Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã có đơn gửi lãnh đạo Bộ Công thương xin nghỉ công tác, đồng thời xin nghỉ phép từ ngày 1/8. Trước đó, tại kỳ họp thứ 16 (25-27/7) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1/2004 - 5/2010) như đã kết luận tại kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa là nghiêm trọng nên quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Thoa.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (Ảnh: Vietnam+) |
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, theo quy định xử lý cán bộ đảng viên sai phạm, không có chuyện cứ “xin thôi việc” là xong. Theo quy trình, một cán bộ đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng thì chắc chắn bên chính quyền sẽ phải cho thôi các chức vụ của cán bộ đó.
“Việc cho thôi chức vụ là do bên chính quyền ra quyết định chứ không phải cho phép cán bộ nghỉ công việc. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thuộc diện cán bộ lãnh đạo do Ban Bí thư quản lý, nên Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ xem xét, cho ý kiến, sau đó Chính phủ sẽ ra quyết định cụ thể. Chứ không có chuyện cứ xin thôi việc là xong” – ông Thưởng nhấn mạnh.
Theo ông Thưởng, mỗi cán bộ đều có cơ quan quản lý họ. Nếu là cán bộ cấp Vụ thì lãnh đạo Bộ sẽ ra quyết định, cán bộ cấp Bộ thì Trung ương sẽ giải quyết. Một cán bộ bình thường xin nghỉ việc thì người nào ký quyết định bổ nhiệm nhân sự sẽ là người có quyền cho thôi giữ chức vụ theo danh mục quản lý cán bộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị hình thức kỷ luật thì cơ quan bên chính quyền phải có trách nhiệm xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ với hình thức tương đương.
Theo ông Dĩnh, thôi việc và miễn nhiệm chức vụ là hai việc có tính chất hoàn toàn khác nhau. Thôi việc là có thể không mắc khuyết điểm nhưng vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hay lý do cá nhân nên không thể tiếp tục công việc. Còn miễn nhiệm chức vụ là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên.
Theo quy trình, khi bà Hồ Thị Kim Thoa gửi đơn thôi việc thì Ban cán sự Đảng Bộ Công thương sẽ tiếp nhận, sau đó cơ quan này sẽ báo cáo lên Ban cán sự Đảng Chính phủ, tiếp đến cơ quan này sẽ báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, quyết định.“Chức vụ Thứ trưởng do Ban Bí thư quản lý. Khi Ban Bí thư đồng ý mức kỷ luật thì Chính phủ sẽ ra quyết định cụ thể. Giờ phải chờ kết luận và thi hành kỷ luật chứ không phải vi phạm rồi xin nghỉ việc thì… dễ quá” – ông Dĩnh nói.
Bà Hồ Thị Kim Thoa tạm nghỉ phép
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết thêm, về nguyên tắc, khi một Thứ trưởng bị miễn nhiệm chức vụ có nghĩa không còn là cán bộ lãnh đạo nữa nhưng vẫn là cán bộ công chức thì lãnh đạo Bộ sẽ bố trí công việc khác phù hợp. Dù đã gửi đơn xin thôi việc nhưng bà Thoa vẫn phải chờ thi hành kỷ luật, khi có quyết định kỷ luật mới xét đến việc có được xin thôi việc hay không.
Sau khi tiếp nhận đơn của bà Thoa, Bộ Công thương cũng khẳng định, việc giải quyết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi có ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Sau khi nhận được chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai thực hiện”, thông tin từ Bộ Công Thương nêu rõ.
Được biết, sau khi nộp đơn xin nghỉ công tác vào ngày 28/7, từ ngày 1/8, bà Thoa đã tạm nghỉ phép. Trong thời gian này, Bộ Công Thương đang tạm thời giao một số công việc do bà Thoa được phân công đảm nhiệm cho một Thứ trưởng khác./.
Theo quy định của Bộ Chính trị, việc xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1. Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ vi phạm pháp luật thuộc một trong các trường hợp:
a. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.
b. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức cách chức hoặc bãi nhiệm.
2. Cán bộ không đủ năng lực, uy tín để làm việc thuộc một trong các trường hợp:
a. Trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
b. Trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp, bị hai lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách được giao.
c. Để đơn vị mất đoàn kết hoặc làm đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
d. Bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức của người cán bộ.
đ. Bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định về những việc đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.
3. Cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ./.
Nguồn tin: Kim Anh/VOV.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn