Những đống đá, gạch vỡ, những đống củi, bàn ghế cũ nằm chườn ườn giữa đường làng gần một tuần qua…, người dân bảo nhau dọn dẹp để con đường làng phong quang trở lại.
Dưới những gốc cây ven đường, trong quán nước nhỏ, mấy cụ cao tuổi bày bàn cờ ra sắp lại quân, vào cuộc tỷ thí. Lũ trẻ nhỏ chạy tung tăng chơi đùa bên nhà văn hóa thôn Hoành, nơi một tuần qua án ngữ chiếc lều bạt căng giữa sân, và lúc nào cũng có người làng 24/24h túc trực.
Các đại diện của dân làng Đồng Tâm đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội ngày 22/4. Ảnh: Phạm Hải |
Ông Bùi Viết Hiểu, người đại diện cho dân làng Đồng Tâm trong những ngày qua, cũng có một ngày thảnh thơi.
Khi bước ra khỏi hội trường ủy ban xã - nơi dân làng cùng đối thoại với người đứng đầu thành phố, ông lão hạnh phúc đến độ bước đi cũng run rẩy, lập cập, phải có người làng dìu một bên.
“Mừng lắm, dân làng yên tâm lắm rồi. Cái mà bà con lo lắng đã được ông Chủ tịch cởi bỏ rồi, mừng lắm” - ông nói.
Sau cuộc đối thoại với Chủ tịch Hà Nội, người dân thả hết 19 cán bộ, chiến sỹ. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đi cùng 19 cán bộ, chiến sỹ bước ra từ nhà văn hóa thôn Hoành. Ảnh: Phạm Hải |
Những ngày căng thẳng qua, ông Hiểu là người “đứng mũi chịu sào”, thay mặt cho bà con tiếp nhận, nghe, trả lời hầu hết các cuộc điện thoại.
75 tuổi. Vài ba năm trước, ông Hiểu cùng với cụ Kình là một trong những đại diện cốt cán của Ban đồng thuận - ban thay mặt nhân dân Đồng Tâm đi “gõ cửa” các cấp chính quyền để gửi đơn khiếu tố những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương.
Ít người biết về gia cảnh của ông Hiểu.
Có với nhau 5 mặt con, nhưng bà nhà ông gần chục năm nay mắc bệnh tim, hầu như không làm được mấy việc. Con cái trưởng thành ở riêng, ông phải đảm nhận việc chợ búa, cơm nước hàng ngày, rồi cáng đáng thêm việc đưa đón cháu ngoại đi học ngày hai bận…
Thế nhưng, ông không từ chối!
Ông Hiểu bảo, “người dân đã tin tưởng mà ủy thác, thì chúng tôi phải nhận. Chúng tôi đấu tranh vì lẽ phải, công bằng chứ không phải vì mưu lợi hay chống phá chính quyền, chia rẽ tình làng nghĩa xóm”.
Hình ảnh này sẽ trở thành xa lạ, khi ngày mai có ai đó trở lại Đồng Tâm. Ảnh: Thái Bình |
Cuộc đối thoại với ông Nguyễn Đức Chung như một cơn mưa rơi đúng dịp khô hạn. Các cụ cao tuổi giải tỏa nỗi lo âu thắc thỏm. Còn ông Hiểu, ở cái tuổi chuẩn bị lễ thượng thọ, thì mãn nguyện với một điều mà ông canh cánh lo trước cho cả dân làng, là tâm nguyện của người dân Đồng Tâm đã đến được với cấp có thẩm quyền…
Đêm 22/4. Những con đường trong thôn Hoành bỗng trở nên thênh thang vì ít người qua lại. Nhà nào cũng sáng điện, chộn rộn tiếng cười nói của con trẻ.
Mấy ngày trước, lúc nào người dân cũng chỉ ngảnh tai lên để nghe tiếng kẻng ở đầu làng.
Hễ có kẻng, dù bất cứ lúc nào, dân làng lại dừng hết mọi việc, chạy ra ngoài đầu thôn. Sự cảnh giác ấy, theo giải thích của ông Hiểu, ấy là “bà con đã biết sai khi giữ người trái phép, nhưng đã giữ rồi thì chúng tôi phải bảo vệ họ. Nhiều đối tượng xấu, xăm trổ, mang theo cả hung khí cứ luyện quyện bên ngoài đầu xóm. Ngộ nhỡ, họ xông vào làng hành hung những người đang giữ ở trong nhà văn hóa, thì dân làng lại mắc thêm tội lớn”.
Trẻ con làng Đồng Tâm đi dạo trên con đường làng thênh thang rộng chiều 22/4. Ảnh: Thái Bình |
Thôn Hoành, thôn lớn nhất của xã Đồng Tâm với gần 7.000 khẩu, chiều muộn 22/4 đã dỡ bỏ chiếc kẻng treo ở đầu thôn một tuần nay.
Sẽ không còn những tiếng kẻng thúc vào tim và mang đến sự hoang mang, lo lắng cho những người nông dân nữa...
Từ đêm nay, cả làng Đồng Tâm yên tâm kê cao gối ngủ.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn