Khu vực vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) - nơi diễn ra vụ sạt lở kinh hoàng khiến hơn chục căn nhà của người dân bị nhấn chìm xuống sông Hậu vẫn còn tình cảnh hỗn loạn.
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng |
Tuyến đường chính bị sạt lở nghiêm trọng khiến việc lưu thông người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Công an lập nhiều chốt hạn chế phương tiện lưu thông qua điểm sạt lở. Người dân phải đi vòng vào những con hẻm nhỏ để tránh đoạn đường nguy hiểm.
Chỉ kịp ôm bàn thờ người thân
Đến giờ này, bà Nguyễn Thị Phương Trang (ngụ xã Mỹ Hội Đông) vẫn không tin nhà mình đã nằm dưới lòng sông.
“Sau khi xuất hiện vết nứt khoảng 5 phút thì căn nhà sập xuống sông, mọi người chạy ra ngoài hết”, bà Trang kể.
Bà Nguyễn Thị Phương Trang |
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Nở (64 tuổi) nói, tại thời điểm vụ sạt lở bà đang giặt quần áo dưới sông.
“Khi đó, tôi nghe nhiều tiếng la hét, nhìn lại thì thấy nhà của hàng xóm rung lắc dữ dội. Tôi hoảng hốt chạy lên bờ thì lúc này những căn nhà bị cuốn xuống sông, trong đó có căn nhà của tôi”, bà Nở nói trong nước mắt và cho biết, do vụ việc diễn ra quá nhanh nên không kịp di dời bất cứ đồ đạc nào trong nhà.
“Hiện tôi là người trắng tay, không tiền bạc, không giấy tờ tuỳ thân”, vẫn lời bà Nở.
Tương tự, ông Tư Đâu cho hay, lúc đó gia đình ông đang trong nhà thì nghe tiếng động lớn nên hoảng loạn chạy ra ngoài.
“2 căn nhà trị giá 3,5 tỷ đồng và tài sản bên trong trị giá hàng trăm triệu đồng tích góp mấy chục năm đã bị “hà bá” “nuốt” rồi. Cả nhà giờ không biết đi đâu, về đâu. Chỉ mong chính quyền địa phương hỗ trợ chúng tôi nhà cửa để yên tâm làm ăn”, ông Tư Đâu nghẹn ngào nói.
Cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát là trường hợp của bà Nguyễn Thị Tua (52 tuổi). Sau khi vụ việc xảy ra, bà Tua cùng người con gái và 2 đứa cháu nhỏ phải đến ở tạm ngôi chùa trong xã.
Bà Nguyễn Thị Tua |
“Nhà tôi còn cách nơi sạt lở rất gần nên không dám ở, vì sợ có thể sụp xuống bất cứ lúc nào nên vào chùa xin ở tạm. Khi nào chính quyền bố trí chỗ ở thì mới tính tiếp”, bà Tua nói.
Còn anh Trương Thành Thẳng ngậm ngùi nói, khi vụ sạt lở xảy ra, anh chỉ kịp chạy vào nhà bưng bàn thờ cha mẹ ra ngoài.
“Lúc đó, tôi đang ngồi sửa xe ở đối diện nhà thì nghe bà con hô sạt lở nên chạy ùa vào ôm bàn thờ, lư hương của cha mẹ ra ngoài, còn lại căn nhà cùng tài sản trong đó đều bị cuốn đi mất. Hiện tôi phải đem bàn thờ cha mẹ sang nhà người bạn xin để nhờ”, anh Thắng chia sẻ.
Hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng
Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng này, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng.
Bà Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân vùng bị sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt.
Vụ sạt lở làm hơn chục căn nhà bị nhấn chìm xuống sông |
Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, lãnh đạo huyện Chợ Mới… tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm thêm 100m, đến nơi ở an toàn.
Khẩn trương có phương án khắc phục thiên tai, cũng như nắm bắt, giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng người dân khu vực bị sạt lở, trong đó cần ưu tiên xử lý tốt việc bố trí nơi ở, đảm bảo điều kiện về y tế và môi trường...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cho biết, 107 hộ bị ảnh hưởng của vụ sạt lở kinh hoàng này được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, từ nguồn ngân sách Trung ương và của huyện Chợ Mới, UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng cho 16 hộ…
Người dân tháo chạy vào thời điểm xảy ra vụ sạt lở |
Ông Lâm Quang Thi cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 106 hộ dân và 1 nhà máy trong vùng sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện bố trí 105 hộ vào sinh sống ở khu dân cư.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn