Cán bộ thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của Đảng

Thứ năm - 15/03/2018 20:47
(GDVN) - "Điều mất mát lớn nhất là mất lòng tin. Người dân làm sao tin được cán bộ lãnh đạo khi chính họ lại là người làm sai quy định".
Cán bộ thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của Đảng

Mất mát lớn nhất là mất niềm tin

Hàng loạt cán bộ chủ chốt tại các tỉnh Đồng Nai, Thanh Hóa, Đắk Lắk... vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành.

Trong số này, một số người đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền, thậm chí bị xử lý hình sự.

Việc xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm, kể cả những người đã "hạ cánh" cho thấy tính nghiêm minh của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy quản lý, đồng thời nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía dư luận.

Phó Giáo sư Bùi Thị An bình luận nội dung này với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 15/3: "Việc Đảng, Nhà nước xử lý vi phạm hàng loạt cán bộ cấp cao từ Trung ương tới địa phương thời gian vừa qua cho thấy tính đồng bộ, nhất quán trong xử lý.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Tuy nhiên, bà An cho rằng, những vi phạm của cán bộ trong thời gian vừa qua để lại những hậu quả rất nặng nề.

"Điều mất mát lớn nhất là mất lòng tin. Người dân làm sao tin được cán bộ lãnh đạo khi chính họ lại là người làm sai quy định, đặc biệt là đối với đại biểu Quốc hội - nơi người dân gửi gắm niềm tin...", bà An nói.

Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội khóa III đặt ra hàng loạt câu hỏi trước những vi phạm của cán bộ cấp cao thời gian vừa qua:

"Những vi phạm của cán bộ giữ vị trí chủ chốt từ nhiều năm trước nhưng họ vẫn thăng tiến là điều rất bất thường và khó hiểu.


Vấn đề tự phê bình và phê bình, trong nội bộ ra sao mà để xảy ra những câu chuyện vô lý như vậy?", Phó Giáo sư Bùi Thị An đặt câu hỏi.Vậy, vấn đề giám sát, quản lý cán bộ của chúng ta như thế nào?

Đồng quan điểm trên khi đánh giá việc xử lý vi phạm của cán bộ vi phạm, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) cũng cho rằng, việc Đảng, Nhà nước xử lý những cán bộ có vi phạm thời gian qua là hết sức khách quan, trung thực, đúng theo quy định của pháp luật và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía dư luận. 

Điều này cũng nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, tránh làm hoen ố thanh danh của Đảng, Nhà nước, đồng thời lấy lại lòng tin nhân dân đối với sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng", Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.

Cán bộ hư hỏng có trách nhiệm của ai?

Vị Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, những vi phạm của cán bộ trong thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế khi đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ.

"Có khi chúng ta chỉ nhìn được vẻ bề ngoài của cán bộ đó mà chưa nhìn thấu bản chất bên trong.

Đặc biệt là vấn đề đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm Đảng viên hằng năm còn chưa sâu sắc, hoặc thậm chí còn có biểu hiện nể nang, né tránh, không trung thực đối với người được đánh giá, dẫn đến những nhận định chưa chính xác về năng lực, phẩm chất cán bộ đó.

Điều này khiến những vi phạm của cán bộ lãnh đạo không được phát giác, xử lý triệt để.

Trong khi đó, một số cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng vào sự tin tưởng của cấp trên để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vun vén lợi ích cá nhân. 

Tình trạng lợi ích nhóm, bè phái, sự tha hóa của một số cán bộ từ cao cấp đến cấp thấp thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó.

Đảng nhà nước khi phát hiện vi phạm của cán bộ đã xử lý rất nghiêm minh hành vi kéo bè, kéo cánh nhằm trục lợi", Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng tháp. Ảnh: Quochoi.vn.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, để chống tha hóa quyền lực của cán bộ, trước hết cần kiểm soát tốt quyền lực:

"Chế độ ta vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nguyên tắc vận hành là tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách.

Do đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể, đặc biệt là việc quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu trong quản lý, điều hành. 


Theo đó, chỉ có thể kiểm soát quyền lực bằng sự giám sát khách quan trung thực của tập thể, cán bộ công chức, viên chức, của nhân dân, đặc biệt là vai trò của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân).Đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực của những cá nhân đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước ở các cấp.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực hiện triệt để quyền lực của mình trong quá trình giám sát những cơ quan, cá nhân do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu ra.

Nếu phát hiện những vi phạm của cán bộ qua phản ánh của quần chúng nhân dân thì phải xử lý triệt để", Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

 

Trong khi đó, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng: "Cơ chế kiểm soát quyền lực còn một số hạn chế cũng là một trong số nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của cán bộ trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái của một số cán bộ xuất phát từ bản thân người đó. Tức là phẩm chất năng lực của người cán bộ đó có vấn đề. 

Do đó, nếu cán bộ gương mẫu, thực hiện nghiêm túc những quy định của Đảng, Nhà nước trong quản lý, điều hành, chắc chắn sẽ không xảy ra những vi phạm nghiêm trọng và hết sức đáng tiếc như vừa qua", Đại biểu Bùi Thị An nhận định. 


 

Tác giả bài viết: QUỐC TOẢN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây