1.700 máy bay TQ sẵn sàng khai chiến: Gã khổng lồ "chân đất sét"?

Thứ ba - 31/10/2017 03:15
(Phapluat News) - Dù sở hữu số lượng máy bay hùng hậu nhưng TQ vẫn thiếu hụt các yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh thực sự như huấn luyện, nghệ thuật tác chiến và các phương tiện hỗ trợ hiệu quả.
1.700 máy bay TQ sẵn sàng khai chiến: Gã khổng lồ "chân đất sét"?

Không Quân (PLAAF) và Hải Quân (PLANAF) Trung Quốc hiện đang vận hành lượng máy baychiến đấu hùng hậu, khoảng 1.700 chiếc, gồm đủ loại: tiêm kích, cường kích và tấn công. Con số này chỉ thua duy nhất Mỹ, cường quốc quân sự số 1 thế giới với 3.400 chiến đấu cơ thường trực.

Thế nhưng, các máy bay quân sự Trung Quốc, hầu hết đều được "lấy cảm hứng" hoặc sao chép từ các mẫu của Nga hoặc của Mỹ. Vậy nên, không khó để đánh giá về các khả năng thực tế của chúng nếu biết được nguồn gốc xuất xứ.

Những phiên bản sao chép từ thời Liên Xô

Liên Xô và Trung Quốc từng có quan hệ khá hữu hảo trong những năm 1950 nên Moscow đã chuyển giao rất nhiều công nghệ cho Bắc Kinh, kể cả xe tăng và máy bay chiến đấu phản lực.

Một trong những mẫu đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc là J-6 - "hàng nhái" máy bay siêu thanh MiG-19 của Nga. Hiện Bắc Kinh gần như đã không còn sử dụng J-6 nữa nhưng khoảng 150 chiếc Nanchang Q-5, phiên bản tấn công mặt đất của J-6 vẫn đang "tại ngũ", được cải tiến mang theo các loại đạn dẫn đường chính xác.

Năm 1962 Liên Xô chuyển giao cho Trung Quốc hơn một chục chiếc MiG-21 mới, rồi sau đó Bắc Kinh sử dụng công nghệ đảo ngược (RE) chế tạo ra chiếc Chengdu J-7, mạnh mẽ hơn nhưng cũng "ục ịch" hơn.

Những năm 1960, J-7 là một một mẫu nổi bật về khả năng cơ động và tốc độ. Nó có thể đuổi kịp F-16 ở vận tốc Mach 2 nhưng không thể mang theo nhiều nhiên liệu hay đạn dược, còn radar thì khá yếu.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn duy trì J-7. Chiếc J-7G giới thiệu năm 2004 có bổ sung thêm radar Doppler của Israel và các tên lửa cải tiến cho các khả năng tấn công ngoài tầm nhìn cũng như khoang lái kỹ thuật số. Gần 400 chiếc hiện vẫn đang phục vụ trong PLAAF và PLANAF.

1.700 máy bay TQ sẵn sàng khai chiến: Gã khổng lồ chân đất sét? - Ảnh 1.

Chengdu J-7 - phiên bản "nhái" MiG-21 của Nga. Ảnh: Military Factory

B-52 phiên bản Trung Quốc

Một mẫu sao chép nữa từ thời Liên Xô là Xian H-6, máy bay ném bom chiến lược 2 động cơ dựa trên mẫu Tu-16 Badger từ đầu những năm 1950.

Dù ít khả năng hơn B-52 của Mỹ hay Tu-95 Bear của Nga, H-6K tiếp nhiên liệu trên không vẫn giữ được chỗ đứng ở Trung Quốc do nó có thể mang theo các tên lửa hành trình tầm xa hạng nặng, tấn công các mục tiêu hải quân hoặc mặt đất cách Trung Quốc khoảng 4.000 dặm mà không rơi vào tầm với của các hệ thống phòng không.

H-6 ban đầu được giao nhiệm vụ thả bom hạt nhân nhưng PLAAF có vẻ như không còn ưa thích vai trò này nữa. Xian được cho là đang phát triển một máy bay ném bom chiến lược mới H-20, dù có rất ít thông tin liên quan được công bố.

Các mẫu chế tạo nội địa

Giữa những năm 1960, Trung Quốc bắt đầu chế tạo các máy bay phản lực chiến đấu thiết kế hoàn toàn nội địa, dẫn tới sự ra đời của Shenyang J-8 năm 1979.

Là máy bay đánh chặn siêu thanh hai động cơ turbojet cỡ lớn, J-8 có thể đạt vận tốc Mach 2.2 nhưng vẫn mang dáng dấp của một đứa con lai giữa MiG-21 và Su-15, thiếu khả năng cơ động và kỹ thuật hàng không hiện đại.

Biến thể J-8II kế cận, dù được nâng cấp so với phiên bản trước khi trang bị thêm một radar của Israel gắn trên mũi, bay nhanh hơn nhưng với giàn vũ khí nặng nhìn nó vẫn giống như F-4 Phantom của Mỹ. Khoảng 150 chiếc J-8 hiện vẫn đang hoạt động.

Chengdu J-10 được ví như F-16 Fighting Falcon của Trung Quốc, loại chiến đấu cơ đa nhiệm hạng nhẹ, cơ động cao dựa trên công nghệ điều khiển điện tử (fly-by-wire) để bù đắp cho kết cấu không ổn định về khí động lực của nó.

Hiện vẫn phải dựa vào động cơ turbofan AL-31F của Nga và ra đời sau F-16 vài thập kỷ, J-10 dường như không gây được tiếng vang, dù mẫu J-10B đã được trang bị các kỹ thuật hàng không của thế kỷ 21 như hệ thống dò tìm hồng ngoại hiện đại và radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tân tiến mà không phải máy bay F-16 nào cũng có.

Tuy nhiên, đội hình gồm 250 chiếc J-10 đã từng phải hứng chịu một số vụ tai nạn chết người, nhiều khả năng là do những trục trặc trong hệ thống điều khiển điện tử.

1.700 máy bay TQ sẵn sàng khai chiến: Gã khổng lồ chân đất sét? - Ảnh 2.

Chengdu J-10 của Trung Quốc. Ảnh: Military Today

Biến thể Sukhoi của Trung Quốc

Khi Liên Xô tan rã, do eo hẹp về tài chính Nga đã bán cho Trung Quốc các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 hiện đại nhất thời đó. Đây là dòng máy bay phản lực hai động cơ có khả năng cơ động cao, tương tự như F-15 Eagle, với tầm bay và tải trọng khá tuyệt.

Sau khi nhập khẩu lô Su-27 đầu tiên, Bắc Kinh mua bản quyền chế tạo phiên bản nội địa cho riêng mình -Shenyang J-11, rồi bất chấp quan ngại của Nga, bắt đầu độc lập phát triển nhiều mẫu hiện đại hơn là J-11B và D.

Dù nóng mặt nhưng Moscow vẫn lại bán cho Trung Quốc 76 biến thể tấn công mặt đất và trên biển hiện đại của Sukhoi (NATO gọi là Flanker) là các mẫu Su-30MKK và Su-30MK2 tương ứng, những dòng máy bay tương tự như F-15E Strike Eagle.

Các nhà thiết kế Trung Quốc lại chế tạo biến thể Su-30 của riêng họ: Shenyang J-16 và Shenyang J-15, chiến đấu cơ trên tàu sân bay mua từ Ukraine dựa theo mẫu Su-33 của Nga.

Khoảng 20 chiếc hiện đang phục vụ tàu sân bay Type 001 của Trung Quốc. Thậm chí còn có cả J-16D, máy bay tác chiến điện tử gây nhiễu bắt chước theo mẫu EA-18 Growler của Hải quân Mỹ.

Về lý thuyết, các biến thể Sukhoi của Trung Quốc ngang hàng với các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư như F-15 và F-16. Tuy nhiên, chúng được trang bị các động cơ turbofan nội địa WS-10, vốn gặp phải những vấn đề bảo trì nghiêm trọng và khó khăn trong việc tạo ra đủ lực đẩy.

Công nghệ động cơ phản lực vẫn là giới hạn chính trong các máy bay chiến đấu của Trung Quốc hiện nay. Năm 2016 Trung Quốc mua 24 chiếc Su-35, biến thể phức tạp và cơ động nhất của Flanker cho tới nay, nhiều khả năng để lấy các động cơ turbofan AL-41F.

1.700 máy bay TQ sẵn sàng khai chiến: Gã khổng lồ chân đất sét? - Ảnh 3.

Shenyang J-15 trang bị cho tàu sân bay Type 001 của Trung Quốc. Ảnh: The Aviationist

Máy bay chiến đấu tàng hình

Trong một thời gian tương đối ngắn, Trung Quốc đã phát triển 2 mẫu thiết kế máy bay tàng hình riêng rẽ. 20 chiếc Chengdu J-20 gia nhập PLAAF năm 2017.

Không giống với F-22 Raptor, được thiết kế là máy bay thống lĩnh không trung hay máy bay đa nhiệm một động cơ F-35 Lightning, J-20 là quái thú khổng lồ 2 động cơ, tối ưu hóa về tốc độ, tầm bay và các vũ khí hạng nặng nhưng bỏ qua khả năng cơ động.

J-20 có thể phù hợp cho các cuộc đột kích bất ngờ nhằm vào các mục tiêu trên bộ và trên biển, dù tiết diện phản xạ radar lớn của nó khó có thể lẩn tránh các máy may đối thủ khi tiếp nhiên liệu hay qua mặt được các máy bay cảnh báo sớm trên không (AWAC).

Các máy bay chiến đấu tàng hình thực hiện sứ mệnh đặc biệt luôn là vấn đề lớn đối với một quốc gia chỉ vừa mới chân ướt chân ráo tham gia vào lĩnh vực vận hành những loại đòi hỏi kỹ thuật cao như vậy.

Trong khi đó, Shenyang J-31 (FC-31) nhỏ hơn, về cơ bản vẫn nhái lại mẫu F-35 Lightning hai động cơ của Mỹ. Các nhà thiết kế Trung Quốc có thể đã phát triển một kết cấu tốt hơn về khí động học nhưng J-31 có lẽ sẽ không thể có được các cảm biến kỹ thuật cao và khả năng tổng hợp dữ liệu của Lightning.

Tương lai ra sao?

Khoảng 33% số máy bay chiến đấu của PLAAF và PLANAF thuộc thế hệ thứ hai cũ kỹ với giá trị tác chiến hạn chế so với các đối thủ cùng loại. 28% nữa gồm cả các máy bay ném bom chiến lược và có khả năng tốt hơn nhưng cũng vẫn thuộc mẫu thiết kế thế hệ 3 lỗi thời.

Cuối cùng, 38% là các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, về lý thuyết có thể đối chọi với các máy bay cùng thế hệ như F-15 và F-16. Máy bay tàng hình chỉ chiếm có 1%.

Khả năng kỹ thuật của các máy bay chỉ là một phần câu chuyện. Quan trọng không kém là khâu huấn luyện, các học thuyết tổ chức và các phương tiện hỗ trợ, từ do thám vệ tinh, tiếp nhiên liệu trên không, tới các đài radar mặt đất cũng như các đài chỉ huy trên không.

Trung Quốc có các nguồn lực tình báo, máy bay và tên lửa săn lùng các tàu sân bay. Tuy nhiên, học thuyết và và kinh nghiệm kết nối các nhân tố này với nhau để hình thành nên một chuỗi "sát thủ" không phải là vấn đề đơn giản.

Một báo năm 2016 của Tập đoàn nghiên cứu Quốc phòng Rand cho rằng, các đơn vị hàng không Trung Quốc đang phải vật lộn để cải thiện tình trạng thiếu hụt công tác huấn luyện theo những điều kiện sát thực và phát triển kinh nghiệm trong các chiến dịch hiệp đồng với các lực lượng mặt đất và hải quân.

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây