Nhập khẩu ô tô ồ ạt, các nhà máy của Việt Nam liệu còn sản xuất?

Chủ nhật - 26/03/2017 10:54
(PL News) - Theo tổng cục Hải quan, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong nửa đầu tháng 3/2017 đạt hơn 6300 chiếc, nâng tổng lượng xe nhập khẩu từ đầu năm lên 21.700 chiếc.
Nhập khẩu ô tô ồ ạt, các nhà máy của Việt Nam liệu còn sản xuất?

Đã nhập khẩu hơn 21.700 chiếc

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 3/2017, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đạt hơn 6300 chiếc, trong đó xe con dưới 9 chỗ ngồi đạt hơn 4800 xe. Tổng lượng xe cao hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 2.500 xe.

Từ đầu năm đến 15/3/2017, tổng lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 21.700 chiếc, trong đó xe con dưới 9 chỗ đạt hơn 14.400 chiếc (chiếm 66,3% tổng lượng xe nhập khẩu). Giá bình quân khai báo hải quan trung bình là gần 400 triệu đồng/chiếc, giá trung bình của xe con dưới 9 chỗ ngồi là hơn 315 triệu đồng/chiếc.

Lượng xe ô tô nhập khẩu về tăng mạnh nhưng tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 72 triệu USD, trong đó xe con là hơn 41 triệu USD. So với cùng kỳ tháng 2/2017, lượng nhập khẩu nguyên chiếc cũng tăng mạnh, hơn 1.600 xe và giá giảm mạnh từ mức trung bình từ mức 410 triệu/chiếc xuống còn 259 triệu/chiếc. Trong đó lượng xe con tăng gấp đôi và giá xe giảm 128 triệu đồng/chiếc.

Nhập khẩu ô tô ồ ạt, các nhà máy của Việt Nam liệu còn sản xuất? - 1

Lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh từ đầu năm. Ảnh Internet

Đặc biệt, theo thống kê tháng 1/2017, dòng xe từ Ấn Độ nhập khẩu vào nước ta có mức giá trung bình thấp nhất, chỉ vào khoảng 3.700 USD/xe USD (tương đương khoảng 84 triệu đồng/xe, chưa thuế). Điều đáng chú ý là xe từ thị trường Ấn Độ vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 70%, cao hơn rất nhiều so với xe nhập từ khối Asean như Thái Lan, Indonesia...

Việc giá trị trung bình của mỗi đầu xe nhập khẩu về giảm xuống không khó hiểu, bởi thực tế xu hướng này bắt đầu từ nửa cuối năm 2016 khi thị trường xe ô tô trong nước chịu sự tác động mạnh mẽ bởi chính sách thuế nhập khẩu xe.

Việc thuế Tiêu thụ đặc biệt được tính theo dung tích xi-lanh của xe có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã tác động khá mạnh đến giá của các dòng xe nhập khẩu khi biểu thuế của các dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ giảm xuống. Các nhà nhập khẩu bắt đầu tăng cường nhập về trong nước các dòng xe giá rẻ vốn được thị trường trong nước ưa chuộng về phục vụ khách hàng.

Tiếp đến sang đầu năm nay, giá nhập khẩu các dòng xe một lần nữa lại thay đổi khi mức thuế nhập khẩu giảm xuống đối với các dòng xe xuất xứ từ ASEAN. Điều này khiến các dòng xe ôtô nguyên chiếc có mức giá rẻ hơn từ Thái Lan, Indonesia... tràn sang. Các nhà sản xuất xe hơi trong nước bắt đầu lựa chọn giữa việc nhập khẩu về phân phối và sản xuất xe tại Việt Nam.

Các nhà sản xuất trong nước liệu có tiếp tục đầu tư sản xuất?

Trao đổi về vấn đề này với ông Phạm Anh Tuấn, trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), ông cho biết: Đúng là khi thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi thì các nhà sản xuất ô tô trong nước cũng phải cân nhắc xem làm thế nào cho có lợi nhất. Ví dụ như Công ty Tyota Việt Nam, hiện tại các dòng xe như Toyota Fortuner, Toyota Hilux, Toyota Yaris là nhập khẩu về phân phối lại. Xe Fortuner thì nhập từ Indonesia, Hilux và Yaris nhập từ Thái Lan...

Nhập khẩu ô tô ồ ạt, các nhà máy của Việt Nam liệu còn sản xuất? - 2

Ông Phạm Anh Tuấn, trưởng tiểu ban chính sách VAMA

Cũng theo ông Tuấn, các nhà sản xuất trong nước hiện tại vẫn sản xuất xe phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu, chỉ lựa chọn nhập khẩu những dòng xe mà giá nhập khẩu rẻ hơn. Theo ông cho biết, tỷ lệ giữa xe sản xuất/xe nhập khẩu hiện tại là 80/20 tính trên tổng lượng xe ô tô bán ra.

Sở dĩ nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc rẻ hơn sản xuất bởi ngành công nghiệp phụ trợ trong nước kém phát triển. Mục tiêu về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Inova, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra.

Ngành công nghiệp phụ trợ đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa .. Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Sang năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô trong khối Asean về 0% theo cam kết, lúc đó nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì phần lớn các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ nhập khẩu xe về phân phối thay vì sản xuất xe như hiện nay.


 

Nguồn tin: Theo Vũ Sơn (Gia đình & Xã hội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây