Xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập

Thứ hai - 30/09/2019 21:43
9 tháng qua, toàn tỉnh Gia Lai đã triển khai 102 cuộc thanh tra hành chính tại 106 lượt tổ chức, đơn vị, đến nay đã kết thúc và kết luận 78 cuộc tại 82 đơn vị. Qua thanh tra, đã phát hiện số tiền sai phạm 10,8 tỷ đồng tại 56 tổ chức, đơn vị; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 7,97 tỷ đồng (đến nay đã thu được 6,5 tỷ đồng); kiến nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm 19 tập thể và 86 cá nhân; chuyển 3 vụ có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý. Tuy nhiên, công tác xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập, khó khăn...
Xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập
Xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập

Các cơ quan tố tụng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Theo đó, cơ quan điều tra 2 cấp đã thụ lý 9 vụ với 24 bị can, trong đó đã khởi tố 5 vụ với 13 bị can. Viện KSND 2 cấp đã thụ lý 6 vụ với 17 bị can, trong đó đã truy tố 5 vụ với 16 bị can; TAND 2 cấp đã thụ lý giải quyết 7 vụ với 20 bị cáo. Công tác thu hồi tài sản và tiền do tham nhũng đến nay đã thu được hơn 2 tỷ đồng, đạt hơn 56% giá trị thiệt hại kinh tế do hành vi tham nhũng gây ra.

Tuy vậy, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Gia Lai còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa được nâng cao, việc giám định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng còn chậm; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều kẽ hở.

Đại tá Vũ Văn Lâu, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong 9 vụ án tham nhũng mà Công an tỉnh đang giải quyết, thì có 7 vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Có nhiều đơn vị để mất rừng rất lớn, như: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ... Tuy nhiên, trải qua nhiều đời lãnh đạo không bàn giao diện tích rừng bị mất, nên công tác giám định để quy rõ trách nhiệm rất khó khăn. Để khởi tố được vụ án, phải giám định được thiệt hại, nhưng trong nhiều vụ việc, công tác giám định rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc điều tra, truy tố.

Năm 2018, trên địa bàn huyện Ia Pa xảy ra một số vụ phá rừng, trong đó có vụ vận chuyển lâm sản trái phép khi đi qua địa bàn huyện Kông Chro thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Thế nhưng, mới đây, các cơ quan báo chí tiếp tục xâm nhập một đường dây vận chuyển gỗ lậu về 1 doanh nghiệp trên địa bàn. Để xảy ra tình trạng trên có phần buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở Ia Pa.

Vụ lấn chiếm đất rừng ở đồi thông thuộc huyện Mang Yang đã diễn ra từ năm 2011, chính quyền địa phương nhiều lần xử lý, nhưng đến nay mới chỉ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn diện tích đất vẫn chưa thu hồi được. Tương tự, việc thu hồi diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm ở các địa phương khác còn quá chậm. Theo kế hoạch, từ năm 2017- 2019 phải thu hồi 30.000ha rừng bị lấn chiếm, song đến nay việc thu hồi vẫn chưa được bao nhiêu. Qua đó cho thấy, việc buông lỏng quản lý của các chủ rừng và chính quyền địa phương đã gây những hậu quả khó lường.

Thời gian qua, Thanh tra tỉnh mới chỉ tập trung thanh tra một số vụ việc nổi cộm để xử lý, còn thanh tra chuyên ngành của các sở, ngành vẫn chưa vào cuộc tích cực để phát hiện và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.

Ông Trần Hữu Đức, Chánh Thanh tra tỉnh cho hay: Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, trước hết cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát cấp dưới. Đồng thời, phải xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để cấp dưới sai phạm. Công tác thanh tra việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã cho thấy điều này. Thanh tra tỉnh chưa phát hiện sai phạm trong việc đấu thầu thuốc, nhưng có sai phạm trong việc đấu thầu vật tư y tế với số tiền kiến nghị thu hồi là gần 2 tỷ đồng; điều này đòi hỏi lãnh đạo ngành Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Một vấn đề nổi cộm về xử lý qua các vụ việc tham nhũng trên địa bàn tỉnh, được dư luận xã hội rất quan tâm. Đó là vào tháng 5/2019, TAND thị xã Ayun Pa mở phiên toà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hằng Nga (trú thị xã Ayun Pa) 7 năm tù về tội tham ô tài sản, vì đã chiếm đoạt số tiền trên 26 triệu đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ, xã Chư Băl, Ayun Pa.

Theo cáo trạng, năm học 2016 - 2017, UBND thị xã Ayun Pa quyết định bổ sung kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 3 đến 5 tuổi trên địa bàn. Mỗi học sinh được hưởng 120 ngàn đồng/tháng.

Lợi dụng trách nhiệm được giao, Nga đã 2 lần thực hiện hành vi tham ô tài sản bằng cách lập danh sách, giả chữ ký, điểm chỉ của phụ huynh, để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 26 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản. TAND thị xã Ayun Pa đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hằng Nga 7 năm tù giam và bồi thường trên 26 triệu đồng để nhà trường thực hiện việc cấp phát tiền hỗ trợ ăn trưa cho học sinh.

Vào tháng 7/2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ.

Ngày 11/1/2012, ông Nguyễn Hồng Lam, khi đó là Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã ký lệnh chi 524 triệu đồng để Kho bạc Nhà nước huyện giải ngân. Ông Nguyễn Đông Dương (thủ quỹ của phòng) rút tiền mặt về giao cho ông Nguyễn Xuân Tứ (lúc đó là Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, hiện là Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện). Ông Tứ chiếm dụng, chi tiêu cá nhân toàn bộ số tiền trên. Để đối phó với cơ quan chức năng, số tiền 524 triệu đồng được rút từ năm 2012 đến năm 2017 đều được UBND huyện Đức Cơ chuyển nguồn kinh phí tạm ứng ngân sách huyện của năm trước sang năm sau... Năm 2018, ông Lam lên giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ đã ký quyết định xuất ngân sách cấp bổ sung cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 524 triệu đồng để hoàn ứng số tiền ông Tứ nhận.

Như vậy, khi làm Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, ông Lam đã cố ý làm trái quy định về quản lý tài chính - ngân sách, ký lệnh chi tiền và giấy lĩnh tiền mặt sai quy định, để cấp dưới lấy tiền về không nhập quỹ nhưng ông Lam không có ý kiến chỉ đạo mà để nhân viên chiếm dụng trong thời gian dài. Điều đáng chê trách là, khi thanh tra phát hiện vụ việc, nhóm cán bộ này làm giả văn bản, quyết định, ghép chữ ký của lãnh đạo huyện rồi đóng dấu UBND huyện không đúng thời điểmquy định. Ông Tứ thừa nhận là người làm giả giấy tờ, quyết định trên, ngày 19/6, ông Tứ đã đem 524 triệu đồng nộp trả lại ngân sách huyện. Đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước, dấu hiệu tội tham ô, nếu không chuyển sang cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý thì dễ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Qua 2 vụ việc tham ô, cố ý làm trái nêu trên, dư luận đặt câu hỏi về cách xử lý chưa nghiêm của lãnh đạo tỉnh Gia Lai đối với các hành vi tham ô trắng trợn tiền ngân sách.

 

 

Tác giả bài viết: Nguyên Phê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây