Lỗ hổng không nằm ở pháp luật mà do chấp pháp không nghiêm
Liên quan đến vụ đại án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Điều đáng nói, 12 công ty này đều được lập khống để đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng. Do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Phạm Công Danh đến Hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng – Phó TGĐ để giới thiệu khách hàng của VNCB sang BIDV vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Trước đó hai bên đã chuẩn bị sẵn “vỏ bọc” bằng động tác ký thỏa thuận hợp tác cùng tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng). Sau khi được BIDV chấp thuận, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 12 công ty và đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng. Để bảo lãnh cho các khoản vay này, ông Danh đã sử dụng hơn 3.000 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV và 6 lô đất tại Đà Nẵng nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp. Ngoài ra không có thủ tục nào khác… Như vậy theo quy định tại khoản 2, 3,4 và 5 Điều 7 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì điều kiện vay vốn của VNCB chưa đảm bảo.
Thế nhưng vào thời điểm đó, với cương vị là Trưởng phân ban Rủi ro tín dụng, đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn mà không cần thông qua cuộc họp toàn thể của Ủy ban Quản lý rủi ro, và ký trong lúc Tổng GĐ đi vắng. Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp hồ sơ bổ sung, phối hợp kiểm tra vốn vay nhưng các công ty “ma” không cung cấp được, gây thiệt hại cho VNCB 2.551 tỷ đồng. Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết, những
vi phạm của ông Trần Bắc Hà là “rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”. Tuy nhiên trong báo cáo giải trình gửi CQĐT (giai đoạn 2 đại án Phạm Công Danh), ông Hà cho rằng các thiếu sót trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng “chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm”. Kết luận của CQĐT tại thời điểm cũng cho biết, những vi phạm của ông Hà không đủ căn cứ để xử lý hình sự (?)
Tại thời điểm giải ngân 4.700 tỷ cho VNCB, ông Hà giữ vai trò là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT và đồng thời là Trưởng phân ban Rủi ro tín dụng, đầu tư. Trong khi đó theo quy định tại Điều 64 Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, Chủ tịch HĐQT có các quyền và nghĩa vụ: “Lập chương trình kế hoạch hoạt động của HĐQT; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp, triệu tập và chủ tọa cuộc họp HĐQT; giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của HĐQT…”. Được hiểu là vai trò của ông Hà không có quyền quyết định trực tiếp trong hoạt động kinh doanh. Thậm chí nếu vận dụng theo khoản 10, Điều 64 – tức ngoài các quyền và nghĩa vụ nói trên, Chủ tịch HĐQT còn có “quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng”, thì vai trò của ông Hà cũng không được nhắc đến (Quyết định số 07 – NH/QĐ ngày 8/01/1991 của Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành về việc ban hành các bản mẫu điều lệ của các ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ của HĐQT, hoàn toàn không có quy định quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT).
Mặt khác, tại Điều 48 và 49 Luật TCTD quy định: “TGĐ là người điều hành cao nhất của tổ chức tín dụng, chịu trách nhiệm trước HĐQT về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. TGĐ có quyền tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT; quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của tổ chức tín dụng; và thiết lập, duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả”. Cũng theo Luật TCTD, TGĐ chỉ có trách nhiệm báo cáo HĐQT, Ban kiểm soát, Đại hội đồng cổ đông và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động và kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng. Như vậy, ông Hà đã lạm quyền làm thay công việc của TGĐ và của HĐQT tổ chức tín dụng BIDV, hay nói cách khác là đã làm trái quy định của pháp luật. Hành vi đó, đúng như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bắt nguồn từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành…
Nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng, mà dưới thời ông Hà tại vị gần như cả hệ thống BIDV bị “tê liệt”, không có một tổ chức, cá nhân nào dám phản biện. Trong khi theo quy định tại Điều 63 Luật TCTD, cái gọi là Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV chỉ là một tổ chức nội bộ được thành lập theo thẩm quyền của HĐQT, nhằm mục đích quyết định chính sách quản lý rủi ro và giám sát việc thực thi các biện pháp phòng ngừa rủi ro của tổ chức tín dụng. Những người đứng đầu 4 Chi nhánh thuộc BIDV (Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn) được giao trách nhiệm giải ngân, thừa biết chữ ký phê duyệt chủ trương cho vay của Trưởng phân ban Rủi ro chỉ có giá trị nội bộ, không đủ hiệu lực để giải ngân số tiền 4.700 tỷ đồng. Nếu giải ngân tức là vi phạm pháp luật thế nhưng nếu làm ngược lại là đồng nghĩa với sa thải, mất việc làm.
Lưới trời lồng lộng, ông Hà đã phải trả giá về hành vi bất chấp pháp luật. Hàng loạt các sai phạm cả ông Hà đã lần lượt bị CO3 bóc trần. Ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với
ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Cùng bị khởi tố và bắt giam trong vụ án này còn có Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.
Đến ngày 8/01/2019, ông
Hà tiếp tục bị CO3 khởi tố bổ sung về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Hà bị cáo buộc có sai phạm liên quan việc phê duyệt, cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng. Công ty này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 được ban hành cùng ngày về tội
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra đồng thời tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành. 5 cán bộ của BIDV có liên quan đến sai phạm cùng tội danh với ông Hà bị khởi tố, bắt tạm giam đáng lưu ý còn có ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó TGĐ phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp BIDV. Thông tin bước đầu cho biết, BIDV đã giải ngân cho vay với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV số tiền lên tới 890 tỷ đồng.
Dư luận chưa nguôi thì mới đây ngày 26/3, ông Trần Duy Tùng – con trai ông Hà bị C03 khởi tố và bắt tạm giam vì đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”… Ông Tùng bị khởi tố do các sai phạm liên quan DA chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đầu tư tại Hà Tĩnh. Dự án được vay vốn của BIDV với tổng số tiền ban đầu 3.162 tỉ đồng, thực giải ngân 810 tỷ đồng. Sau đó gói tín dụng được nâng lên đến 1 tỉ USD (hơn 20.000 tỉ đồng), do quy mô dự án được “vẽ” thêm lên tới 254.200 con bò/năm, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, và lợi nhuận đạt 1.000 - 1.500 tỉ đồng. Từ tháng 5/2015 - 6/2017, Bình Hà đã xây 65 chuồng trại, 19 hệ thống kho chứa và các công trình phụ trợ, trồng 678 ha cỏ và đã nhập về 43.387 con bò thịt để nuôi béo. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, tổng đàn bò được nhập về, thả nuôi các đợt cứ giảm dần và đến thời điểm hiện tại, số bò còn lại chưa tới 500 con. Hàng trăm ha đất sản xuất của người dân trong vùng DA bị thu hồi trắng để cấp cho “đại dự án” chăn nuôi bị bỏ hoang hóa vô cùng lãng phí…
Một trong 7 khối tài sản khủng của bố con ông Hà
Hiện các sai phạm của ông Tùng có liên quan đến DA nuôi bò ở Hà Tĩnh vẫn còn trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên thông tin bước đầu hé lộ “thái tử” Tùng đã phạm tội chiếm đoạt tài sản, với hành vi tự ý bán bò của DA để sử dụng vào việc riêng mà không báo cáo. Câu hỏi đặt ra là, ông Tùng có mối liên quan như thế nào đối với DA, trong khi tại thời điểm bị khởi tố, ông Tùng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú, có trụ sở đóng tại TP. Quy Nhơn (?). Trở lại thời điểm vào năm 2015, nhiều tờ báo khi đó đưa tin HAGL cùng Công ty An Phú (Bình Định) đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt khoảng 80 - 100 triệu USD tại Hà Tĩnh với quy mô khoảng 100.000 con. Cũng trong năm 2015 (10/4), Công ty CP Bình Hà thành lập có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm các ông Đinh Văn Dũng (Gia Lai) nắm 45% vốn cổ phần, ông Thái Thành Vinh (TP.HCM) 30% và ông Trần Anh Quang (Bình Định) 25% còn lại. Ông Quang là người cùng quê với ông Trần Bắc Hà (ở thôn An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định), đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn An Phú. Đến tháng 7/2018, ông Quang bàn giao toàn bộ các chức vụ tại Tập đoàn An Phú cho ông Tùng, để đảm nhiệm chức vụ TGĐ Công ty Bình Hà. Trước đó chức vụ này do ông Đinh Văn Dũng đảm nhiệm.
Xâu chuỗi các sự kiện đã xảy ra có thể nhận diện được vai trò của ông Tùng tại DA “khủng”, ít ra danh chính ngôn thuận ông Tùng chính là người chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với 25% vốn góp của Công ty Tập đoàn An Phú tại Công ty Bình Hà. Song vấn đề không dừng lại ở đó, ngoài nguồn vốn của BIDV, rất có thể toàn bộ vốn góp của 3 cổ đông sáng lập đó chính là tài sản của bố con ông Hà. Bỡi nếu đó là vốn góp thực sự của cá nhân ông Quang, ông Dũng và ông Vinh thì không thể có chuyện ông Tùng tự tung tự tác bán bò của dự án, thu tiền sử dụng cá nhân mà không báo cáo. Hoài nghi đó càng có cơ sở, khi mà ông Đinh Văn Dũng (người có 45% vốn cổ phần chi phối) giữ chức vụ TGĐ chưa nóng chỗ (trong vòng chỉ 3 tháng, từ 4/2018 – 7/2018), phải sớm nhường lại ghế cho ông Quang (chỉ có 25% vốn góp)… trong khi theo quy định tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2014 nhiệm kỳ của TGĐ là 5 năm, và cũng không có thông tin gì từ nội bộ tung ra ông Dũng điều hành kém hiệu quả (?!)
Như vậy không phải pháp luật “bỏ trống trận địa” mà là bố con ông Hà không thượng tôn pháp luật, “xé rào”, bất chấp các quy định trong Luật Tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp… để đạt được mục đích của mình bằng mọi giá. Điều đáng nói là hành vi phớt lờ luật pháp đó đã diễn ra suốt thời gian dài nhưng không bị ngăn chặn. Nguyên nhân là do sự thiếu phản biện, không dám đấu tranh trong nội bộ hệ thống BIDV; đặc biệt là vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát của NHNN theo quy định tại Điều 159, 160 Luật TCTD thực hiện không hiệu quả, thiếu kiên quyết, thậm chí bị buông lỏng…
Nguyên nhân sai phạm và bài học kinh nghiệm
1. Hành vi cố ý làm trái pháp luật của bố con ông Hà và các cổ đông của Công ty Bình Hà sẽ không hoàn thành nếu như không có sự giúp sức từ phía chính quyền địa phương trong việc giao đất. Để thực hiện đại DA, tỉnh Hà Tĩnh đã dốc toàn lực quỹ đất nông nghiệp bằng việc điều chỉnh hơn 1.848 ha diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Ngoài ra, hàng trăm ha diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, kể cả trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (Kỳ Anh) cũng được thu hồi.
Đáng nói hơn, trong quá trình triển khai, theo yêu cầu của nhà đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh còn thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB phục vụ DA như: rút ngắn thời gian công khai, phê duyệt và thanh toán tiền bồi thường, gia hạn thời gian nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là không thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng… Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác GPMB và bàn giao hơn 819 ha cho nhà đầu tư.
Đến thời điểm này có thể khẳng định DA chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh đã thực sự phá sản nhưng hậu quả để lại nhìn từ góc độ thất thoát, lãng phí tài nguyên là quá lớn. Được biết tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh gần đây nhất, các đại biểu HĐND đã chất vấn trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan. Dư luận kỳ vọng sẽ truy đến cùng: Có hay không lợi ích nhóm trong quy trình giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện DA đầu tư có đảm bảo điều kiện, thẩm quyền theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 (?).
Không chỉ ở Hà Tĩnh, cùng thời điểm (trong năm 2015), Công ty Bình Hà còn được tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương và giới thiệu địa điểm đầu tư DA chăn nuôi bò giống và bò thịt chất lượng cao, có tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ (quy mô 100.000 con) trên địa bàn 4 huyện: Vân Canh, Hoài Nhơn, An Lão và Hoài Ân trên tổng diện tích hơn 5.000 ha đất. Tuy nhiên DA không triển khai được vì địa phương này không tiến hành bàn giao đất cho nhà đầu tư theo đúng tiến độ. Từ đây, bài học cần rút ra là trước khi giao đất cho các nhà đầu tư triển khai, các địa phương cần phải cân nhắc, đánh giá thật kỹ lưỡng tính hiệu quả của DA, phải tuân thủ đầy đủ trình tự quy định của pháp luật, không đốt cháy giai đoạn như Hà Tĩnh, phải công khai DA để lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của người dân có đất bị thu hồi.
2. Ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh còn phải kể đến vai trò “bà đỡ” của BIDV. Theo cam kết giữa các bên, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Được biết đây là DA đầu tư tín dụng lớn nhất mà Chi nhánh này thực hiện từ trước tới nay. Tuy nhiên từ thực tế DA bị “chết yểu” có thể nói BIDV Hà Tĩnh đã vi phạm điều kiện giải ngân theo quy định tại khoản 3,4 và 5 Điều 7 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Tức là, DA được giải ngân trong lúc chưa có đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn, chưa có phương án khả thi và chưa thực hiện đầy đủ quy định về bảo đảm tiền vay…
Hành vi làm trái pháp luật của Chi nhánh Hà Tĩnh chắc chắn có vai trò của ông Hà, thậm chí là vai trò quyết định. Bài học cần rút ra, không phải là Quy chế cho vay của NHNN (ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN) có “lỗ hổng” mà là do buông lỏng thiếu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời của NHNN để cho các hành vi sai phạm của BIDV mà đứng đầu là ông Hà xảy ra suốt thời gian dài. “Do đó để ngăn chặn hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, cần phải sửa đổi Luật TCTD theo hướng tăng cường, phát huy có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước của NHNN và có cơ chế ngăn ngừa, kiểm soát quyền lực của người giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT trong tổ chức tín dụng” - Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) nêu quan điểm.
3. Dư luận đang “sốt” trước câu chuyện xộ khám của bố con ông Hà. Vấn đề không chỉ là ở chỗ “xé rào” luật pháp mà là bố con ông Hà đã “lách luật” như thế nào để “thâu tóm” hàng loạt bất động sản tọa lạc tại những vị trí đắc địa ở tỉnh Bình Định và có nguồn vốn khổng lồ để triển khai đồng thời các DA “khủng” (?). Những khoản tiền “lót tay”, “đi đêm” để “bôi trơn” chắc chắn không thể không có và càng không hề nhỏ chút nào nhưng sẽ rất khó để CO3 làm rõ.
Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng: “Soi từ Luật Doanh nghiệp năm 2014, có thể bóc tách một phần sự thật. Chỉ cần có “quan hệ” tốt, xây dựng được lợi ích nhóm thì có thể biến tài sản của Nhà nước thành tài sản riêng thu về hàng trăm tỷ đồng mà không phạm pháp”. Ông Sơn phân tích, đầu tiên là đăng ký thành lập doanh nghiệp Công đoạn này dễ dãi đến mức không cần có tiền vẫn có thể đăng ký vốn điều lệ lên tới trăm tỷ, nghìn tỷ (vì Luật DN không bắt buộc phải chứng minh tiền mặt có trong tài khoản). Công đoạn tiếp theo là xây dựng DA đầu tư và xin chủ trương đầu tư. Đây là công đoạn mà nhà đầu tư bắt buộc phải “đi đêm” với chính quyền địa phương, nếu như muốn được giao đất (hoặc cho thuê đất) ở vị trí đắc địa và được áp với khung giá đất “mềm” nhất.
Liên quan đến vấn đề trên, LS Sơn cho rằng, pháp luật về đất đai (Điều 113 và 114 Luật Đất đai 2013) đang có “kẽ hở” về xây dựng khung giá đất và bảng giá đất. Với định kỳ 5 năm một lần, Chính phủ ban hành khung giá đất để làm căn cứ cho địa phương xây dựng và trình HĐND cùng cấp ban hành bảng giá đất là quá lạc hậu, không theo kịp với sự biến động của thị trường bất động sản như thời gian qua. Trong khi đó việc quy định về giao đất, cho thuê đất, Luật Đầu tư quy định một đường, văn bản dưới luật hướng dẫn một nẻo.
Tại khoản 1, Điều 20, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 quy định: “Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua hình thức đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định trực tiếp theo các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật có liên quan. UBND cấp tỉnh ra quyết định lựa chọn chủ đầu tư căn cứ trên kết quả đấu thầu, đấu giá hoặc quyết định giao chủ chủ đầu tư trong trường hợp chỉ định trực tiếp”. Tuy nhiên, tại Điều 4, Điều 32 của Luật Đầu tư quy định: “Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thuộc trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục cấp Quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh để thực hiện dự án đầu tư”.
Sự lạc hậu về giá đất so với thị trường và sự “vênh” nhau về nội dung giữa luật và nghị định là “mảnh đất màu mỡ” để A và B cùng bắt tay nhau để trục lợi. Lấy ví dụ tại Bình Định, Bảng giá đất nông nghiệp (lúa và NTTS) năm 2014 để áp giá bồi thường CPMB ban hành kèm theo Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của Bình Định là 53.000 đồng/m2, trong khi đó giá đất ở giao dịch tại thời điểm hiện nay ở Khu Đô thị mới An Phú Thịnh bình quân là 25.000.000 – 30.000.000 đồng/m2; hay ở QL1D (đoạn đi ngang qua Khu đô thị An Phú do Công ty CP Tập đoàn An Phú đang sở hữu) giá Nhà nước 1.000.000 đ/m2, trong khi đó giá giao dịch trên thị trường hiện nay bình quân từ 80.000.000 – 100.000.000 đồng/m2).
Dự án nuôi bò thịt ở Hà Tĩnh chính thức bị phá sản
Một hình thức khác, nhằm để khuyến khích đầu tư phát triển vào một số lĩnh vực đặc thù, như: Dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên thuê, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, DA chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với chế biến công nghiệp theo quy định của pháp luật; Chính phủ quy định tại các Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011, Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước, cho phép nhà đầu tư được vay tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), nhưng chỉ cần có 20% tổng vốn đầu tư dự án, thời hạn vay đến 12 năm (đối nhóm A tối đa là 15 năm). Như vậy đối với những dự án có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ, như Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (nằm trong danh mục khuyến khích), chủ đầu tư chỉ cần chứng minh sở hữu 600 tỷ vốn đối ứng là có thể “rút ra” từ BIDV số tiền 2.100 tỷ đồng. Nếu DA đầu tư có hiệu quả thì Nhà nước thu hồi và ngược lại…
Cùng với khởi tố, bắt tạm giam, CQĐT Bộ Công an cũng đã tiến hành khám xét và kê biên toàn bộ các tài sản “khủng” của bố con ông Hà và các đối tượng có liên quan. Song làm cách nào để Nhà nước thu hồi lại được tài sản của Nhà nước thất thoát là vấn đề không dễ khi mà phần lớn tài sản được kê biên đã được sang tên, chuyển dịch quyền sử dụng cho người khác, trừ phi CO3 chứng minh các tài sản đó được hình thành từ nguồn tiền bất hợp pháp. Từ thực tế cố ý làm trái pháp luật của bố con ông Hà và những người có liên quan cho thấy, trong đó có một phần lỗi là do hệ thống pháp luật Việt Nam (từ Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… cho đến các văn bản dưới luật) còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trong khi đó cơ chế kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, kịp thời.
Theo đó, các chuyên gia luật cho rằng: Xử lý hình sự đối với bố con ông Hà và những người có liên quan trong vụ án BIDV và Công ty Bình Hà là cần thiết để răn đe đối với những kẻ xem thường pháp luật, nhưng đó mới chỉ là xử lý phần ngọn. Giải pháp căn cơ và lâu dài là cần phải khẩn trương sửa đổi luật, và các văn bản dưới luật để cho những kẽ cơ hội không còn “đất diễn” và không còn dám vi phạm pháp luật.