"Lò” rực cháy, đừng biến mình thành “củi“!

Thứ hai - 18/03/2019 21:16
VOV.VN -Cuộc chiến chống tham nhũng, xử lý cán bộ ngày càng vào hồi quyết liệt, như lời cảnh báo: Hãy soi lại mình, tránh “tự diễn biến, tự suy thoái” mà kết cục cuối cùng sẽ không ai mong muốn
"Lò” rực cháy, đừng biến mình thành “củi“!

Chưa có khi nào, cuộc chiến chống tham nhũng lại mạnh mẽ và quyết liệt như thời gian gần đây. Từ Đại hội XII đến nay, số Ủy viên Trung ương vi phạm kỷ luật Đảng, thậm chí vướng vòng lao lý có xu hướng ngày càng nhiều hơn.

Mới đây, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra con số, chỉ trong trong 2 năm gần đây, cấp ủy và UBKT các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có một số đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái.

Tính đến nay, đã có 59 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị xử lý, kỷ luật trong đó có 13 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và có 1 Ủy viên Bộ Chính trị.

Nếu so với năm 2017, thì năm 2018, có thể thấy số cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật nhiều hơn và ở diện rộng hơn. Trong đó có rất nhiều cán bộ ở các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt hàng loạt tướng lĩnh trong ngành Công an, Quân đội- ngành mà lâu nay dư luận vẫn nghi ngại về một “vùng cấm”- đã bị đưa ra xử lý kỷ luật. Việc xử lý cán bộ ngày càng quyết liệt thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước không có “vùng cấm”.
 

xu ly ky luat can bo: 'lo' rung ruc chay, dung tu bien minh thanh 'cui' hinh 1

Năm 2018, nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ do Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí có người bị truy tố trước pháp luật 

 

Trong năm 2018, tại hai Hội nghị quan trọng của Đảng là Trung ương VII và VIII, nhiều vấn đề “nóng” cũng đã được bàn thảo, như: chính sách tiền lương, công tác cán bộ, tinh gọn bộ máy, công tác xây dựng Đảng…. trong đó xây dựng Đảng và công tác cán bộ được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Cũng chưa bao giờ, công tác cán bộ lại được Đảng và người đứng đầu Đảng ta trăn trở đến như vậy. Ngay tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương VII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào?

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta lại đặt ra nhiều câu hỏi về công tác cán bộ đến như vậy. Thực sự không thể không trăn trở khi có quá nhiều cán bộ vi phạm, ở đủ cấp, đủ ngành, kể cả cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu…

Trăn trở về một đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Điều này được thể hiện rõ nhất khi mà trong năm 2018, có hàng loạt cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ Trung ương quản lý, nhiều tướng lĩnh cấp cao trong ngành Công an, Quân đội bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý vì lợi dụng chức vụ quyền hạn để “bảo kê”, “chống lưng” cho nhóm lợi ích làm ăn phi pháp, làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, cũng nhằm để hưởng lợi trong đó.

Trăn trở khi không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều đại án kinh tế đã và đang được đưa ra xét xử mới thấy mức độ tàn phá nền kinh tế ghê gớm. Những sai phạm này của cán bộ, đảng viên không chỉ làm tổn hại nặng nề về kinh tế, mất mát về đội ngũ cán bộ, mà hậu quả nặng nề hơn cả là làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng, với chế độ.
 

Vì thế, khi công cuộc phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm của Đảng, Nhà nước và người đứng đầu Đảng ta ngày càng vào hồi quyết liệt, là minh chứng rõ nhất của quyết tâm không có “vùng cấm”. Bất cứ ai khi đã sai phạm, khuyết điểm trong việc quản lý đất nước, quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến Đảng, đến nhân dân thì dù ở cấp nào thì cũng đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể thấy, việc xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã được làm một cách thận trọng, bài bản, trỏ rõ đến từng cá nhân vi phạm, không còn là “lỗi của tập thể”, đặc biệt là công khai trước dư luận, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, đúng người, đúng tội, không hàm oan cũng như không bỏ lọt ai.
 

Quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Đảng đã và đang lấy lại được niềm tin trong nhân dân, được dư luận đồng tình ủng hộ. Niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ ngày càng được củng cố và tăng cường, tạo khí thế phấn khởi, lan tỏa, là động lực để nhân dân tích cực, hăng say trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chưa bao giờ nền kinh tế lại tăng trưởng ấn tượng như bây giờ. Năm 2018, tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 10 năm và cao hơn nhiều nước trong khu vực, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế Việt Nam vượt mục tiêu đề ra (6,7%) và ước đạt 7%.

Cùng với việc phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ đang vào hồi quyết liệt, trong năm 2018, Đảng ta cũng đã ban hành nhiều quy định, quy chế về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 07 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương; Quy định 102 về xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm… Cùng với đó, Đảng ta cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định khác nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Những quy định này của Đảng thực sự cần thiết với tất cả các cán bộ, Đảng viên trong tình hình hiện nay, ngày càng hoàn thiện các quy trình kết nạp Đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Đây cũng là cảnh báo đối với tất cả cán bộ, đảng viên: Hãy soi lại những việc mình làm, để tự tu dưỡng, tránh tình trạng tự diễn biến, tự suy thoái mà kết cục cuối cùng sẽ không ai mong muốn./.

Nguồn tin: VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây