Bệnh viện dư thuốc phải tiêu hủy, bệnh nhân thì không đủ tiền mua

Thứ bảy - 06/05/2017 00:52
(PL News) - Khi câu chuyện Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư còn khiến nhiều bệnh nhân bức xúc thì mới đây, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng phải tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar hết hạn sử dụng (giá hơn 1 triệu đồng/viên). Nhiều bệnh nhân không đủ tiền để tự mua thuốc dẫn đến chuyện BV dư thuốc, phải tiêu hủy khi hết hạn.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM vừa phải tiêu hủy gần 270 viên thuốc có giá trị lớn vì hết hạn sử dụng.Ảnh: K.Q
Bệnh viện Ung bướu TPHCM vừa phải tiêu hủy gần 270 viên thuốc có giá trị lớn vì hết hạn sử dụng.Ảnh: K.Q

2/3 bệnh nhân phải “nghỉ” uống thuốc

Kết luận của Thanh tra Sở Y tế TP tại BV Ung bướu TPHCM cũng cho thấy, trong hai năm 2014 - 2015, BV nhận viện trợ hơn 337 tỉ đồng bằng tiền, thuốc và hiện vật của các đơn vị, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thực hiện báo cáo về viện trợ còn chưa đúng quy định. Trong đó có việc BV để 267 viên thuốc Nexavar (trị giá gần 287 triệu đồng) được viện trợ hết hạn sử dụng dẫn đến phải hủy bỏ, gây lãng phí.

Trao đổi với phóng viên, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - cố vấn khoa Dược, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, chương trình viện trợ thuốc Nexavar nhiều năm trước đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 1.2015, BHYT bắt đầu thay đổi chính sách chi trả. Trước đây, bệnh nhân được BHYT thanh toán từ 80 - 100% giá thuốc. Từ năm 2015, loại thuốc này chỉ được chi trả 50%, bệnh nhân phải chi 50% (giá khoảng 500.000 đồng/viên). 2/3 bệnh nhân đã ngừng dùng loại thuốc này vì không đủ khả năng. Do lượng bệnh nhân giảm nên xảy ra tình trạng dư thuốc và BV phải hủy thuốc vì hết hạn sử dụng: “Trước khi hủy thuốc, BV đã gửi công văn cho nhà tài trợ để họ nắm tình hình và có phương án chuyển thuốc qua BV khác cho bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, đó là tình hình chung, tại các BV khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đây là lần đầu tiên, BV phải hủy bỏ thuốc vì hết hạn”.

Cũng theo dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nexavar là biệt dược gốc có chỉ định cho bệnh nhân ung thư biểu mô gan và thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân phải sử dụng thuốc trong một thời gian liên tục và kéo dài với liều lượng mỗi ngày 2 viên (tương đương 1 triệu đồng/ngày đối với bệnh nhân có BHYT- P.V).

Đường đi của thuốc viện trợ quá nhiêu khê?

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, tùy loại thuốc mà hạn sử dụng trung bình từ khoảng 1-2 năm và không có chuyện thuốc viện trợ thì hạn sử dụng ngắn hơn. Bởi vì khi đề xuất nhập thuốc được sự chấp thuận của Cục Quản lý dược thì BV mới báo cho phía Cty dược lên kế hoạch sản xuất. Lô thuốc nhập về phải luôn có hạn sử dụng sát với ngày Cục Quản lý dược cấp phép và phải còn hạn trên 12 tháng khi về tới hải quan. Tuy nhiên, tìm hiểu đường đi của một lô thuốc viện trợ có thể thấy đó là một quy trình quá dài dòng. Thủ tục nhập thuốc viện trợ phải trải qua khá nhiều bước nhiêu khê, mỗi bước kéo dài từ 3 - 4 tuần lễ.

Đầu tiên, BV dựa vào tình hình sử dụng thuốc để lên kế hoạch dự trù số lượng thuốc mới nhập về. Sau đó, BV gửi đề nghị cho Cục Quản lý dược phê duyệt. Khi Cục Quản lý dược phê duyệt thì BV làm công văn gửi Sở Y tế đồng thời báo với phía Cty dược lên kế hoạch sản xuất thuốc. Trong lúc đó, Sở Y tế lại phải làm một số công văn gửi Hội Liên hiệp. Hội Liên hiệp thông qua rồi gửi UBND TP chấp thuận hàng tài trợ. Khi UBND TP chấp thuận thì BV báo cho phía Cty dược chuyển thuốc về Việt Nam. Khi thuốc về đến cửa khẩu hải quan thì BV lại phải xin Sở Tài chính cho nhập hàng viện trợ và làm thủ tục lãnh hàng tại hải quan. Cuối cùng, Sở Tài chính được mời xuống hải quan để kiểm kê lô thuốc nhập về. Hoàn thành các thủ tục trên thì thuốc mới tới tay bệnh nhân.

Dược sĩ Ngọc Dung khẳng định: “Đối với các loại thuốc đã lưu hành lâu năm tại Việt Nam, nếu các khâu đều trơn tru thì nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng. BV phải theo sát từng khâu mới được như vậy. Có lần, vướng ở một vài khâu nên một loại thuốc viện trợ tại BV đã phải mất 4 tháng rưỡi”. Riêng đối với một loại thuốc viện trợ lần đầu tiên có mặt ở thị trường như Tasigna điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tùy, theo BS CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM thì quy trình nhập về phải kéo dài hàng năm trời. Nếu đường đi của thuốc bớt phức tạp, lằng nhằng thì chắc chắn không xảy ra tình trạng phải tiêu hủy thuốc một cách lãng phí.

Tác giả bài viết: KHƯƠNG QUỲNH

Nguồn tin: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây