Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra các lĩnh vực ngành Tư pháp

Thứ ba - 17/07/2018 21:34
(PLO) - Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra các lĩnh vực ngành Tư pháp

Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra các lĩnh vực ngành Tư pháp
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị

Chiều 17/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 theo hình thức trực tuyến. Cùng dự, về phía các bộ, ngành có Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế; về phía Bộ Tư pháp có các Thứ trưởng: Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, Đặng Hoàng Oanh và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm

Báo cáo tình hình công tác 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 với nội dung trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo. Nhờ vậy, nhiều lĩnh vực công tác đạt nhiều kết quả nổi bật.

Bên cạnh đó, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 còn có một số tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục ngay để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Từ đó, cùng với 5 nhóm giải pháp chủ yếu, Bộ, ngành Tư pháp xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2018.

Cụ thể, tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật; tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, nhất là trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp; ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ; tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xử lý tốt các vụ kiện quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự, từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài.

Nhiều tâm huyết, kinh nghiệm quý, mô hình mới từ các bộ, ngành

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã gửi lời chúc mừng đến Bộ Tư pháp về những thành tích đạt được trong 6 tháng đầu năm. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác xây dựng, thi hành pháp luật và qua đó đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp các bộ, ngành để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Túc nhắc lại hai cơ quan đã ký kết Quy chế phối hợp thì tới đây cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế, tăng cường trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan để công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Túc cũng lưu ý một số khó khăn về hoạt động giám định đối với các vụ án lớn, cần được tháo gỡ kịp thời.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cũng đề cao vai trò của công tác xây dựng pháp luật và mong tiếp tục nhận được sự tham gia, góp ý của Bộ Tư pháp đối với việc xây dựng các nghị quyết của TANDTC cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật để cơ sở pháp lý đầy đủ phục vụ công tác xét xử của ngành TAND.

Về công tác thi hành pháp luật, bà Hiền chỉ ra Nghị định 59 hiện không áp dụng với TANDTC, VKSNDTC nên Bộ Tư pháp tới đây cần nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng một đạo luật để áp dụng rộng rãi với tất cả các cơ quan. Thông tin TANDTC sắp thí điểm mô hình trung tâm hòa giải, đối thoại bên cạnh TAND, bà Hiền đề nghị Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương ủng hộ trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành hy vọng tới đây hoạt động góp ý xây dựng văn bản sẽ đạt chất lượng cao hơn nữa và muốn vậy Bộ Tư pháp cần trao đổi, hướng dẫn cán bộ pháp chế các bộ, ngành về hoạt động góp ý; cần quan tâm đến những nội dung của dự án luật, pháp lệnh mà có ý kiến khác.

Ông Thành còn đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tính toán kỹ thời điểm có hiệu lực của văn bản luật để khắc phục những bất cập về nợ đọng văn bản quy định chi tiết, đồng thời phát huy vai trò của cơ quan trình văn bản.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ngoài biểu dương những kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, bất cập trong chất lượng xây dựng pháp luật khi số văn bản chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận tăng lên, Bộ trưởng cũng phê bình một số lĩnh vực của ngành chưa thực sự chuyển biến, chưa có trọng tâm, trọng điểm; quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Bộ, với các bộ, ngành chưa thật chặt chẽ… 

Để tiếp tục khắc phục những hạn chế, giải đáp những vướng mắc trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức pháp chế rà soát lại chương trình công tác theo kế hoạch để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, pháp chế các bộ, ngành cần thực sự quan tâm đến các dự án luật được giao chủ trì. Về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết đang sửa đổi Thông tư liên tịch 23 nên trong quá trình sắp xếp các phòng, đơn vị thuộc Sở cần bám sát tinh thần Thông tư liên tịch 23 để tham mưu phù hợp cho chính quyền địa phương. 

Theo Bộ trưởng, trong ngành Tư pháp có 2 đơn vị sự nghiệp là phòng công chứng và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Với chủ trương hiện nay, Sở Tư pháp phải tham mưu cho UBND để 2 đơn vị này tự chủ được.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Bộ trưởng còn lưu ý giải quyết giấy tờ hộ tịch cho người dân di cư tự do ở các địa phương vùng biên; phải đạt được ít nhất 2 chỉ tiêu về việc, về tiền trong công tác thi hành án; công khai trả lời các kiến nghị của địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Bộ…

Hoàng Thư

Nguồn tin: baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây