Uy hiếp tính mạng nhà báo bị phạt tới 60 triệu đồng

Thứ năm - 08/06/2017 21:30
(PL News) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang xin ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó, nội dung gây chú ý là vi phạm trong cản trở hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (Đài PTTH Thái Nguyên) bị côn đồ tấn công với 8 vết chém trên người (Ảnh: thainguyentv)
Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (Đài PTTH Thái Nguyên) bị côn đồ tấn công với 8 vết chém trên người (Ảnh: thainguyentv)

Trước việc nhiều phóng viên, nhà báo bị hành hung, đe doạ đến tính mạng, bị cản trở trong hoạt động nghiệp vụ xảy ra trong thời gian qua, những quy định mới trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản đang nhận được nhiều sự đồng tình.

Dự thảo đề xuất, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 

Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 

Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Người có hành vi vi phạm còn bị buộc xin lỗi và buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí.

Điều 9, Dự thảo quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; Không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; Thực hiện không đúng quy định về thời hạn thông báo hoặc thời hạn đăng, phát, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc có yêu cầu. Phạt tiền từ 6 -10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí.

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản tại Việt Nam, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên Việt Nam hoạt động tại nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Đồng tình với những quy định mới này, ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho hay: Các nội dung được đưa vào hành vi xử phạt tăng lên nhiều hơn, cập nhật nhiều nội dung mới, phù hợp với quy định của Luật Báo chí 2016. Mức xử phạt hành vi bị phạt so với Nghị định 159 năm 2013 hầu hết đều tăng lên gấp đôi. Riêng hành vi tăng nhiều nhất từ 5 - 6 lần là hành vi cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí. Việc mức phạt tăng cao như vậy thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp trong hoạt động báo chí, xuất bản. 

Trước vấn đề dư luận băn khoăn luật đã ra nhiều nhưng chưa được thực thi hiệu quả, ông Dung thừa nhận việc luật quy định đã có đầy đủ nhưng thực tế việc xử phạt trong hoạt động báo chí chưa được nhiều, chưa triệt để. Theo ông Dung, với việc Dự thảo mới được công bố và nếu được thông qua thì việc vận dụng các quy định của luật pháp phải nghiêm túc hơn.

 

Nguồn tin: laodong.com:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây