Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các nội dung liên quan điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhâp khẩu ôtô. Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm đối với nội dung về điều kiện kinh doanh ngành nghề bảo hành, bảo dưỡng ôtô, phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo nghị định.
Với mục tiêu xây dựng nghị định nhằm khuyến khích sản xuất ngành công nghiệp ôtô trong nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Nghị quyết số 33, dự thảo nghị định dường như đã phần nào giữ “tinh thần” của Thông tư 20 - vốn gây nhiều dư luận thời gian gần đây - qua các điều kiện nhập khẩu ôtô vào Việt Nam.
Siết bằng điều kiện?
Theo Bộ Công Thương, các quy định hiện hành đối với việc kiểm tra, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nhập khẩu chưa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm ngặt, chưa bảo đảm việc hạn chế các dòng xe nhập khẩu kém chất lượng lọt vào thị trường nội địa, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như an toàn môi trường.
Do đó, Bộ Công Thương dự kiến, doanh nghiệp được nhập ôtô phải được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, tức là phải có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phù hợp với ôtô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định.
Đồng thời, phải có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi xe khi có lỗi.
Doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn 3 hình thức, một là sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; hai là thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu.
Song đến năm 1/7/2020, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng để bảo vệ lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng.
Dự kiến nghị định sẽ kiểm soát điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô theo hướng: cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô cho các đơn vị đáp ứng đủ các điều kiện và yêu cầu đối với ngành nghề này theo quy định của nghị định.
Ai được lắp ráp, sản xuất ôtô?
Theo dự thảo, chỉ có các doanh nghiệp được thành lập theo các quy định của pháp luật về doanh nghiệp mới được tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô. Các chủ thể kinh doanh khác không phải là doanh nghiệp không được tiến hành hoạt động này.
“Do ôtô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, với quy trình sản xuất rất phức tạp, vì vậy, dự thảo nghị định bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về trình độ kỹ thuật của nguồn nhân lực quản lý quá trình sản xuất, lắp ráp ôtô nhằm kiểm soát, bảo đảm chất lượng của quá trình sản xuất, hạn chế tối đa các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật khi xuất xưởng, bảo đảm an toàn cho người sử dụng”, tờ trình ghi.
Các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô tại Việt Nam sẽ phải đáp ứng chất lượng đầu ra đối với xe xuất xưởng thông qua các tiêu chuẩn về nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, hàn, sơn, kiểm tra chất lượng. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cũng phải có trách nhiệm bảo dưỡng, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ, đồng thời bắt buộc phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định.
Nguồn tin: Theo VnEconomy:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn