Dù Quốc hội sắp bấm nút thông qua nhưng nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, công ty lữ hành đề xuất nên tạm hoãn thông qua luật này để hoàn thiện nội dung, lấy thêm ý kiến của giới chuyên môn, tránh việc phải sửa đi sửa lại vừa mất sức, vừa tốn kém chi phí.
Thiếu cơ bản, thừa chi tiết nhỏ
Nhìn mặt tích cực, bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc tiếp thị & truyền thông của Công ty Fiditour, cho rằng dù dự thảo Luật du lịch mới có nhiều cải tiến, đưa vào quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để hỗ trợ nâng cao chất lượng du lịch VN. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa được chú trọng, đồng bộ với chiến lược phát triển dài hạn của nền kinh tế du lịch VN.
Ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, đánh giá vai trò hỗ trợ, nâng cao chất lượng, kích thích sự phát triển du lịch VN thì dự luật mới chưa làm được. Theo ông Dũng, an ninh, an toàn điểm đến là một trong những tiêu chí hàng đầu thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú nhưng luật lại không hề nhắc đến lực lượng cảnh sát du lịch.
Trong khi thời gian qua, hiện tượng quấy nhiễu, tệ nạn xã hội, chặt chém, cướp giựt… khách du lịch xảy ra không ít, tạo ra sự bất an cho du khách. “Luật nào cũng mục đích cuối cùng là để thị trường có những sản phẩm du lịch chất lượng cao, hỗ trợ du khách đến du lịch thong thả, an toàn nhưng tôi lại thấy thiếu tinh thần đó trong dự thảo luật này” - ông Dũng nói.
Bỏ ngỏ du lịch trực tuyến?
Đặc biệt, theo bà Bảo Thu, hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến phát triển mạnh trong khoảng 4-5 năm gần đây tại thị trường VN. Tuy nhiên dự luật mới chưa có các quy định về phạm vi kinh doanh, bản quyền thương hiệu, sản phẩm, giải quyết tranh chấp, bảo vệ khách du lịch trước các rủi ro về tình trạng đặt phải dịch vụ với các công ty mạo danh, kém uy tín đang kinh doanh tràn lan trên mạng…
Đại diện Công ty du lịch Vietravel cũng cho rằng luật mới thiếu hoàn toàn chương về thương mại điện tử. Với một thế giới số và phẳng như hiện nay, kinh doanh là xuyên biên giới, thương mại điện tử sẽ trở thành phương thức kinh doanh chính của các doanh nghiệp trong vài năm và của cả thập kỷ tới.
Dù đề cập nhiều đến quản lý, đưa ra nhiều điều kiện gia nhập thị trường du lịch nhưng luật cũng thiếu quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, không thể hiện được vai trò theo yêu cầu trước tình hình hiện nay và trong tương lai.
Theo ông Trần Thế Dũng, cái kém nhất của du lịch VN là tái kiểm tra, kiểm định chất lượng các sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú sau khi cấp chứng nhận. Nhiều khách sạn, sau một thời gian đi vào hoạt động nhanh chóng xuống cấp, không được cải tạo, đầu tư nhưng vẫn giữ được sao như mới ngày đầu. “Tôi cho rằng cần phải rút ngắn thời gian kiểm định 2 năm/lần thay cho 3 năm/lần như luật nêu” - ông Dũng nói.
Ngoài du lịch trực tuyến, luật cũng không nhắc đến phát triển du lịch biển đảo, các chính sách khuyến khích phát triển tour biển đảo không đơn thuần đem vào khai thác để tăng doanh thu mà còn thể hiện chủ quyền quốc gia, đáng ra phải có những chính sách cổ xúy, ủng hộ tuyến du lịch này.
Tại một cơ sở du lịch được đầu tư lớn, thu hút nhiều khách tại Phan Thiết. Ảnh: Thanh Hương |
Cần một tư duy mới
Trong luật mới, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có buông bớt quyền lợi cho sở bằng cách chỉ giữ quyền cho tổng cục xếp hai hạng khách sạn 4 và 5 sao (thay vì từ 3 sao như luật 2005), đồng thời mở rộng loại hình lưu trú thêm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch.
Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, một việc quan trọng không kém là xếp hạng các điểm tham quan, và vai trò tham gia định giá của cơ quan quản lý lại không được nhắc đến dù điều này các nước trong khu vực đã làm từ lâu.
Xếp hạng điểm tham quan là cơ sở để các nhà làm tour hay các hãng lữ hành thiết kế các tour của mình, những điểm tham quan được chấm sao cao cũng có động lực để cải thiện chất lượng dịch vụ, chứ không đánh đồng và giá cả loạn như hiện nay.
|
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn