Đột nhập cơ sở chế biến thịt lợn thối
Những con lợn trong nước tập kết về Cao Bằng, xuất bán sang Trung Quốc bị ốm yếu hoặc đã chết buộc phải đưa về nước, vì nếu vứt xác lợn dọc đường phía bên kia biên giới, sẽ bị phạt rất nặng. Do đó, lợn chết được đưa về vùng biên, ném đầy đường, đầy suối. Kinh khủng hơn, xác lợn được bán rẻ cho con buôn, hoặc chế biến thành thịt hun khói, lạp xường, xúc xích... tuồn ra thị trường.
Những ngày gần đây, suối Củn, chảy vào trung tâm thành phố Cao Bằng, rải rác xuất hiện xác lợn bị thương lái vứt bỏ, ruồi nhặng bâu đầy. Một tổ trưởng dân phố thuộc TP. Cao Bằng cho biết, các xe tải thường có một ngăn đáy để chứa xác lợn chết. Họ bán rẻ như cho, bí quá thì đợi lúc vắng ném xuống rộc núi hay các bờ suối sâu. Theo dấu các xe tải đến xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, cách TP. Cao Bằng hơn 70km, chúng tôi tận mắt chứng kiến một số người đang bốc lợn chết từ một xe tải cao ngất ngưởng, được gia cố thành 3 - 4 tầng, xuống xe tải nhỏ. Ngay ven đường, những con lợn khoảng hơn 1 tạ nằm ngổn ngang, tím tái, thâm đen, bốc mùi hôi thối. Việc “sang hàng” diễn ra ngay chỗ đông người, giữa thanh thiên bạch nhật.
Lợn chết được chở về một lò mổ quy mô lớn cách đó vài trăm mét, bên đường liên huyện. Thường lò mổ này đóng cửa, nhưng lúc “hàng” về nhiều, cửa được mở. Lợn chết được bê khỏi thùng xe, ném xuống đất, kéo lê vào góc nền ximăng. Lợn được chặt ra từng khúc, tách lấy đùi, đầu và các thớ thịt, không cần cạo lông. Nội tạng sau được thu bỏ vào bao rồi vứt lên thùng xe tải, chạy vào bãi rác ở xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh, gần con đường đi thác Bản Giốc, để vứt bỏ.
Lợn chết được tập kết tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, TP. Cao Bằng. Ảnh: L.Q |
Bên trong lò mổ, lợn chết nằm la liệt, mùi thối nồng nặc. Khi được hỏi: Lợn này chết lâu chưa mà kinh quá, một cô gái trẻ cho hay, cả chục hôm nay bị tắc biên (không xuất hàng được, nên lợn chết nhiều - P.V), những con không “dùng” được sẽ bị vứt bỏ. Tôi ngỏ ý “mua 50kg thịt lợn hun khói về làm quà”, một công nhân nói thẳng: “Mua hàng này về làm quà bạn bè nó đập vào mặt ấy à”. Cạnh đó, một số trẻ em, người già hối hả xiên lỗ các súc thịt, treo lên rồi hun khói. Trước đó, các súc thịt thối được ngâm vào các chậu bột màu trắng.
Một phụ nữ đang làm thịt, thanh minh “Chị chỉ làm thuê thôi, vào trong Đình Phong - xã trong kia mà mua, họ làm trước các chị, giờ nhiều hàng lắm”. Vài công nhân khác cho hay, “hàng hun khói chủ yếu xuất bán ra... nước ngoài”.
Theo một nguồn tin, thịt lợn nói trên sau đó được trà trộn, biến thành “thịt lợn bản”, “đặc sản hun khói”... đem bán. Thậm chí, chúng tôi đã ghi hình việc khênh lợn chết từ xe tải nhỏ vào lò mổ ở thành phố Cao Bằng. Theo một người kinh doanh thịt lợn tại đây, một con lợn tạ có giá hơn 3 triệu đồng, nếu chết, đem ném bỏ có thể bị phạt; nên họ tìm cách bán để vớt vát.
Một lò mổ lợn tại TP. Cao Bằng. Ảnh: L.Q |
Tiêu huỷ 4 tấn thịt lợn chết
Ngay trong ngày 23.3, PV đã cung cấp các tư liệu, phản ánh với lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng. Ông Nông Văn Xứng - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng xác nhận: Từ tin báo của PV Lao Động, chúng tôi đã “đột kích” cơ sở nói trên và phát hiện lợn chết được tập kết về để chế biến. Đến chiều 23.3.2017, cơ quan chức năng đã kiểm tra, thu giữ khoảng 4 tấn thịt lợn chết, lợn thối, không rõ nguồn gốc, vài tạ thịt hun khói thành phẩm cũng bị tịch thu; tất cả đã được tiêu hủy.
Ông Nông Văn Xứng cho biết thêm: Chủ cơ sở khai nhận phối hợp với một đối tượng người Trung Quốc, đem “công nghệ” và nhân công sang cùng “chế biến” thịt lợn chết thành thịt hun khói; “sản phẩm” chủ yếu đưa sang thị trường nước láng giềng tiêu thụ.
Ngày 12.4.2016, báo Lao Động có bài “Hàng chục xác lợn chết tím tái, thâm đen bị lấy về ăn”, phản ánh hàng chục xác lợn đã thâm đen, tím tái bị một doanh nghiệp xuất khẩu lén lút đổ trộm trên địa bàn xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng rạng sáng 9.4.2016. Tuy nhiên, chưa đầy nửa ngày sau, những xác lợn này đều lần lượt biến mất. Điều tra cho thấy một số người dân đã đưa về làm thức ăn, hoặc đem bán ra thị trường. Sau đó, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, đã gọi điện xuống địa phương để xác minh và nhận thấy, thông tin phản ánh của báo Lao Động là có cơ sở. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã phê bình Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý; đồng thời yêu cầu các đơn vị chuyên môn ở khu vực cửa khẩu, vành đai tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...
Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI
Nguồn tin: laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn