người Mỹ và hầu như toàn thế giới hồi đó luôn tự hào và xem B52 là pháo đài bay bất khả xâm phạm. Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với Thượng tướng Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) về vấn đề nghiên cứu B52.

Bác nói với ông Phùng Thế Tài: Trước sau, sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ đưa B52 vào Việt Nam. Cho nên, muốn đánh bại được B52 hì các chú phải nghiên cứu, cho dù Mỹ có dùng B52 hay B57 hay gì đi nữa thì ta vẫn phải đánh, mà đã đánh là phải thắng.

Đúng như Bác suy đoán, năm 1965 Mỹ lần đầu tiên đưa 30 máy bay B52 vào Bến Cát (Bình Dương),” ông Nghĩa kể.

Từ những năm 1967, lực lượng PKKQ đã đi vào khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An để nghiên cứu đánh B52.

"Nói về lý do chính dẫn đến chiến thắng đó là do quá trình nghiên cứu công phu. Hồi đó, chúng tôi vào Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An để nghiên cứu xem cánh của máy bay B52 ra làm sao, đội hình bảo vệ và cách gây nhiễu như thế nào,... và rất nhiều chiến thuật khác nữa. Đối với bộ đội phòng không và bộ đội không quân lúc đó là không còn bất ngờ vì đã được tìm hiểu,” cựu phi công - anh hùng Nguyễn Văn Nghĩa tiếp tục câu chuyện.

Anh hung phi cong tiet lo ly do ha guc 'phao dai bay bat kha xam pham' dau tien cua My hinh anh 2

Bộ đội Phòng không - Không quân bắn máy bay địch. (Ảnh tư liệu).

“Theo quan sát và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy được B52 của Mỹ bay cao nhất được 15km, nhưng nó sử dụng độ cao có lợi nhất để đánh vào các mục tiêu là từ 9 - 11km. Nghĩa là, trung bình nó bay được 10km và trọng lượng mỗi máy bay có thể treo được cả chục tấn bom, tuỳ theo đường dài bay.

Đội hình B52 bay luôn luôn có 3 chiếc và thường bay vào ban đêm, vì ban ngày sợ quân ta thấy được. Địch tấn công ban đêm thì ta hoàn toàn phải phụ thuộc vào radar. Radar không bắt được, máy bay mình không nhìn thấy nó thì đương nhiên không tấn công được. Vậy nên, làm thế nào để máy bay MiG của mình tiếp cận được B52 là bài toán khó, phải nghiên cứu kỹ lưỡng," anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại.

Ông Nghĩa kể, hồi đó bộ đội không quân nghiên cứu bằng cách dùng máy bay vận tải quân sự, vì thời điểm đó chưa có máy bay động cơ phản lực, mới có động cơ cánh quạt. Các chiến sỹ đã dùng máy bay đó để tập cất cánh đến độ cao khoảng 10km, và tập làm sao để với thời gian ngắn nhất có thể dùng tốc độ lớn để tấn công B52.

"Vào chiến đấu, chúng tôi dùng MiG 21. Tuy thô sơ nhưng MiG 21 lại có một lợi thế đó là động cơ rất mạnh. Vậy nên, khi lấy độ cao với một góc lớn thì trong khoảng thời gian ngắn chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp cận được B52. Trừ khi đánh vào ban đêm, nhiễu đặc và đội hình tiêm kích của Mỹ quấy phá. Nếu bình thường không bị chi phối thì với chiến thuật của quân ta, có thể đưa MiG 21 tiếp cận với B52 rất nhanh.

Bởi thế, tâm trạng của chúng tôi trước khi chiến đấu là hoàn toàn tự tin, không có một chút lo lắng. Dẫu có thì cũng chỉ là sự hồi hộp làm sao để phát hiện được B52 để tấn công. Chứ còn chiến thuật, các đánh, cách bắn thì chúng tôi đã nghiên cứu một khoảng thời gian rất dài nên rất tự tin," ông Nghĩa kể tiếp.

Chính vì thế, ngày 20/11/1971, khi lần đầu tiên tiếp cận và phóng tên lửa, quân ta đã bắn B52 trọng thương và phải về Thái Lan hạ cánh. Sau đó, đúng như Bác Hồ nói rằng "B52 sẽ đánh ra Hà Nội, và có thua thì chỉ mới chịu thua trên bầu trời Hà Nội".

Và năm đó, Mỹ đem B52 tiến đánh Hà Nội.

"Khi B52 đánh vào Hà Nội, khởi điểm là 18/12/1972, là chiến dịch Linebacker II, sau này mình gọi là chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ 12 ngày đêm.  Ngay từ đêm đầu tiên, bộ đội không quân đã xuất kích rất dũng mãnh, xuất kích liên tục để đánh B52. Và ngay trong đêm đầu tiên đấy, bộ đội PKKQ đã lập công, bắn rơi một chiếc B52 tại sân bay Đa Phúc (Sân bay Nội Bài bây giờ - PV).

Lúc đó B52 cháy rất lớn, tạo điều kiện cho MiG 21 cất và hạ cánh đi đánh liên tục. Khi đó sân bay Đa Phúc bị đánh nên cúp điện, không có ánh sáng, phải hạ cánh bằng ánh sáng của đèn máy bay kết hợp với ánh sáng lửa của B52 đang cháy. 

Anh hung phi cong tiet lo ly do ha guc 'phao dai bay bat kha xam pham' dau tien cua My hinh anh 3

Xác một B52 bị hạ gục trên bầu trời Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Phi công Trần Cung, Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân liên tục cất cánh khiến đội hình B52 và đội hình bảo vệ B52 bị phá tan, tán loạn để đối phó với MiG 21", cựu phi công cho biết. 

Ông Nghĩa kể tiếp, chính lúc đội hình Mỹ tán loạn là cơ hội tạo điều kiện rất lớn để bộ đội PKKQ ta bắn rơi mục tiêu B52 và các loại máy bay khác. Thành công lớn của bộ đội không quân là làm tan rã đội hình chiến thuật của Mỹ. Và có như thế, bộ đội PKKQ mới có điều kiện để bắt lấy và phóng tên lửa hạ B52.

Ngoài ra, thời điểm đó, trong đội hình máy bay chiến thuật Mỹ còn có các loại máy bay để khống chế các tên lửa và trận địa radar của ta. Thế nên, khi không quân của ta tấn công lên, B52 Mỹ phải cơ động để đối phó. Do các pháo đài bay chuẩn bị không kịp thời, nên tên lửa của mình nhanh chóng lập công. Kết quả hôm đầu tiên quân ta bắn rơi 3 chiếc B52 của Mỹ.

Bằng chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc máy bay B52, 5 chiếc F111, diệt và bắt nhiều giặc lái.

Anh hung phi cong tiet lo ly do ha guc 'phao dai bay bat kha xam pham' dau tien cua My hinh anh 4

 Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (ngoài cùng bên trái) bắt tay đồng đội sau những ngày chiến đấu. (Ảnh tư liệu).

Bị tổn thất lớn và không đạt mục đích, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá từ Bắc vĩ tuyến từ 20 trở ra, đàm phán hội nghị Paris, và kết thúc chiến tranh phá hoại thứ hai đối với miền Bắc Việt Nam.

Cùng với cuộc tiến công chiến lược mùa hè của quân và dân miền Nam, chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng là đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam rút hết quân Mỹ về nước.

Chiến dịch Linebacker II (Hà Nội - Điện Biên Phủ 12 ngày đêm) là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, từ 18/12 đến 30/12/1972.

Tại chiến dịch này, Mỹ sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B52 làm nòng cốt ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm.

Trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác, đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chấp nhận thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thắng lợi của quân dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không, trong đó không quân nhân dân Việt Nam. 

Máy bay chiến lược B52 vốn được mệnh danh là "Siêu pháo đài bay" của Mỹ. Với chiều cao hơn 12 mét, dài hơn 49 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn. Một chiếc B52 có thể mang 30 tấn bom, bay cao hơn 15km km và liên tục 20.000 km, không cần tiếp nhiên liệu.

Với những tính năng ưu việt và được đội hình máy bay tiêm kích, máy bay gây nhiễu điện tử dày đặc bảo vệ, B52 là "con quái vật" rất khó bị tiêu diệt...

Tuy nhiên, trong 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân thủ đô đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Tổng số 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E... đã tan xác trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng...; hàng trăm giặc lái bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống.

Tác giả bài viết: THY HUỆ

Nguồn tin: ​​​​vtc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây