Công an Quảng Bình cũng vừa khởi tố bổ sung nguyên Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em trong việc để ngoài sổ sách, lấy tiền tiêu pha cá nhân hơn 1 tỷ đồng. Vụ án này đã được khởi tố hồi tháng 8 năm nay và bắt giữ hai nhân viên của Quỹ. Bớt xén của trẻ em trong diện phải hỗ trợ, các cá nhân này đã biến một tổ chức từ thiện thành nơi đục khoét.
Cũng tại Quảng Bình, một bộ sậu lãnh đạo và nhân viên của Dự án bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cũng bị tra tay vào còng vì hành vi bớt xén công quỹ dành cho hoạt động rà phá bom mìn. Số tiền bớt xén không nhỏ, lên tới 5,6 tỷ đồng.
Hành vi của các bị can trong các vụ án kể trên không những chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến đạo lý bị tổn thương. Trục lợi từ trẻ em bị bệnh, từ trẻ em nghèo khó, bất hạnh, từ khắc phục hậu quả chiến tranh là hành vi phản đạo đức nghiêm trọng.
Không “ăn bớt” nhưng liên quan rất lớn đến đạo đức cũng xảy ra ở Quảng Bình khiến dư luận xôn xao là việc Chánh án một huyện miền núi “vui vẻ” với nữ cấp dưới ngay tại phòng làm việc, trong công sở bị một người bí mật quay video tố giác, ông này đã thừa nhận có việc đó và đổ tại do “say rượu”.
Cũng liên quan đến đạo đức cán bộ, việc 4 “nhân tài” của Quảng Ngãi dùng tiền kinh phí nhà nước đi du học nước ngoài rồi không về làm việc đã bị truy thu 9 tỷ đồng. Đó là chuyện đương nhiên phải thế, cần bồi thường, song, cái đáng quan tâm là các “nhân tài” đó đều là con của các quan chức: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Tài chính. Tại sao “nhân tài” gồm toàn các “con quan”. Phải chăng những nhân tài thực sự đã bị “ăn chặn”, không có cửa du học bằng tiền Nhà nước?
Vẫn chuyện trong phạm vi đạo đức cán bộ, dư luận đang ồn ào về việc con trai một Phó trưởng công an huyện phạm tội đang bị truy nã hoặc một Trung tá công an tán tỉnh vợ đồng nghiệp khi người chồng can gián thì thẳng tay đánh luôn anh chồng đáng thương này.
Hay những que xét nghiệm máu bị cắt đôi ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) là điển hình của việc “ăn bớt” và không chỉ là sự biểu hiện suy thoái đạo đức của tầng lớp lương y mà danh dự và lương tâm của cả ngành Y đã bị những người này “ăn bớt”.
Nghiêm trị những hành vi đó là thực thi pháp luật, cũng là bảo vệ đạo lý, tránh khỏi hiện tượng suy thoái về đạo đức đang có biểu hiện lây lan như một thứ dịch bệnh nguy hiểm./.
Tác giả bài viết: Nhị Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn