Vụ tranh chấp đất trồng rừng tại xã Tây Giang, Tây Sơn (Bình Định): Có cơ sở để xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Dũng theo quy định pháp luật.

Thứ sáu - 08/12/2017 22:11
(Kinh doanh & Pháp luật) -  Nguồn gốc của thửa đất rừng đang tranh chấp có cơ sở để xác định ông Trần Trung Dũng là chủ thể khai hoang từ năm 2003. Sau khi phục hóa, ông Dũng đã đưa vào trồng điều sử dụng ổn định từ đó cho đến khi xảy ra tranh chấp...
Rừng điều bị chặt bỏ và thay vào đó là rừng keo mới trồng 50 ngày tuổi
Rừng điều bị chặt bỏ và thay vào đó là rừng keo mới trồng 50 ngày tuổi
  
    
Tranh chấp quyền sử dụng thửa đất rừng

Theo Đơn khiếu nại của ông Trần Trung Dũng, thường trú tại thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định): Năm 1993, vì thấy khu vực phía Nam bầu Lỗ Môn (tiểu khu 259), có nhiều cây bụi, không phải là rừng tự nhiên, gia đình ông đã có bỏ công sức ra phát quang, dọn dẹp, khai hoang hình thành nên một khu đất rộng gần 4ha. Sau khi phục hóa, gia đình ông đưa vào trồng mì, mía… nhờ đó mà cuộc sống gia đình có thêm nguồn thu nhập vượt qua giai đoạn kinh tế đầy khó khăn. Đến năm 2003, thấy cây điều có giá trị kinh tế, ông nhờ một cán bộ khuyến nông tìm mua giúp 1.000 cây giống đem về trồng thay thế cây màu ngắn ngày.
 
                                       Đơn khiếu nại của ông Trần Trung Dũng được các hộ có đất liền kề xác nhận nguồn gốc đất
                                                   do ông Dũng khai hoang từ năm 1993 và đưa vào trồng điều từ năm 2003

 

Thời gian trôi qua, rừng đào của ông đã trưởng thành và đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên vào năm 2004, gia đình xảy ra sự cố, vợ ông bị ngã bệnh kéo dài, con còn nhỏ nên việc chăm sóc rừng điều bị ảnh hưởng. Lợi dụng tình cảnh đó, tháng 9/2016, các ông Nguyễn Thanh Xuân và ông Phạm Văn Châu (người cùng địa phương) đã tự động lên khu vực rừng điều của ông phát dọn trắng hơn 1ha và đưa vào trồng keo.
 

Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép… thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. (Điểm b, khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/CP)

 
Lời trình bày trên của ông Dũng phù hợp với lời xác nhận của các hộ gia đình có đất rừng giáp liền với khu đất trồng đào ông Dũng: ông Mai Xuân Lạc, Mai Xuân Hiếu và ông Phan Văn Long (có đất rẫy giáp liền về phía Tây); ông Phan Vinh Nho (có đất rẫy giáp về phía Nam); ông Phạm Xuân Danh (có rẫy giáp liền phía Bắc)…

Tại Thông báo số 364/TB-UBND ngày 13/11/2017 do ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND xã Tây Giang ký ban hành về thông báo kết quả kiểm tra thực tế vào ngày 23/10/2017 cũng thừa nhận: “Khu đất của ông Trần Trung Dũng sử dụng có diện tích 20.730m2, hiện trạng trên đất có trồng cây điều lâu năm và keo mới trồng 50 ngày tuổi”. Còn trên khu đất của ông Nguyễn Thanh Xuân và ông Phạm Văn Châu có tổng diện tích gần 17.000 m2, có trồng keo được khoảng 50 ngày tuổi, không có cây điều.
                  
                               Rừng điều lâu năm (theo xác nhận hiện trạng của UBND xã) của ông Dũng bị chặt phá, ngổn ngang
 
Làm việc với PV (27/11), ông Nguyễn Ơn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cho biết, khu vực đất đang tranh chấp (tiểu khu 259), xã Tây Giang là đất lâm nghiệp, cây bụi, không có rừng, được người dân khai thác làm nương rẫy từ những năm 89 - 90, đến năm 2003, ông Dũng có đưa vào trồng điều nhưng chăm sóc không kỹ nên cây điều phát triển không đồng bộ. Ông Ơn khẳng định, tiểu khu này không nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Như vậy có cơ sở để xác định khu vực đất đang tranh chấp giữa ông Trần Trung Dũng với Nguyễn Thanh Xuân và ông Phạm Văn Châu được hình thành từ trước năm 2003. Ông Trần Trung Dũng là người trực tiếp quản lý, khai thác và sử dụng ổn định từ đó cho đến khi xảy ra tranh chấp.

Cần phải giải quyết theo đúng trình tự pháp luật

Cũng theo Thông báo số 364/TB-UBND ngày 13/11/2017 của UBND xã Tây Giang ban hành, “khu đất đang tranh chấp hiện là đất rừng sản xuất, do UBND xã quản lý. Các ông Trần Trung Dũng, ông Phạm Văn Châu và ông Nguyễn Thanh Xuân tự ý lấn, chiếm sử dụng khi chưa được Nhà nước giao đất… UBND xã Tây Giang thông báo đến các ông Trần Trung Dũng, ông Phạm Văn Châu và ông Nguyễn Thanh Xuân ngừng ngay việc tự ý lấn chiếm đất rừng sản xuất thuộc tờ bản đồ rừng số 2, tiểu khu 259 để trồng cây tại khu vực đầu nguồn hồ Lỗ Môn, thuộc thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định”

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) cho rằng, trường hợp sử dụng đất của hộ gia đình ông Dũng tại tiểu khu 259 đủ điều kiện để được xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 22 Nghị định số 43/CP của Chính phủ về việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014 (trong trường hợp này là lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép).

Tuy nhiên vì có xảy ra tranh chấp nên cần phải giải quyết theo quy định tại Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, để làm rõ quá trình hình thành và chủ thể khai hoang thực sự đối với khu đất. Trong trường hợp này, các bên đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp và UBND xã đã tổ chức hòa giải bất thành. Do đó cần phải vận dụng điểm a, khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai để giải quyết, tức là Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn phải xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Nếu một trong các bên không đồng ý với kết quả giải quyết của Chủ tịch UBND huyện thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
                                                                                                                                               
                                                                
 Luật sư Lê Hoài Sơn: “Đối chiếu với quy định điểm a, khoản 2 Điều 22 Nghị định 43/CP của Chính phủ, thì khu đất lấn, chiếm của ông Trần Trung Dũng không nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên không có căn cứ để thu hồi, hoặc nếu có nằm trong đất rừng phòng hộ thì cũng giao cho ông Dũng quản lý sử dụng vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật”.

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây