Hôm nay sẽ công bố phương án tăng lương tối thiểu vùng 2018
Chủ nhật - 06/08/2017 23:01
(Phapluat News) - Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến phương án lương tối thiểu vùng 2018 sẽ được Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định trong ngày hôm nay, 7.8.
Sau 2 phiên thương lượng, phương án tăng lương tối thiểu vùng giữa bên đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tuy đã giảm khoảng cách, nhưng vẫn đang ở mức chênh lệch 3%.
Từ mức 13,3%, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hạ xuống 10% rồi xuống 8% và cho biết không thể thấp hơn nhằm chấm dứt việc lương tối thiểu không đủ nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi đó, VCCI lại tỏ ra “rắn” hơn khi đề xuất không tăng lương hoặc nếu có chỉ tăng ở mức thấp 2 - 4%, nhưng trong quá trình thương lượng cũng đã đồng ý nâng lên mức 5% và cũng kiên quyết không tăng thêm vì phần lớn các doanh nghiệp đều còn khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thủy sản...
Tại phiên họp ngày 28.7, do 2 bên không thống nhất được quan điểm nên bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra 4 phương án: phương án 1 tăng mức tăng bình quân 5%, phương án 2 tăng 6%, phương án 3 tăng 6,8% và phương án 4 tăng 8%.
Trước phiên họp ngày hôm nay (7.8), nhiều chuyên gia dự đoán khả năng phương án tăng lương tối thiểu năm 2018 sẽ thấp hơn so với mọi năm.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lại cho rằng mức lương tối thiểu năm 2018 tăng thấp nhất 7% là hợp lý cho cả hai phía. "Lâu nay, tốc độ tăng lương nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Năm 2017, tỷ lệ tăng lương tối thiểu tăng 7,3% đã bù đắp phần nào cho người lao động, đến nay, lương tối thiểu đã đạt 93% mức sống tối thiểu. Thêm vào đó, tốc độ trượt giá năm nay dự báo là 4% sẽ không tác động đáng kể đến tăng lương tối thiểu. Vì vậy, năm 2018, chỉ cần tăng thêm 7% là lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu", ông Lợi nói.
Ngày 30.7, Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với cán bộ công đoàn và công nhân (CN), viên chức, lao động tiêu biểu.
Còn ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng Hội đồng tiền lương quốc gia nên cân nhắc đến khó khăn của doanh nghiệp chỉ nên tăng ở mức thấp đảm mức lương thực tế cho người lao động và đủ bù trượt giá.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, doanh nghiệp và người lao động nên cùng nhau chia “chiếc bánh” sao cho hài hòa. Mức tăng phải vừa đảm bảo lợi ích của người lao động vừa đảo bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Thuấn bày tỏ: “Hiện lực lương lao động của quốc gia khoảng 17% bị chi phối bởi lương tối thiểu, nhưng họ tạo ra 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nếu mức lương đưa ra không khoa học, không thúc đẩy tăng năng suất lao động thì vô hình chung đẩy nhà mua bán và tập đoàn quốc tế thuê các nước khác gia công. Lúc đó, cả doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm”.
Hiện mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo Nghị định 153/2016 có hiệu lực từ ngày 1.1 quy định mức lương tối thiểu đối với lao động vùng 1 là 3,75 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng, lao động thuộc vùng 3 được chi trả mức lương tối thiểu 2,9 triệu đồng/tháng và lao động vùng 4 là 2,58 triệu đồng/tháng.