Những chính sách có hiệu lực từ tháng 5- 2019

Thứ ba - 30/04/2019 21:28
Dữ liệu địa giới hành chính phải được cập nhật ngay khi có sự thay đổi, cách xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, cán bộ giải quyết tố cáo bị cách chức nếu không bảo vệ người tố cáo... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5-2019.
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 5- 2019

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 5- 2019
1. Dữ liệu địa giới hành chính phải cập nhật ngay khi có sự thay đổi

Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đo đạc và bản đồ, có hiệu lực từ ngày 1-5. Nghị định quy định, trong thời gian không quá 5 năm, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phải được cập nhật định kỳ. Đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ vùng biển Việt Nam được cập nhật không quá 7 năm. Dữ liệu giao thông, dữ liệu dân cư được cập nhật định kỳ hàng năm. Cập nhật ngay đối với dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính được thực hiện khi có sự thay đổi.

2.     Các trường hợp không được cho thuê lại lao động

Có hiệu lực từ 5-5, Nghị định số 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ Luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động quy định, các trường hợp doanh nghiệp không được cho thuê lại lao động bao gồm: 1. Doanh nghiệp cho thuê hoặc bên thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc cho thuê lại lao động để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động. 2. Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động. 3. Không có sự đồng ý của người lao động thuê lại. 4. Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.

3.     Cách xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, có hiệu lực từ ngày 15-5. Theo đó, cách xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước như sau: 1. Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà và có tên trong hợp đồng thuê nhà ở này thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định như sau: a) Nếu thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà thì xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng; b) Nếu trong hợp đồng thuê nhà ở không ghi thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thì xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng đó; c) Nếu thuộc diện ký lại hợp đồng hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên… 2. Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó; nếu trong văn bản bố trí sử dụng không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành văn bản này. 3. Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở thuộc diện nhận chuyển quyền thuê nhà ở (có hợp đồng thuê nhà hoặc có văn bản bố trí sử dụng nhà ở này nhưng không có tên trong hợp đồng hoặc trong văn bản đó) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm người đầu tiên có tên trong hợp đồng hoặc văn bản bố trí sử dụng nhà ở.

4.  Cán bộ giải quyết tố cáo bị cách chức nếu không bảo vệ người tố cáo

Đó là một trong những nội dung tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, có hiệu lực từ ngày 28-5. Theo đó, hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: a. Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; b. Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; c. Không áp dụng biện pháp bảo vệ  người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.


Tác giả bài viết: Nguyễn Hương

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây