Quy định chống chạy chức, quyền: Phát huy vai trò giám sát của cán bộ, nhân dân

Chủ nhật - 29/09/2019 21:14
“Ðã có nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, nhưng đó chỉ là những trường hợp cụ thể. Còn bây giờ đã có hẳn một quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền, như vậy việc xử lý sẽ dễ dàng, đồng bộ hơn...”.
Quy định chống chạy chức, quyền: Phát huy vai trò giám sát của cán bộ, nhân dân

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương đã chia sẻ với phóng viên Tiền Phong xoay quanh Quy định 205 vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Quy định chống chạy chức, quyền: Phát huy vai trò giám sát của cán bộ, nhân dân - ảnh 1
Quy định 205 vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành được xem như tuyên ngôn về công tác cán bộ trong thời kỳ mới

“Chạy” triệu đô ngày xưa đâu có

Quy định 205 vừa được Bộ Chính trị thông qua được đánh giá là một “tuyên ngôn” về công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Ông thấy sao về nhận định này?

Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị về công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới. Quy định này đã cụ thể hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về những vấn đề liên quan đến cán bộ cũng như công tác cán bộ. Tất nhiên, vấn đề về công tác cán bộ lâu nay vẫn được xử lý nhưng chỉ được diễn ra trên từng tình huống, từng trường hợp cụ thể, chứ chưa có quy định một cách chung nhất đối với các trường hợp tương tự như nhau.

Tôi ví dụ như cán bộ lãnh đạo lợi dụng quyền lực, dùng quyền lực để thao túng, trước đây chúng ta đã có những xử lý nghiêm khắc. Điển hình như trước kia, ông Hà Trọng Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa có nhiều sai phạm nghiêm trọng, độc đoán, chuyên quyền nên Bộ Chính trị đã quyết định cách chức Bí thư Tỉnh ủy, đưa ra khỏi Trung ương. Rất nhiều trường hợp cán bộ vi phạm ngày xưa đã bị xử lý kỷ luật nghiêm minh, nhưng đó chỉ là những trường hợp cụ thể thôi. Còn bây giờ, khi có Quy định 205 thì việc xử lý cán bộ vi phạm sẽ dễ dàng hơn, cụ thể hơn và đồng bộ hơn.

Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm là việc tổ chức thực hiện và giám sát ra sao để quy định này thực sự mang lại hiệu quả, thưa ông?

Theo thông lệ thì chúng ta có ba kênh để giám sát cán bộ lãnh đạo. Trước tiên là kênh giám sát của chính cán bộ, nhân viên và đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác. Thứ hai là sự giám sát của cấp trên quản lý cơ quan đó, ví dụ cấp ủy thì Trung ương Đảng, các cơ quan kiểm tra sẽ giám sát hoạt động của các Tỉnh ủy. Kênh thứ ba là sự giám sát của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Kênh giám sát thứ ba rất quan trọng và Quy định lần này đã đề cao vai trò của nhân dân. Những vấn đề gì nhân dân phản ánh về cán bộ đều được xem xét, xử lý.

Tất cả những vấn đề của cán bộ, dùng quyền lực để sử dụng vào những vấn đề tiêu cực, hay chạy chức, chạy quyền thì phải thông qua kênh giám sát này để phát hiện, xử lý. Lâu nay chúng ta thường nhắc đến từ “chạy”, nào chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… Cơ chế thị trường luôn có hai mặt tốt, xấu. Ngày xưa vấn đề tiền bạc, quà cáp nếu có cũng không nặng nề, biến tướng như bây giờ. Ngày xưa làm gì có, mà nếu có thì cũng vô cùng ít những trường hợp đem cả triệu đô la để đi hối lộ như vừa qua. Trước sự tác động của cơ chế thị trường, tham nhũng hối lộ ngày một biến tướng, tinh vi, khủng khiếp, cần phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo và tìm cách ngăn chặn.

Có nên công khai cán bộ quy hoạch?

Có ý kiến cho rằng, để giám sát có hiệu quả thì nên công khai danh sách những cán bộ trong diện quy hoạch để đảng viên và nhân dân giám sát, đặc biệt đối với 200 cán bộ được quy hoạch vào Trung ương. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Quy định chống chạy chức, quyền: Phát huy vai trò giám sát của cán bộ, nhân dân - ảnh 2
ông Lê Quang Thưởng

Theo tôi việc này không nhất thiết phải làm như vậy, vì dù không công khai thì người ta cũng biết. Chẳng hạn với 200 cán bộ được đưa vào quy hoạch Trung ương khóa tới, phần lớn họ là những người đang giữ cương vị lãnh đạo, như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh. Chính vì vậy, với 200 cán bộ được quy hoạch Trung ương, theo tôi thì công bố cũng được mà không công bố cũng không sao.

Để giám sát có hiệu quả, theo ông giải pháp quan trọng nhất là gì?

Có hai điểm quan trọng nhất mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm. Trước tiên là hệ thống quản lý cán bộ phải được chấn chỉnh, quy định rõ ràng các chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng cán bộ lãnh đạo và dựa vào đó để giám sát. Quy định 205 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của tập thể, cá nhân trong quy trình cán bộ, làm rõ vai trò của cá nhân người đứng đầu, cấp ủy viên, cán bộ tham mưu trong quy trình cán bộ. Đặc biệt, Quy định còn nhận diện về những hành vi lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ cũng như hành vi chạy chức, chạy quyền, và có chế tài xử lý rất rõ ràng, cụ thể tùy theo mức độ vi phạm.

Thứ hai, phải phát động dân chủ và mở rộng dân chủ một cách tích cực trong các cơ quan, hệ thống chính trị. Làm sao để họ dám nói những vấn đề không đúng, những vấn đề tiêu cực của cán bộ lãnh đạo. Còn nếu không phát huy tính dân chủ thì ông cán bộ lãnh đạo nói thế nào, người ta nghe như vậy và cứ nói theo thôi. Nếu không có tính tranh luận, không có tính cạnh tranh thì rất khó. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất trong công tác cán bộ và giám sát cán bộ là phải rành mạch về chức năng, nhiệm vụ các cấp và phải phát huy được tính dân chủ trong nội bộ cũng như trong cả hệ thống.

Cảm ơn ông.

Ðiều 10, Quy định 205 nêu rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền:

1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

 

“Kênh thứ ba là sự giám sát của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Kênh giám sát thứ ba rất quan trọng và Quy định lần này đã đề cao vai trò của nhân dân. Những vấn đề gì nhân dân phản ánh về cán bộ đều được xem xét, xử lý”.

 Ông Lê Quang Thưởng

nguyên Phó Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương

Phải phát động dân chủ và mở rộng dân chủ một cách tích cực trong các cơ quan, hệ thống chính trị. Làm sao để họ dám nói những vấn đề không đúng, những vấn đề tiêu cực của cán bộ lãnh đạo. Còn nếu không phát huy tính dân chủ thì ông cán bộ lãnh đạo nói thế nào, người ta nghe như vậy và cứ nói theo thôi. Nếu không có tính tranh luận, không có tính cạnh tranh thì rất khó. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất trong công tác cán bộ và giám sát cán bộ là phải rành mạch về chức năng, nhiệm vụ các cấp và phải phát huy được tính dân chủ trong nội bộ cũng như trong cả hệ thống.

Ông Lê Quang Thưởng

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây