Bộ Chính trị đồng ý mô hình thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội

Thứ tư - 15/05/2019 03:20
Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây; UBND phường do UBND quận và thị xã thành lập; cán bộ, công chức cấp phường do quận ủy, thị ủy và UBND quận, thị xã tuyển dụng và bổ nhiệm.

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Trong đó nêu rõ, tại phiên họp ngày 5/4/2019, sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trình "Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội", ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận.

Một, Bộ Chính trị đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã xây dựng, trình Bộ Chính trị "Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội" theo định hướng của Trung ương. 

Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học; tiếp thu được nhiều ý kiến của nhiều cơ quan, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Đề án đã đề xuất nhiều nội dung đổi mới về cơ chế và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị và thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội.

bo chinh tri dong y mo hinh thi diem khong to chuc hdnd phuong tai ha noi hinh anh 1

Những năm qua, TP.Hà Nội tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Hai, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án. Thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường ở các quận và thị xã Sơn Tây, Ủy ban nhân dân (UBND) phường do UBND quận và thị xã thành lập; cán bộ, công chức cấp phường do quận ủy, thị ủy và UBND quận, thị xã tuyển dụng và bổ nhiệm.

Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền gồm HĐND và UBND ở thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Ba, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP.Hà Nội để thực hiện từ năm 20121 đến năm 2026; quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách, đất đai,... cho TP.Hà Nội; có lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủ đô và một số luật khác có liên quan cho phù hợp với tình hình mới.

Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết nêu trên. Quyết định phân cấp, phân quyền, ủy quyền một số nhiệm vụ, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 

Chỉ đạo các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ theo đề nghị của TP.Hà Nội nêu trong Đề án; ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND phường khi thí điểm không tổ chức HĐND phường. 

Các ban Đảng Trung ương nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định có liên quan, nhất là cụ thể hóa chủ trương của Đảng về mối quan hệ giữa cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội với chính quyền đô thị, cơ chế giám sát của nhân dân đối với chính quyền phường.

Bốn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị hoàn thiện Đề án và tổ chức thực hiện định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Năm, Văn Phòng Trung ương Đảng theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kết luận này; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện.

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây