MobiFone nói gì về các sai phạm trong thương vụ mua AVG?

Thứ sáu - 16/03/2018 03:11
(TNO) - Trước những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ kết luận, MobiFone cho rằng mình làm theo chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông, và báo cáo Bộ này về tất cả thực trạng của AVG.
MobiFone nói gì về các sai phạm trong thương vụ mua AVG?

                         

MobiFone cho rằng tất cả thực trạng, khó khăn cũng như cơ hội của AVG đã được báo cáo đầy đủ lên Bộ Thông tin - Truyền thông - Ảnh: Thanh Niên

Trong thương vụ MobiFonne mua lại 95% cổ phần AVG với giá trị gần 8.900 tỉ đồng, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 4 sai phạm tại MobiFone. Thứ nhất, thiếu trách nhiệm và làm trái trong đề xuất dự án đầu tư, đặc biệt việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

Thứ hai, làm trái và thiếu trách nhiệm trong lựa chọn tư vấn thẩm định giá. Thứ ba, sai phạm này cũng diễn ra trong việc lập, trình dự án đầu tư. Thứ tư, vi phạm trong ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, việc thanh toán mua cổ phần và các chi phí liên quan đến dự án.

Trong số các sai phạm trên, việc thổi giá một “xác ướp” như AVG là hành vi nghiêm trọng nhất. Theo Thanh tra Chính phủ, vào thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, 31.3.2015, AVG ở trong tình trạng rất xấu, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng, nợ phải trả lên tới hơn 1.226 tỉ đồng, giá trị tài sản cố định chỉ còn hơn 208 tỉ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến 31.3.2015 gần 1.633 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

Khi báo cáo và đàm phán, thỏa thuận MobiFone sử dụng kết quả thẩm định thiếu căn cứ “nâng giá” AVG lên hơn 16.565 tỉ đồng.

Bộ Thông tin - Truyền thông đã biết AVG là 1 "xác ướp"

Song, giải trình kết luận thanh tra MobiFone khẳng định mình đã đánh giá toàn diện các yếu tố kinh doanh, kỹ thuật, tài chính. Nhà mạng này cho rằng tất cả thực trạng, khó khăn cũng như cơ hội của AVG đã được báo cáo đầy đủ lên Bộ Thông tin - Truyền thông.

"Trên cơ sở ý kiến đánh giá từ các tổ, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc và Hội đồng thành viên MobiFone đã có công văn báo cáo Bộ Thông tin - Truyền thông về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG", MobiFone đưa ra quan điểm và khẳng định đã gửi 4 công văn gồm số 4255, số 58, 63 và công văn số 66. Đồng thời, cũng gửi toàn bộ hồ sơ cùng Quyển đầu tư dự án đánh giá toàn diện AVG cho Bộ Thông tin - Truyền thông.

Tại công văn số 4255 ngày 12.8.2015, MobiFone cho biết đã báo cáo Bộ Thông tin – Truyền thông về công ty AVG. Cụ thể đến hết năm 2014 AVG vẫn đang lỗ kế hoạch trên 300 tỉ đồng. Ngoài ra, kèm theo đó là một loạt báo cáo tài chính hợp nhất AVG, bản đánh giá AVG do Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) phát hành, các Chứng thư thẩm định giá… Còn tại công văn số 58, nhà mạng này cũng đã báo cáo Bộ Thông tin – Truyền thông: “Kết quả định giá có sự khác biệt lớn so với giá trị tài sản của AVG ghi trên sổ sách kế toán. Theo sổ sách AVG có giá trị 3.102 tỉ đồng…”.

Tại công văn số 63 ngày 29.9.2015, MobiFone cũng báo cáo Bộ Thông tin – Truyền thông: Theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG đến hết năm 2014 AVG lỗ trên 331,4 tỉ đồng, lỗ luỹ kế 1.563 tỉ đồng. Đánh giá của VCBS cũng xác định giá trị tài sản của AVG là 3.103 tỉ đồng, nợ phải trả 1.133 tỉ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỉ đồng. “Như vậy MobiFone đã báo cáo đầy đủ với Bộ Thông tin – Truyền thông về thực trạng tài chính của AVG”, nhà mạng này khẳng định.

Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo quyết liệt MobiFone

Không chỉ báo cáo về “sức khoẻ” của AVG, liên quan đến lập dự án Đầu tư truyền hình và mua AVG, MobiFone khẳng định mình đã trình Bộ Thông tin - Truyền thông chấp thuận chủ trương, thống nhất về nguyên tắc cho phép để MobiFone mua một doanh nghiệp truyền hình kỹ thuật số (công văn số 408/BTTTT-QLDN). Đồng thời, cũng đã trình Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ đã chấp thuận cho MobiFone được ký Bản ghi nhớ với cổ đông AVG để mua cổ phần AVG (công văn số 59/BTTTT-QLDN). Bộ Thông tin - Truyền thông cũng chấp thuận cho MobiFone được mua cổ phần của AVG và yêu cầu MobiFone “lập dự án vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp” (Công văn số 166/BTTTT-QLDN).

Một điểm đặc biệt đáng chú về tổng mức đầu tư tối đa của dự án, trong mỗi lần đàm phán, MobiFone khẳng định được thực hiện ở các cấp khác nhau, có sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông. “Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin - Truyền thông và sự nỗ lực của MobiFone sau 6 lần đàm phán thì giá mua thấp hơn khoảng 14.420 tỉ đồng so với khuyến nghị của Công ty chứng khoán Vietcombank VCBS và 7.000 tỉ đồng so với kết quả thẩm định của công ty thẩm định giá AMAX”.

Về hiệu quả của việc mua AVG gắn với việc MobiFone được sử dụng băng tần 700 Mhz, MobiFone cũng cho rằng, đã báo cáo Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ này cho phép được sử dụng tần số. “Bộ Thông tin – Truyền thông đã chấp thuận cho phép MobiFone được sử dụng tần số đã cấp cho AVG. Đây là nội dung quan trọng, không thể thiếu để MobiFone ký thuật và thực hiện thoả thuận, hợp động mua 95% cổ phần AVG”, MobiFone khẳng định.

Bộ Thông tin - Truyền thông “gánh" nhiều vi phạm nhất

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy dự án đầu tư chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, vi phạm quy định tại điều 31, điều 34 luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Theo quy định của luật Tần số vô tuyến điện, 4 kênh tần số là tài nguyên quốc gia có giá trị thương mại cao. Bộ Thông tin - Truyền thông đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số này là vi phạm quy định luật Tần số vô tuyến điện. Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX, 4 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD, tương đương 2.429,9 tỉ đồng).

Bộ Thông tin - Truyền thông còn băn khoăn dự án, đã nhiều lần đề nghị được các Bộ, ngành trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư, trong đó có 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG.

Tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015 phê duyệt dự án đầu tư nhưng Bộ Thông tin - Truyền thông không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư, mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án…

Tác giả bài viết: Theo Anh Vũ/

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây