Thủ tướng yêu cầu 'tìm người tài', cấp dưới lập tức 'bổ nhiệm người nhà'

Chủ nhật - 26/03/2017 06:36
(PL News) - Vốn dĩ công tác bổ nhiệm cán bộ có một quy trình theo luật định để đảm bảo “không có gì bất thường”, nhưng trong một số trường hợp, khi các cơ quan chức năng “sờ” đến thì mới vỡ lở những sai sót, chưa đủ điều kiện...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Một số người được bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng có sai sót đã tự nguyện xin rút khỏi chức vụ, nhưng vẫn kịp để lại những dấu ấn “đen” trong niềm tin của người dân đối với công tác cán bộ của bộ máy nhà nước, cần được “gột rửa” bằng những giải pháp thực sự quyết liệt.

“Chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà”

“Chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà” - đây là yêu cầu về công tác cán bộ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 - phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới để không còn những “tai tiếng về cán bộ”.

Muốn vậy, phải đổi mới công tác cán bộ thông qua chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. Điều này ai cũng biết vì đã được các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội và cử tri đề cập đến nhiều lần bởi như phản ánh của một cử tri ở Hải Phòng với Thủ tướng, còn nhiều trường hợp “ưu tiên người nhà” trong tuyển dụng cán bộ khi mà “nhiều người giỏi hơn không chọn mà chọn con, cháu mình, bạn mình”.

Bên cạnh đó, với những mối quan hệ “đặc biệt”, việc bổ nhiệm một số cán bộ đã được thực hiện với tốc độ “thần tốc” nên dù “đúng quy trình” nhưng vì “hơi nhanh” nên lại thấy có vấn đề, tạo dư luận không đồng tình… như Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định Trần Kim Hùng trả lời với báo chí xung quanh vấn đề bổ nhiệm của ông Nguyễn Văn Cảnh (đại biểu Quốc hội của tỉnh).

Những trường hợp của Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang bỏ trốn), Vũ Quang Hải (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sabeco đã bị miễn nhiệm, con trai ông Vũ Huy Hoàng – từng là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bị cách chức), ông Vũ Minh Hoàng (Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), ông Phạm Văn Kháng (nguyên Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, con trai Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này), ông Nguyễn Văn Cảnh (nguyên Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư… làm sôi sục dư luận và càng củng cố những nghi ngờ về tính nghiêm minh trong thực hiện các quy định về công tác cán bộ khi làm quy trình, thủ tục để bổ nhiệm cho các “lãnh đạo” này, cũng như làm lộ rõ những “đặc quyền” mà bấy lâu nay vẫn được những người có quyền sử dụng trong công tác cán bộ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên vừa chỉ rõ sai phạm trong bổ nhiệm thừa cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ban và một số đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, trong đó có tới 23 vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm, nhiều hơn so với đề án vị trí việc làm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra thông tin Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 cán bộ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 31/3. Trước đó, Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương trở thành tâm điểm bàn luận của dư luận với 44/46 biên chế là lãnh đạo.

Hay hiện tượng “bổ nhiệm người nhà” ở rất nhiều địa phương, đơn vị được báo chí phanh phui và Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo kiểm tra. Theo kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ khẳng định có 9 địa phương, đơn vị bao gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lăk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng có hiện tượng bổ nhiệm người nhà có quan hệ họ hàng, ruột thịt (gồm 58 người).

Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ 15 người, không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người, không có chức vụ 18 người); số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.

Đáng nói là các trường hợp bổ nhiệm này đều còn tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được Bộ Nội vụ chỉ rõ: Tại thời điểm bổ nhiệm, một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ tin học như trường hợp Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang; Sở TN&MT tỉnh Yên Bái; Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định; huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Có tình trạng bổ nhiệm một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm như Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, có 1 trường hợp có trình độ chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc làm như ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và 1 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt chỉ tiêu được giao như ở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Những vụ việc như vậy không chỉ làm đội ngũ cán bộ suy yếu về năng lực, phẩm chất và “khuyến khích” thái độ coi thường pháp luật, suy tôn yếu tố “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” trên cả “trí tuệ” – điều kiện cần cho một cán bộ, công chức, viên chức của bộ máy nhà nước. Không những thế, những sự việc này khiến người tài không còn muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài hoặc khu vực tư và khiến việc “tìm người tài” cho bộ máy nhà nước sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Chấn chỉnh vì sự trong sạch của bộ máy

Luôn nhấn mạnh “công tác cán bộ rất quan trọng, con người là quyết định”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quyết tâm đấu tranh phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ, trong đó có công tác cán bộ.

Trong buổi thông tin báo chí định kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau khi kiểm tra các trường hợp “bổ nhiệm người nhà”, Bộ Nội vụ đã cùng với tỉnh phối hợp để phát hiện những đối tượng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, quy trình thủ tục không bảo đảm, vị trí tuyển vào không được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Qua đó, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh rà soát ban hành các quyết định theo thẩm quyền. Trường hợp quyết định sai thì sẽ phải thu hồi, hay bổ nhiệm các cấp phó vượt quá quy định sẽ miễn nhiệm, hoặc tuyển vào không đúng vị trí việc làm phải bố trí lại. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng nhấn mạnh: “Bất kỳ ai, trừ quy định pháp luật cấm tham gia vị trí nào đó, nếu không thì đều phải đủ tiêu chuẩn điều kiện, đúng quy định trình tự, đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh: “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu công khai kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ với báo chí và người dân, đồng thời chỉ đạo rút kinh nghiệm chung, tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng và ngay cả vấn đề tuyển dụng”.

Với nhân dân và cử tri, bất bình trước những trường hợp bổ nhiệm “đúng quy trình, sai nguyên tắc” thì việc cần làm là làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể các cán bộ đã để xảy ra sự việc này bởi những hệ lụy của chúng là khó có thể đong đếm hết ngay. Trước hết, việc bổ nhiệm không đúng người, không đúng việc sẽ khiến công việc bị đình trệ, được giải quyết không đúng theo quy định. Về lâu dài sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động công vụ. Từ đó cũng sẽ có những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính mà chúng ta đang tiến hành, dẫn đến những bức xúc trong cán bộ, nhân dân.

Như trong vụ Trịnh Xuân Thanh, nhiều cá nhân, tập thể đã bị xử lý kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau cho thấy bất kỳ một trường hợp vi phạm nào cũng phải có người chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho “cơ chế”, “quy trình” mà xóa đi trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan. Tuy nhiên, theo nhiều cử tri, xử lý từng cá nhân, tập thể trong từng vụ việc chỉ là giải pháp cục bộ chứ không thể hoàn toàn thay đổi được tình trạng “hậu duệ” vượt lên cả “trí tuệ” nếu không được chấn chỉnh nghiêm túc bằng những quy định nghiêm khắc.

Theo nhiều cán bộ lão thành, việc bổ nhiệm tràn lan, “ưu tiên” người nhà, người quen là biểu hiện rất rõ ràng của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Thậm chí, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy nhà nước và đội ngũ đảng viên. Vì vậy, tình trạng này có thể coi là “tham nhũng quyền lực”, cần phải được đưa vào “danh sách những hành vi cần phải loại trừ ngay để làm trong sạch bộ máy”.

Đã có rất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác cán bộ đươc triển khai và từng bước có hiệu quả. Tuy nhiên, trước hiện tượng bổ nhiệm cán bộ còn nhiều vấn đề như trên thì dường như những giải pháp đó chưa phải là “liều thuốc” thực sự hiệu nghiệm. Do đó, cần phải mở rộng quyền giám sát của đảng viên, nhân dân đối với công tác cán bộ để kịp thời phát hiện những trường hợp làm sai quy định, lách luật, ngăn chặn kịp thời những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng người như thời gian qua.

Cùng với đó, phải kiên quyết xử lý với mức cao nhất những người có thẩm quyền liên quan đến các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, kiên quyết đấu tranh chống nhóm lợi ích, bênh vực người nhà, người thân khi làm quy trình bổ nhiệm cán bộ, vì mục tiêu chung là tìm người có tâm, có tầm đủ sức đảm đương công việc được giao…

Chấn chỉnh công tác cán bộ, nhất là quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm là góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, làm việc hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực cho khu vực công và gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tác giả bài viết: Hoàng Hiệp

Nguồn tin: PLVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây