Nhận diện cán bộ tiêu cực

Thứ tư - 30/10/2019 21:49
Quốc hội đang bàn về những vấn đề kinh tế - xã hội và không ít những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực này đã được chỉ ra và đáng chú ý là những ý kiến tâm huyết của các vị đại diện cử tri cả nước đã vạch ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng đó là do chính cán bộ của chúng ta.
Nhận diện cán bộ tiêu cực
Nhận diện cán bộ tiêu cực

Điểm qua một loạt những hiện tượng xã hội tiêu cực cộm cán trong thời gian gần đây, đều thấy bóng dáng của cán bộ ở đằng sau đó hoặc trực tiếp tác động, hoặc “làm ngơ” để xảy ra tình trạng đó.

Từ gian lận trong thi cử đến gây hại môi trường sống, từ phá vỡ quy hoạch đến xây dựng trái phép tràn lan, từ bán rẻ tài sản công đến những chuyến xuất ngoại đầy khuất tất, từ tai nạn giao thông đến dùng bằng giả tràn lan... đều có bàn tay của một số cán bộ. Một đại biểu Quốc hội nhận định rằng tham nhũng là do những “cán bộ xấu xa” lẩn khuất trong bộ máy nhà nước trực tiếp gây ra.
 

Ví dụ gần nhất và rõ nhất là một Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND xây những công trình trái phép 7 năm mà không bị xử lý kịp thời. Phải đến khi Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo thì sự “làm gương” mới xuất hiện ở vị này, tức là nhận tự tháo gỡ nhưng tháo gỡ cầm chừng và “xin thôi” những chức vụ mình đang đảm trách. Chắc chắn, khi Bí thư Thành ủy đã nói rằng cần thay đổi vị trí công tác thì có lẽ việc xin thôi trở nên vô ích. Trường hợp này cũng như nữ Trưởng phòng của Tỉnh ủy Đắk Lắk tráo tên, mượn bằng bị phát hiện nên “xin thôi”.

Có thể, một số trường hợp cán bộ “xin thôi” vì “điều kiện sức khỏe” mà được chấp nhận nên các trường hợp này học tập và làm theo chăng? Vấn đề là cán bộ sai phạm thì phải kỷ luật thích đáng nếu cứ “xin thôi” là xong thì cũng như tham nhũng đã bị phát hiện mà trả hết tài sản tham nhũng thì không bị xử lý nữa thì còn chỗ đâu cho pháp luật thực thi.

Những cái tưởng chừng là “tham nhũng vặt” của cán bộ nhưng gây nên hậu quả nghiêm trọng như việc thi lái xe nộp tiền “chống trượt”, chứng nhận sức khỏe thì mua... Hoặc, việc người dân bị lừa đảo mua đất ở các “dự án ma”, tham gia vào những chương trình “làm giàu không khó”, bán hàng đa cấp không phép, tổ chức các lớp huấn luyện làm giàu, khởi nghiệp bằng việc bán thuốc giả,... buộc dư luận phải đặt câu hỏi “chính quyền địa phương ở đâu?”. Trả lời không khó bởi một bộ phận cán bộ của đã “bắt tay” với những đối tượng lừa đảo này, hoặc nhắm mắt làm ngơ.

Hiện tại, những hiện tượng xã hội tiêu cực đó được ĐBQH phơi bày trên nghị trường và chỉ đích danh nguyên nhân gây ra thì cần những biện pháp mạnh để loại trừ nguyên nhân này.

 

Tác giả bài viết: Nhị Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây