Thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014: Nhận diện và đề xuất hướng khắc phục những điều khoản lập lờ làm khó nhà đầu tư khi vận dụng

Thứ sáu - 24/07/2020 21:56
(TVLMP) - Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015) bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng để giải quyết một số quan hệ pháp luật phát sinh, đó chính là một số nội dung điều luật trong 2 bộ luật quy định còn lập lờ, khó hiểu… Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh sẽ nhận diện và đề xuất hướng giải quyết từ góc nhìn này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
       
Người đại diện theo pháp luật rất dễ vận dụng tùy tiện

Liên quan đến người đại diện pháp luật, tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Hiểu theo điều luật này, cả 2 loại hình công ty đều có quyền có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Đây là một trong những nội dung thay đổi căn bản so với Luật DN năm 2005 (quy định duy nhất một người đại diện theo pháp luật), nhằm khai thông quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện cho DN có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua người đại diện theo pháp luật. Với quy định này sẽ tháo gỡ vướng mắc cho DN trong trường hợp người đại diện duy nhất của DN bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên hoặc cổ đông trong quá trình quản lý điều hành DN trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn một người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác của người đại diện theo pháp luật sẽ bị vô hiệu hoá. 

Bất cập là ở chỗ điều khoản trên lại không quy định rõ chức danh nào trong công ty là người đại diện theo pháp luật mà quy định rất lấp lửng: “…Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Bình luận về quy định này, các chuyên gia luật cho rằng dễ dẫn tới sự tùy tiện trong quá trình thực thi. Có thể là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV hoặc là Giám đốc, Tổng giám đốc nhưng cũng có thể là thành viên HĐTV, thành viên HĐQT, thậm chí là cổ đông sáng lập… đều không sai. Đặc biệt là gây bất lợi đối với những DN làm ăn chân chính. Trong thực tế đã từng xảy ra các DN làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất đã tìm cách trốn tránh đối tác bằng cách đẩy trách nhiệm cho người đại diện theo pháp luật, gây rủi ro rất lớn cho đối tác giao dịch với công ty, vì không phải lúc nào cũng tiếp cận được Điều lệ và không bảo đảm việc xác định được chính xác nội dung phân quyền cũng như bản Điều lệ nào có hiệu lực thật sự.
     
Vì vậy, để thực sự khai thông đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho DN, các nhà làm luật nên xem xét sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật DN 2015, theo hướng: Công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, Luật DN cần đưa ra quy định mang tính bắt buộc Điều lệ công ty phải quy định phạm vi đại diện của từng người đại diện theo pháp luật của công ty. Có nghĩa là người đại diện theo pháp luật của công ty phải là người có chức danh là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc (nếu là công ty cổ phần), là Chủ tịch HĐTV hoặc Giám đốc (nếu là công ty TNHH). Kèm theo quy định, Điều lệ công ty phải được đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh và công khai trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.

     
Cũng tại Điều 13, khoản 6 quy định: “Đối với công ty TNHH có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giamkết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật của công ty”. Quy định này là thừa, vì khi một trong 2 thành viên là người đại diện rơi vào các trường hợp trên thì không thể có cuộc họp của HĐTV xảy ra để có quyết định mới về người đại diện theo pháp luật của công ty.
  

Thành viên HĐQT hay thành viên của HĐQT ?

Tại điểm c khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Chủ tịch HĐQT phải triệu tập họp HĐQT khi “Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của HĐQT”. Vấn đề gây khó hiểu ở quy định này là “thành viên điều hành của HĐQT” khác với “thành viên HĐQT” thế nào?  Nếu là thành viên HĐQT thì rõ rồi nhưng điều luật lại quy định là “thành viên điều hành của HĐQT”, tức không phải là thành viên HĐQT. Trong khi đó tại Điều 4 Luật DN năm 2014 và các văn bản quy phạm dưới luật ban hành cũng không có quy định nào giải thích về “thành viên điều hành của HĐQT”. Điều này dẫn đến không xác định được thành viên nào của HĐQT có quyền yêu cầu triệu tập họp HĐQT.
                     
Luật DN1
Ảnh minh họa
     
Thậm chí nếu xác định đó là đề nghị của 02 thành viên HĐQT thì mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 của Điều luật này: “Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp Điều lệ quy định thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp”. Tức có nghĩa là cuộc họp HĐQT chỉ được tiến hành khi có từ ¾ hoặc hơn 50% số thành viên HĐQT dự họp, chứ không phải chỉ có 2 thành viên HĐQT đề nghị (?). Như vậy điều khoản trên không chỉ sửa đổi cụm từ “thành viên của HĐQT” thành “thành viên HĐQT” mà cần được sửa đổi cả về số lượng thành viên HĐQT đề nghị triệu tập cuộc họp.

       
Giãn tiến độ thực hiện dự án, mỗi nơi làm một kiểu

      
Một lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư của một địa phương ở miền Trung (xin được giấu tên) khi đề cập đến sự bất cập của Luật Đầu tư 2014, ông cho rằng việc đề nghị giãn, hoãn, gia hạn tiến độ thực hiện dự án hoặc điều chỉnh dự án đầu tư… là một trong những điều khoản gây rất nhiều lúng túng cho địa phương. Cụ thể tại khoản 1, khoản 3 Điều 46 Luật này quy định: Đối với dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư. Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng.

       
Lấp lửng là ở chỗ, Luật không quy định cụ thể số lần giãn tiến độ, trong khi đó Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cũng không có điều khoản hướng dẫn. Từ đó dẫn tới việc áp dụng không thống nhất tại các địa phương. Có địa phương cơ quan quản lý đăng ký đầu tư chỉ cho phép nhà đầu tư thực hiện 1 lần giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng; có nơi lại cho phép nhà đầu tư thực hiện 2 đến 3 lần (thậm chí nhiều hơn 3 lần) giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng.

     
Ngoài ra, việc áp dụng một mức tổng thời gian giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư cho tất cả các dự án đầu tư cũng gây bất lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn. Thực tế cho thấy công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn thường kéo dài, dẫn tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư cũng bị chậm lại, không đúng với tiến độ thực hiện dự án mà các nhà đầu tư đã cam kết khi thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư dù chưa hoàn thành công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… đã phải xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

      
Cũng theo Điều 46, khoản 1 Luật Đầu tư 2014, việc xem xét giãn tiến độ thực hiện dự án 24 tháng do cơ quan đăng ký đầu tư giải quyết, không yêu cầu làm thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Thế nhưng tại khoản 4, 5 Điều 40 của Luật này thì quy định nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện phải thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế cho thấy, việc giãn tiến độ thực hiện dự án tất yếu sẽ làm thay đổi thời gian thực hiện dự án trong quyết định chủ trương đầu tư dự án, nên việc giãn tiến độ đồng nghĩa với viêc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án và thời gian thực hiện dự án. Do đó không thể cho rằng việc điều chỉnh và giãn tiến độ là 2 nội dung độc lập trong quy định của Luật Đầu tư 2014 ? Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án thì thời gian điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án tối đa không quá thời gian cho phép dãn tiến độ dự án, tức là không quá 24 tháng, như vậy có đúng quy định không ?...

     
Như vậy để khắc phục sự bất cập nêu trên, Luật Đầu tư sửa đổi cần phải quy định cụ thể số lần được giãn tiến độ thực hiện dự án. Đối với dự án có quy mô đầu tư lớn, công tác bồi thường, GPMB kéo dài, nếu nhà đầu tư có giải trình có căn cứ thì thời gian gia hạn tiến độ thực hiện dự án không thể khống chế trong thời hạn không quá 24 tháng…

      
Khó xử lý doanh nghiệp FDI khi “trốn chạy” ?

       
Nếu như năm 2014 trở về trước, khi doanh nghiệp FDI vắng chủ thì Ban QL các KCN tự rà soát, tìm mọi biện pháp liên lạc với chủ đầu tư; khi không có kết quả thì phối hợp với các cơ quan và tòa án để phân loại, tự xử lý; kể từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thì câu chuyện này trở nên phức tạp, bỡi quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 48 về dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động khi: “Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư”.

      
Các chuyên gia luật cho rằng nội dung của điều khoản trên quy định quá mông lung, rất khó khả thi. Bỡi rất khó xác định được chính xác thời gian ngừng hoạt động của nhà đầu tư FDI để làm cơ sở chốt thời hạn đủ 12 tháng ? Đâu là cơ sở để xác định thời điểm cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư, nếu như những cán bộ làm nhiệm vụ thiếu trách nhiệm ? Lại thêm thời hạn quy định để “khai tử” dự án đầu tư quá dài “hết thời hạn 12 tháng” càng gây nhiều bất lợi trong việc xử lý hậu quả phát sinh.

      
Thực tế cho thấy thời gian qua có rất nhiều Khu CN, Khu kinh tế của các địa phương đã chứng kiến hàng loạt ông chủ FDI “trốn chạy” để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, khiến cho các cơ quan có chức năng đau đầu khi giải quyết hậu quả. Khởi tố hình sự thì không thể, còn khởi kiện dân sự thì lúng túng về tố tụng. Câu chuyện về Công ty TNHH KL Texwell Vina ở Đồng Nai nợ lương của hơn 1.900 lao động hơn 5 tỷ đồng, nợ BHXH hơn 17 tỷ đồng và Trung tâm Trung tâm TVPL của Liên đoàn lao động tỉnh này làm thủ tục khởi kiện cho người lao động nhưng bị tòa án sở tại từ chối thụ lý (xảy ra vào 9/2019) vẫn còn đó.

     
Trong khi đó, tại Điều 9 Luật này còn quy định: “Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính” nhưng cũng không đặt ra bất cứ ngoại lệ nào. Với quy định này có thể hiểu tài sản của các doanh nghiệp FDI sau khi ông chủ “trốn chạy” trong khoảng thời hạn trong và nhiều hơn 12 tháng để lại trên lãnh thổ Việt Nam, các cơ quan có chức năng muốn xử lý được không đơn giản cho dù DN còn nhiều khoản nợ “ngập đầu”.

      
Chắc chắn khi bấm nút thông qua điều luật trên, các đại biểu Quốc hội không thể nào lường trước sự “thông thoáng” về câu chữ vô hình trung trở thành kẽ hở để cho những nhà đầu tư làm ăn thiếu thiện chí “tận dụng”, phủi bỏ trách nhiệm. Vì vậy, để ngăn chặn thực trạng trên, nội dung của điều khoản trên cần phải được sửa đổi theo hướng có căn cứ để xác định chính xác thời điểm ngừng hoạt động của các nhà đầu tư; và có căn cứ để xác định trách nhiệm của các Ban QL các khu kinh tế, các khu công nghiệp trong việc chủ động phát hiện các ông chủ FDI đào tẩu và phối hợp với cơ quan có chức năng trong xử lý hậu quả.

                                                                                                  

Tác giả bài viết: VŨ LÊ MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây