‘Giải thiêng’ quyền lực xe công: Túi tiền nặng thêm ngàn tỷ

Thứ hai - 24/04/2017 03:05
(PL News) - Xe công đang ngốn nhiều ngân sách, bao gồm cả tiền thuế của dân. Vì thế, nhiều bộ ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc cắt giảm ô tô công. Ước tính, việc này sẽ giúp ngân sách tiết kiệm nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm.
‘Giải thiêng’ quyền lực xe công: Túi tiền nặng thêm ngàn tỷ

 

 


Lần lượt “nói không” với xe công

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính đã tiên phong khoán xe công đối với các chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ này.

xe công, ô tô công, khoán xe công, xe biển xanh, khoán ô tô công
Lượng ô tô công sẽ được cắt giảm mạnh. Ảnh: L.Bằng


Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định trên đơn giá taxi nhân với số ngày làm việc trong tháng của các lãnh đạo, áp dụng từ 1/10. Người có mức kinh phí khoán thấp nhất là 3,96 triệu đồng/tháng, cao nhất là 9,9 triệu đồng/tháng.

Sau hình ảnh “thứ trưởng Bộ Tài chính đi taxi đi làm”, cuộc cách mạng trong khoán xe công đã có sự góp mặt của nhiều cơ quan mới.

Ngày 20/2, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung khi đi công tác đối với các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố, áp dụng từ ngày 1/3. Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, có 8 đơn vị thực hiện thí điểm gồm các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, LĐTB&XH và các quận: Hà Đông, Long Biên, các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.

Việc khoán ô tô công được thực hiện theo 2 phương thức. Thứ nhất, khoán kinh phí cho từng chức danh, nhưng không vượt quá mức khoán tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng. Thứ hai, khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh nhân đơn giá 13.000 đồng/km.

Ngay sau quyết định này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành tâm sự rằng: “Cá nhân tôi cảm thấy việc không có xe công để đi lại như trước đây cũng bình thường, không có gì thay đổi nhiều. Anh em trong sở cũng nghiêm túc thực hiện quy định của thành phố”.

Mức độ lan tỏa của kế hoạch khoán xe công chưa dừng lại. Văn phòng Chính phủ cũng cho biết cũng đang xây dựng phương án khoán xe ô tô đối với các chức danh thuộc Văn phòng. Cụ thể, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 sẽ được áp dụng phương án khoán xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác nội thành, đi sân bay và đi công tác địa phương thì những vị này sẽ được Văn phòng Chính phủ bố trí xe ô tô phục vụ...

Ngay cả Bộ Tài chính cũng không dừng lại ở mức khoán xe công với chức danh thứ trưởng từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Hiện nay Bộ Tài chính chuẩn bị mở rộng diện khoán xe công. Theo đó, cấp Cục trưởng, Vụ trưởng thuộc một loạt Tổng cục như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… khi đi công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể bị “cắt” xe biển xanh.

Ở cấp Cục và đơn vị tương đương có trụ sở ở Hà Nội, việc khoán xe công đi công tác được tính toán áp dụng cho Cục trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội.

Lãnh đạo Cục Kế hoạch Tài chính cho hay: Chúng tôi đã lấy ý kiến các đơn vị, mừng là thủ trưởng các đơn vị đều ủng hộ. Trong các văn bản gửi ý kiến lại, đơn vị trả lời rất ngắn gọn là nhất trí và ủng hộ.

xe công, ô tô công, khoán xe công, xe biển xanh, khoán ô tô công
Bộ Tài chính là đơn vị đi đầu trong khoán xe công. Ảnh: L.Bằng


Mở rộng cả nước

Không chỉ trông chờ vào sự tự nguyện, việc khoán xe công đang được thực hiện “mạnh tay” hơn.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều phương án khá cứng rắn để thực hiện mục tiêu giảm xe công.

Cụ thể, các cục, vụ thuộc Bộ có 50 biên chế trở lên sẽ giảm số xe từ 2 xe/đơn vị xuống còn 1 xe/đơn vị. Nếu đơn vị nào có biên chế dưới 50 người thì 2 đơn vị mới được 1 xe.

Một phương án khác “chặt” hơn được Bộ Tài chính đề xuất là đơn vị có 50 biên chế trở lên thì 2 đơn vị dùng chung 1 xe. Còn dưới 50 biên chế thì 3 đơn vị chung 1 xe.

Đối với các cục, vụ thuộc Tổng cục thì quy định cũng chặt hơn hẳn, theo đó có thể 4 đơn vị mới được cấp 1 xe thay vì 2 đơn vị chung 1 xe như hiện nay.

Ở các địa phương, Bộ Tài chính dự kiến giảm số xe ở các sở, ban ngành từ 2 xe 1 đơn vị xuống mức mỗi đơn vị chỉ được 1 xe…

Tính đến cuối năm 2016 tổng số ôtô công của cả nước là 34.241 chiếc. Trong đó xe phục vụ chức danh là 864, xe phục vụ công tác chung là 17.047 và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc.

Bộ Tài chính cho hay số xe ô tô phục vụ công tác chung có thể giảm từ 42-62%, có nghĩa giảm trung bình được 10 ngàn xe ô tô công, giảm 684 đầu xe phục vụ chức danh. Mỗi chiếc ô tô công trung bình “ngốn” 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương cho lái xe...). Như vậy, ngân sách có thể tiết kiệm được khoảng 3.400 tỷ đồng mỗi năm.

3.400 tỷ đồng là một con số không hề nhỏ, bằng số thu ngân sách của nhiều tỉnh nghèo miền núi cộng lại trong cả năm. Số tiền đó có thể dành cho nhiều việc khác thiết thực hơn trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp. Cho nên, cuộc cách mạng về quản lý, sử dụng xe công không khó để nhận được nhiều sự ủng hộ của nhiều tầng lớp.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây