Đó là đại diện VKS đã đề nghị HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao làm rõ trách nhiệm những người nhận hối lộ để xét xử tiếp theo.
Theo đại diện VKS, bất cứ vụ đưa hối lộ nào đều phải có người nhận hối lộ. Hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo đều xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ; nhận diện được một số CSGT, thanh tra giao thông (trong số 80 người) nhận tiền.
Thế mà trong vụ án trên chỉ có 9/10 bị cáo bị TAND TP.HCM xử phạt từ một năm sáu tháng đến 14 năm tù về tội đưa hối lộ. Chín bị cáo này đã câu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên những tuyến đường thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM góp tiền đưa cho thanh tra giao thông, CSGT để họ không bị xử phạt khi vi phạm luật giao thông. Còn lại bị cáo thứ 10 vốn là CSGT thì bị tám năm tù về tội môi giới hối lộ. Tuyệt nhiên không có CSGT, thanh tra giao thông nào bị tội nhận hối lộ!
Cũng trong tuần qua, ngày 18-10, sau gần bốn ngày xét xử, TAND tỉnh Sơn La đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại tỉnh này.
Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La. Ảnh: Tuyến Phan
Căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa và đề nghị của đại diện VKS, tòa này yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện nâng điểm cho 44 thí sinh, từ đó xem xét khởi tố vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Đặc biệt, tòa này đề nghị làm rõ nguồn gốc số tiền, hành vi thỏa thuận của các bị cáo cùng nhiều người khác được liệt kê để xác định đủ hay chưa đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ và đưa hối lộ. Chẳng hạn, có bị cáo khai đã nhận từ một cán bộ thư viện 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh; một bị cáo khai đã nhận của bà chủ tịch Hội Nông dân huyện 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai v.v…
Không hẹn mà trùng, hai vụ án trên có nhiều tương đồng về pháp lý liên quan đến việc xử tội đưa, nhận hối lộ. Ở vụ “logo xe vua”, nếu các bị cáo đều thừa nhận việc đưa tiền như cáo trạng truy tố thì những CSGT, thanh tra giao thông được cho là nhận tiền đã lắc đầu lia lịa. Ở vụ gian lận điểm thi, nếu tại tòa các bị cáo đều thừa nhận việc nhận tiền thì hầu hết những người được cho là đưa tiền lại một mực chối bỏ.
Chưa hết, nếu trong vụ “logo xe vua”, cấp sơ thẩm chỉ xử tội đưa hối lộ thì trong vụ điểm thi ở Sơn La, VKS tỉnh từng quyết định không truy cứu tội nào cả. Với cả tỉ đồng nhận hối lộ do các bị can giao nộp, VKS tỉnh đã quy kết là do vụ lợi mà có - một cáo buộc không đâu ra đâu về nguồn gốc của số tiền và nội dung vụ lợi.
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (giữa) cựu CSGT duy nhất phải ra tòa trong vụ án loho xe vua, được cấp phúc thẩm triệu tập đến tòa để làm rõ việc đưa, nhận và môi giới hối lộ dù không kháng cáo. Ảnh: HY
Thực tế xử lý nhóm tội hối lộ cho thấy nhiều cơ quan cầm cân công lý đã vịn vào những lý thuyết pháp lý để cho ra những kết quả cắt khúc theo kiểu có người đưa mà không có người nhận hay ngược lại. Ấy là hai tội đưa, nhận hối lộ không cần kết quả. Người đưa tiền không cần chứng minh đã đưa tiền cho ai. Người nhận tiền không cần chứng minh đã nhận tiền của ai. Chỉ cần họ có ý thức chủ quan là dùng tiền đưa và nhận hối lộ để đạt được các lợi ích riêng thì tội phạm được coi là đã hoàn thành.
Lý thuyết đó có thể đối với những nhà làm luật là trúng nhưng đối với số đông người dân thì là rất trật. Bởi lẽ đơn giản “không dưng ai dễ mang phần đến cho”, có nhận phải có đưa, có đưa phải có nhận, không thể nào cứ nói khác hoài được.
Trong nhiều trường hợp, cách giải thích “ngoài lời khai của người nhận hoặc người đưa thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh có việc đưa, nhận hối lộ” được hiểu như cơ quan điều tra đã không làm tròn trách nhiệm, đã không thật sự muốn đi đến cùng sự thật của vụ án.
Nói vậy để thấy chỉ xử tội đưa hối lộ mà không xử tội nhận hối lộ như trong vụ “logo xe vua” hay có người khai nhận hối lộ nhưng do không ai chịu thừa nhận đã đưa hối lộ nên không truy cứu ai như vụ điểm thi ở Sơn La đều là sự phi lý, không chấp nhận được.
Nhân đây cũng được mở ngoặc để có sự so sánh. Cùng có việc gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 và cùng có nhiều nghi vấn đưa, nhận hối lộ để nâng điểm thi trái phép từ các lời khai nghe rất có lý, vì sao Sơn La, Hà Giang không truy cứu được ai nhưng tại Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vẫn quyết định khởi tố bổ sung được vụ án về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ?
Đồng ý là đối với mọi tội phạm, nhất là loại tội dính líu đến những người có chức quyền, không có chiến công nào là dễ dàng cả. Song trước những đòi hỏi chính đáng, công bằng của xã hội, lực lượng chấp pháp nhất định phải nỗ lực phá án càng nhiều càng tốt.
Vì các lẽ đó, VKS cấp cao tại TP.HCM và TAND Sơn La đáng được điểm cộng về hai kiến nghị nhằm loại bỏ những mâu thuẫn trong việc xử tội đưa, nhận hối lộ. Đồng thời qua đây cũng gửi gắm TAND tỉnh Hà Giang có quyết định đúng đắn tương tự (HĐXX tòa này đang nghị án kéo dài vụ gian lận điểm, dự kiến ngày 25-10 sẽ tuyên án).
Trở lại số lượng người có liên can trong vụ “logo xe vua” và vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, tới đây có thể có gần trăm người bị gọi đích danh về hành vi nhận, đưa hối lộ. Cùng chờ xem đó là những ai.
Tác giả bài viết: THU TÂM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn