Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa nắm được các quy định mới này, đặc biệt là giới chủ nhà trọ và người thuê nhà - đối tượng chịu tác động chính từ những thay đổi mới được quy định.
Cần làm rõ căn cứ phân bổ định mức
Theo quy định của Thông tư 25/2018, trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại côngtơ.
Còn nhớ, hồi tháng 5.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất kiên quyết chỉ đạo tính giá điện hợp lý cho người thuê nhà, đặc biệt là đối tượng công nhân, học sinh, sinh viên. Cách tính điện mới này thì đối tượng nào được hưởng lợi? Đối tượng nào bị tác động khác?
Đánh giá về cách tính giá điện mới, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định: “Vừa rồi có bất cập là nhiều người lao động, sinh viên khi ở trọ thì phải chịu giá điện rất cao, gấp 4, 5 lần giá thực tế.
Nhưng bản thân người cho thuê nhà trọ cũng phải chịu mức giá cao vì chỉ được quy định 1 mức nhất định, càng dùng nhiều giá càng cao nên không thể tính giá thấp được.
Để dung hòa mọi người cùng có lợi hơn, mới quy định để người lao động, sinh viên đi thuê nhà được tách thành từng hộ với quy mô 4 người và mỗi nhân khẩu sẽ tính là 1/4 hộ. Song cần làm rõ câu trả lời dựa vào đâu để đưa ra quy định như vậy?
Từ lý giải đó mới phân tích mức độ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước cũng có lợi khi thu đủ thuế, doanh nghiệp kinh doanh điện có lãi, người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng.
Thực tế thì dù tính cách nào đơn vị cung cấp điện vẫn là người có lợi, chủ hộ cho thuê sẽ có cách tính để tránh bị thiệt và người thiệt hại cuối cùng vẫn sẽ là người thuê.
Tất nhiên cách tính này sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng so với hiện nay, nhưng các cơ quan quản lý vẫn phải thanh kiểm tra vì trước kia là cứ thuê thì bị đánh giá cao, bây giờ có khung giá rồi, dùng quá thì phải chịu, thế nhưng chủ nhà có chấp hành hay không lại là câu chuyện khác.
Trước mắt tạm thời ngăn chặn được hành vi bất lợi nhưng hiện lợi là bao nhiêu thì cần phải tính, lợi đến mức độ nào, lợi đến mức độ công bằng hay chưa thì còn phải chờ thực tế trả lời” - PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá.
Cách tính mới khắc phục được nhiều nhược điểm hiện nay
Trao đổi cùng PV Báo Lao Động, đại diện EVN cho biết: “Trong quá trình kiểm tra giá bán điện cho sinh viên người lao động thuê nhà để ở, có rất nhiều phản ánh khi áp dụng giá bán điện theo sinh hoạt bậc thang thì các chủ nhà trọ gặp khó khăn trong việc tính toán thu tiền điện của người thuê nhà, cơ quan quản lý cũng như đơn vị điện lực cũng gặp khó khăn trong công tác giám sát việc thực hiện.
Việc xác định định mức của các nhà cho thuê cũng khó khăn do đặc thù của hoạt động thuê nhà là số người thuê luôn biến động không cố định.
Do vậy tại Thông tư 25/2018/TT-BCT, đã hướng dẫn “với quy định giá bán điện hiện nay thì mỗi 01kWh người thuê nhà trả 2.044 đồng (1.858đ/kWh +10%VAT).
Với cách tính này, người thuê nhà và chủ nhà sẽ dễ dàng tính toán tiền điện, khắc phục được nhược điểm biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện.
Trong Thông tư cũng quy định: “Với trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú, hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt”.
Khi đấy người thuê nhà sẽ được hưởng giá bán điện bậc thang như một hộ sinh hoạt điện.
Ngoài ra, để giải quyết các trường hợp người chủ nhà cho thuê kê khai không đúng số người thuê trọ hoặc khi người thuê trọ đã chuyển đi nhưng chủ nhà không khai báo để giảm định mức mà vẫn giữ nguyên định mức sinh hoạt sử dụng điện, tại TT 25/2018/TT-BCT có bổ sung quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng cho Bên bán điện với trường hợp bên mua điện thực hiện kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế”.
Đại diện của EVN cũng cho biết thêm: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc “Gặp gỡ đối thoại với công nhân lao động khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng” về đảm bảo cho sinh viên, người lao động được hưởng giá bán lẻ điện đúng quy định. EVN đã chỉ đạo các TCty Điện lực/Cty Điện lực (TCTĐL/CTĐL) tổ chức rà soát giá bán điện cho người thuê nhà.
Đồng thời, chủ động rà soát giá bán điện cho người thuê nhà, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương và niêm yết hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà tại các điểm giao dịch, website, các khu CN, chế xuất...;
Các TCĐL/CTĐL báo cáo Sở Công Thương và phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà tại địa phương, thống nhất với các chủ nhà cho thuê về việc thực hiện đúng giá bán điện cho người thuê nhà, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với người lao động thuê nhà để ở.
Tính đến 30.9.2018, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ.
Đến ngày 26.10.2018, khi Thông tư 25/2018/TT-BCT có hiệu lực, EVN chỉ đạo các TCTĐL rà soát các nhà trọ không kê khai được số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại côngtơ.
Ngoài ra, EVN còn tổ chức tuyên truyền, truyền thông về giá bán điện cho người thuê nhà. Tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định.
Nguồn tin: Theo Soha.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn