Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa thay đổi một số nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 7, khai mạc vào đầu tuần tới. Đáng chú ý là nội dung đề xuất về giờ làm việc của công nhân viên chức.
Các thay đổi này dựa trên việc tiếp thu ý kiến dư luận sau khi dự thảo được công bố ngày 28/4.
Phương án một của tờ trình được sửa lại như sau: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.
Trong đó, đối với cơ quan hành chính cấp trung ương và các đô thị lớn, thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).
Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì giờ làm việc mùa hè và mùa đông được thay đổi theo điều kiện địa lý.
Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do chủ tịch UBND tỉnh quyết định).
Trước đó ngày 28/4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố dự thảo Bộ luật Lao động lao động sửa đổi, trong đó có những nội dung đề xuất quan trọng: bổ sung thêm ngày nghỉ lễ, tăng tuổi nghỉ hưu…
Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là phương án quy định thời gian làm việc tại cơ quan hành chính. Bộ đề xuất phương án quy định giờ làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút, trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân.
Phương án này gây ra tranh cãi khi nhiều người cho rằng việc quy định thời gian làm việc cứng là không cần thiết và sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra Bộ luật Lao động) cho rằng lâu nay quy định về giờ làm chúng ta áp dụng chưa có bất cứ vướng mắc gì, cũng không có phản ứng gì từ phía người dân, người lao động, vì vậy không cần thiết phải sửa đổi.
Theo ông Lợi, thời gian làm việc không cần phải quy định trong Bộ luật Lao động, chỉ nên quy định tại các văn bản hành chính, do Chính phủ quy định để tạo tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng nơi.
Theo đó, với các cơ quan ở Trung ương thì do Thủ tướng quyết định, còn ở địa phương, các cơ sở chuyên môn thuộc UBND tỉnh thì do Chủ tịch tỉnh quyết định.
Ngày 14/5, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã họp bàn dự án soạn thảo luật lao động (sửa đổi) trước khi dự thảo được trình lên Quốc hội.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo, cho biết lần sửa đổi dự luật này có nhiều nội dung mới, nhạy cảm chưa từng có trong tiền lệ nên cần phải được bàn kỹ lưỡng và phải dựa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về cơ bản đã hoàn tất và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, phê duyệt tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, dự thảo đã được trình lên Chính phủ cho ý kiến 2 lần, Bộ Tư pháp đã thẩm định chính thức và đang được đăng tải lấy ý kiến người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Nguồn tin: news.zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn